Tiêu chí phản ánh chất lượng đội ngũ CBCC cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện trên địa bàn thành phố sông công, tỉnh thái nguyên (Trang 25 - 30)

2.1.3.1. Nhóm tiêu chí phản ánh năng lực, trình độ của CBCC

+ Tiêu chí về sức khỏe

Theo tổ chức y tế thế giới “Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái

về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật”.

CBCC có sức khỏe tốt có thể mang lại kết quả thành công cao trong công việc nhờ sự bền bỉ, dẻo dai và khả năng tập trung trong khi làm việc. Nhờ thể lực tốt, CBCC có thể tiếp thu nhanh chóng những kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực thi công vụ. Có nhiều chỉ tiêu biểu hiện trạng thái sức khỏe của người lao động. Bộ y tế Việt Nam quy định 5 trạng thái sức khỏe là: Loại 1: rất khỏe; Loại 2: khỏe; Loại 3: Trung bình; loại 4: Yếu; Loại 5: rất yếu (theo Quyết định số 1613/QĐ-BYT ngày 15/8/1997 của Bộ y tế về việc ban hành tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ cho người lao động).

+ Tiêu chí về trình độ học vấn

Đây là tiêu chí rất quan trọng phản ánh chất lượng CBCC. Trình độ học vấn là điều kiện và khả năng tiếp thu, vận dụng có hiệu quả những tiến bộ mới của khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ. Sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ yêu cầu CBCC phải có trình độ học vấn cơ bản để có khả năng tiếp thu và áp dụng kiến thức mới trong thực thi công vụ; góp phần giúp CBCC nâng cao khả năng làm việc chủ động, linh hoạt và sáng tạo.

+ Trình độ chuyên môn, chính trị và đạo đức

* Trình độ chuyên môn: Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi người CBCC phải có trình độ. Muốn có trình độ tất yếu người CBCC phải được đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp và tự đào tạo, rèn luyện qua thực tế công tác. Hiện nay, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CBCC được đào tạo ứng với hệ thống văn bằng chia thành các trình độ như: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, ĐH và trên ĐH. Tuy nhiên, khi xem xét về trình độ chuyên môn của CBCC cần phải lưu ý về sự phù hợp giữa chuyên môn đào tạo với yêu cầu thực tế của công việc và kết quả làm việc của họ.

* Trình độ chính trị: Trong xu thế phát triển của đất nước, phẩm chất, bản lĩnh chính trị là yêu cầu quan trọng, cơ bản nhất đối với đội ngũ CBCC. Đó là sự tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng, vững vàng kiên định với mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn; nhiệt tình cách mạng, gương mẫu, tận tụy có tinh thần và ý thức trách nhiệm cao với công việc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

* Phẩm chất đạo đức: Đạo đức của người CBCC gồm hai mặt cơ bản: Đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức cá nhân của mỗi CBCC trước hết thể hiện ở ý thức, niềm tin vào định hướng xã hội chủ nghĩa; ở tinh thần và ý thức biết tôn trọng kỷ luật, sống và làm việc theo pháp luật, có lối sống lành mạnh, không tham ô, lãng phí, có trách nhiệm trong thi hành công vụ, có lòng nhân ái, vị tha, ứng xử đúng đắn trong mọi mối quan hệ; có tinh thần hướng thiện, hiếu học. Đạo đức nghề nghiệp của CBCC, viên chức thể hiện trước hết ở tinh thần trách nhiệm và đề cao kỷ luật trong thi hành công vụ. Đó là ý thức cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kể cả khi gặp những điều khó khăn, phức tạp; không tham nhũng, phiền hà, sách nhiễu dân.

+ Tiêu chí phản ánh về kỹ năng nghề nghiệp

Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của CBCC; nó phản ánh tính chuyên nghiệp của công chức khi thực thi nhiệm vụ. CBCC cần có những kỹ năng quản lý tương xứng để thực hiện vai trò, nhiệm vụ của CBCC. Dựa vào kết quả mà các kỹ năng hướng đến, có thể chia thành ba nhóm kỹ năng chính:

* Kỹ năng kỹ thuật - liên quan đến khả năng nắm vững các phương pháp, sử dụng các phương tiện, công cụ cũng như kiến thức về một lĩnh vực nào đó.

