2.2.1.1. Bài học kinh nghiệm của BHXH tỉnh Đồng Nai
Thiết lập hệ thống thông tin người lao động và người sử dụng lao động bằng cách phối hợp với Cục thống kê, Cục thuế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở kế hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác về số lượng doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước, các cơ sở kinh doanh cá thể, hợp tác xã, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Đồng thời xây dựng hệ thống thông tin người lao động trong các thành phần kinh tế một cách đầy đủ, chính xác, có phân nhóm nhằm tạo nền tảng cho việc tăng cường quản lý các đối tượng tham gia BHXH.
Phối hợp với Đài Truyền hình Đồng Nai tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BHXH.
Xây dựng hệ thống đo lường, dự báo nhằm tạo nền tảng cho việc lập kế hoạch thu BHXH của các năm sau.
Tiến hành phân loại và xếp hạng doanh nghiệp, công bố danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH hoặc vi phạm Luật BHXH lên các phương tiện truyền thông(Trương Thanh Phong, 2006).
2.2.1.2. Bài học kinh nghiệm của BHXH TP HCM
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích 2.095 km2 với dân số gần 10 triệu người. Điều đó đã tạo ra tiềm năng và những điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề vi phạm BHXH đã và đang trở thành mối quan tâm, bức xúc của dư luận xã hội nếu không có biện pháp kiên quyết, vi phạm này sẽ cản trở lớn cho việc thực hiện chính sách BHXH. Tính đến cuối năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 05 triệu người tham gia BHXH, tổng số tiền nợ BHXH gần 01 nghìn tỷ đồng. Hiện nay cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh không xác định được chính xác số lượng đơn vị, DN có SDLĐ cũng như số lượng NLĐ thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc.
Để góp phần giải quyết thực trạng này, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấn chỉnh, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện một số biện pháp chủ yếu như sau:
- BHXH Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng quy chế phối hợp:
+ Phối hợp với Sở LĐ - TB&XH xây dựng chương trình hành động liên tịch, thường xuyên trao đổi các thông tin về tình hình thực hiện BHXH của các doanh nghiệp. Sau khi cơ quan BHXH Thành phố kiểm tra, nếu các đơn vị vẫn không tích cực khắc phục vi phạm thì sẽ lập danh sách chuyển Sở LĐ - TB&XH để xem xét xử phạt theo quy định. Căn cứ vào danh sách này, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Thông qua việc phối hợp, đã kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật lao động phát sinh, chủ yếu là vi phạm về BHXH, để giảm thiểu các vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
+ Xây dựng mối quan hệ với Tòa án nhân dân các cấp để xử lý các vụ kiện của cơ quan BHXH đòi nợ các đơn vị SDLĐ. Nhờ đó, đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình tố tụng, đảm bảo thụ lý đúng trình tự và thời gian, xét xử theo quy định của Pháp luật.
+ Phối hợp với Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo quá trình thi hành án được kịp thời. Tập huấn kiến thức về Luật thi hành án
cho BHXH quận, huyện nhằm trang bị và hướng dẫn những kiến thức cần thiết, những công việc phải làm sau khi có quyết định, bản án của tòa án. Các mối quan hệ này góp phần tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác xử lý vi phạm nói chung.
- Hợp tác tốt với báo chí: Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự phê phán thông qua báo chí có tác dụng tích cực, đây là một biện pháp có hiệu quả để các DN thực hiện trách nhiệm nộp BHXH. BHXH Thành phố đã thường xuyên công bố thông tin về vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các báo cũng có nhiều bài điều tra, phản ánh các doanh nghiệp né tránh nhiệm vụ nộp BHXH. - Khởi kiện tại tòa án: Với biện pháp xử lý nêu trên, vẫn còn đơn vị chiếm dụng hoặc nợ đọng BHXH kéo dài. Do vậy, năm 2013, BHXH Thành phố đã tiến hành nộp đơn khởi kiện ra tòa 1.228 đơn vị sử dụng lao động cố tình vi phạm nghiêm trọng (nợ BHXH nhiều, kéo dài trên 06 tháng). Từ kinh nghiệm của việc khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật BHXH năm 2013 và trước tình hình vi phạm chế độ thu nộp BHXH của một số DN ngày một diễn biến phức tạp nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Tác động tích cực của biện pháp này là ngăn chặn có hiệu quả ý định không nộp BHXH của các DN còn lại. Có thể kết luận biện pháp khởi kiện góp phần quan trọng đến việc hạn chế việc chiếm dụng quỹ BHXH, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn Thành phố. Mặt khác, thông qua khởi kiện đã góp phần vào việc xây dựng và hình thành các chủ trương chỉ đạo về việc xử lý vi phạm của các đơn vị SDLĐ của BHXH Việt Nam, tham mưu với UBND Thành phố đề xuất các biện pháp giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố và đề xuất với Nhà nước những nội dung cần xem xét điều chỉnh, sửa đổi cụ thể các văn bản pháp luật về chính sách ASXH nhằm bảo vệ tốt hơn về quyền lợi của NLĐ. Tuy vậy, việc khởi kiện các DN trốn, nợ đóng BHXH kéo dài chỉ là biện pháp giải quyết cuối cùng, tốn nhiều thời gian, công sức và tuân thủ một quy trình phức tạp. BHXH thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc ngay từ đầu, tăng nặng mức xử phạt theo tỷ lệ % luỹ tiến số tiền phạt theo số nợ mà không xử phạt theo các mức cố định như hiện nay (Nguyễn Thị Kim Nga, 2007).
2.2.1.3. Kinh nghiệm của BHXH tỉnh Phú Thọ
Đứng trước thực trạng các doanh nghiệp nợ BHXH, việc hoàn thành kế hoạch thu rất khó khăn nên BHXH tỉnh Phú Thọ đã có những giải pháp quyết liệt
và đồng bộ. Bảo hiểm Xã hội tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, khảo sát và nắm chắc số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tích cực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung khảo sát, thống kê, tổng hợp số đơn vị doanh nghiệp mới để