* Các kỹ năng quan hệ - liên quan đến khả năng trong giao tiếp, phối hợp, chia sẻ và động viên, thu hút người khác với tư cách cá nhân hoặc nhóm.

+ Kỹ năng tổng hợp, tư duy chiến lược - khả năng tổng hòa tất cả các mối quan tâm cũng như các hoạt động của tổ chức. Điều này liên qua đến khả năng nhìn nhận tổ chức như một thực thể thống nhất, hiểu được mối liên hệ phụ thuộc giữa các bộ phận của các tổ chức với nhau, dự đoán được những thay đổi trong bộ phận này sẽ ảnh hưởng tới các bộ phận khác ra sao.

+ Tiêu chí phản ánh về kinh nghiệm công tác

Kinh nghiệm công tác là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của CBCC. Kinh nghiệm công tác được xem xét, đánh giá qua thâm niên của CBCC. Tuy nhiên, giữa kinh nghiệm và thâm niên công tác không phải hoàn toàn theo quan hệ tỷ lệ thuận. Thời gian công tác chỉ là điều kiện cần cho tích lũy kinh nghiệm. Điều kiện đủ để hình thành kinh nghiệm trong công tác của CBCC phụ thuộc vào khả năng nhận thức, phân tích, tổng hợp, tích lũy và ghi nhớ của từng người CBCC. Trong thực tiễn cần bố trí cán bộ chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao để phát huy những kinh nghiệm họ tích lũy được, tránh xáo trộn trong công việc. Tuy nhiên, đối với công chức trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý thì việc luân chuyển, bố trí ở những vị trí khác nhau cũng là một hình thức tăng cường kinh nghiệm cho công chức đó.

+ Tiêu chí về tin học, ngoại ngữ

* Tin học: Tin học ngày nay có khả năng thâm nhập, len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống cho phép con người khai thác triệt để khả năng lao động tư duy, thông qua các phương tiện hỗ trợ đắc lực. Đối với CBCC hành chính Nhà nước việc nâng cao trình độ tin học xuất phát mục tiêu của chương trình cải cách hành chính Nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện đại hóa công nghệ hành chính, thực hiện Tin học hóa các quy trình phục vụ nhân dân trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, nâng cao năng lực của cơ quan hành chính Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và nhân dân.

* Trình độ ngoại ngữ: Trình độ ngoại ngữ là tiêu chuẩn hàng đầu để CBCC hành chính Nhà nước có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nền văn minh thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu và phát triển tiềm năng của chính mình. Có trình độ ngoại ngữ CBCC có thể nghiên cứu các tài liệu nước ngoài liên quan đến công việc nhằm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả, chất lượng thực thi công vụ của mình.

2.1.3.2. Nhóm tiêu chí phản ánh mức độ đảm nhận công việc của CBCC Đây là nhóm tiêu chí đánh giá năng lực thực thi nhiệm vụ thực tế của CBCC. Phản ánh mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCC và mức độ đảm nhận chức trách nhiệm vụ của CBCC. Để đánh giá CBCC theo tiêu chí này cần dựa vào đánh giá thực hiện công việc của CBCC. Đánh giá thực hiện công việc là phương pháp, nội dung của quản trị nguồn nhân lực trong các tổ chức bao gồm cả tổ chức hành chính Nhà nước. Đánh giá thực hiện công việc thực chất là xem xét so sánh giữa thực hiện nhiệm vụ cụ thể của CBCC với những tiêu chuẩn đã được xác định trong Bản mô tả công việc... Kết quả đánh giá thực hiện công việc cho phép phân tích và đánh giá về chất lượng CBCC trên thực tế. Nếu như CBCC liên tục không hoàn thành nhiệm vụ mà không phải lỗi của tổ chức, của những yếu tố khách quan thì có nghĩa là CBCC đó không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Trong trường hợp này có thể kết luận: chất lượng CBCC thấp, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao ngay cả khi CBCC có trình độ chuyên môn đào tạo cao hơn yêu cầu của công việc.

Để đánh giá được chính xác về thực hiện công việc của CBCC đòi hỏi trong các cơ quan hành chính nhà nước phải tiến hành phân tích công việc một cách khoa học, xây dựng được Bản mô tả công việc, Bản tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ thực thi công việc và Bản tiêu chuẩn hoàn thành công việc. Khi phân tích đánh giá về chất lượng CBCC trên cơ sở tiêu chí này cần phải phân tích làm rõ các nguyên nhân của việc CBCC không hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

2.1.3.3. Nhóm tiêu chí đánh giá về khả năng nhận thức và mức độ sẵn sàng đáp ứng về sự thay đổi công việc của CBCC

Đây là nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng CBCC trên cơ sở đáp ứng sự thay đổi của công việc trong tương lai. Hầu hết các phân tích đánh giá về chất lượng CBCC đều đánh giá chất lượng CBCC dựa trên cơ sở trạng thái tĩnh của CBCC cũng như của công việc và tổ chức. Trên thực tế công việc (và ngay cả bản thân CBCC) cũng luôn thay đổi.

Nhiệm vụ, nội dung và yêu cầu của công việc luôn thay đổi do các nhân tố khách quan. Nếu như CBCC không nhận thức được sự thay đổi về công việc của mình theo yêu cầu của sự phát triển, thì sẽ không có sự đầu tư cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng, thay đổi thái độ và hành vi của mình thì không thể đảm nhận

được công việc trong tương lai. Có hai tiêu chí quan trọng được xem xét khi đánh giá chất lượng của CBCC trong nhóm này là nhận thức về sự thay đổi công việc trong tương lai và những hành vi sẵn sàng đáp ứng sự thay đổi đó. Để đánh giá được CBCC theo tiêu chí này đòi hỏi người nghiên cứu phải thực hiện điều tra, thu thập thông tin qua bảng hỏi hay trực tiếp phỏng vấn CBCC để thấy được nhận thức của CBCC về sự thay đổi cũng như sẵn sàng chuẩn bị “hành trang” cho sự thay đổi.

2.1.3.4. Nhóm tiêu chí phản ánh chất lượng của đội ngũ CBCC hành chính

như là một thể thống nhất

+ Tiêu chí về cơ cấu CBCC

Cho đến nay, chưa có một tài liệu chính thức nào quy định cơ cấu công chức một cơ quan theo ngạch, theo độ tuổi, theo giới tính bao nhiêu là hợp lý. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tiễn của các nhà quản lý thì trong một cơ quan, tổ chức phải xác định được cơ cấu CBCC theo tiêu chí sau:

* Cơ cấu về độ tuổi: Phải có đủ 3 lứa tuổi để có tính kế thừa và phát triển. * Cơ cấu về trình độ đào tạo: ở mỗi cơ quan, đơn vị cần đảm bảo cơ cấu về trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, ĐH, thạc sỹ, tiến sỹ, trong đó trình ĐH phải chiếm tỷ lệ cao; trong tương lai, số có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ phải được tăng dần lên.

* Cơ cấu ngạch công chức: phải có đầy đủ các ngạch (chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, nhân viên) để sắp xếp, bố trí CBCC phù hợp với năng lực của mỗi người.

* Cơ cấu về giới tính: phải có cả nam và nữ để tạo không khí hài hòa trong giao tiếp và giải quyết công việc.

+ Tiêu chí về sự phối hợp làm việc giữa các nhóm và giữa các CBCC trong nhóm

Đây cũng là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đội ngũ CBCC. Một tập thể mạnh là một tập thể có được sự phối kết hợp giữa các thành viên, phát huy hết năng lực của các thành viên trong tổ chức đó. Để làm được điều này, trước hết phải có quy chế làm việc của tổ chức, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức bên trong và từng thành viên của tổ chức. Bên cạnh đó, phải sắp xếp những người làm việc trong từng nhóm có thể hỗ trợ được cho nhau và bố trí, sử dụng con người phải xuất phát từ yêu cầu công việc.

+ Tiêu chí văn hóa công sở và giao tiếp khách hàng

Tiêu chí này có tầm quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của đội ngũ CBCC. Văn hóa công sở là tổng hòa những giá trị hữu hình và vô hình bao gồm trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường - cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp ứng xử của CBCC nhằm xây dựng một công sở văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả cao. Xây dựng văn hóa công sở chính là xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện giúp CBCC làm việc đạt hiệu quả cao, đem lại sự hài lòng cho nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện trên địa bàn thành phố sông công, tỉnh thái nguyên (Trang 25 - 30)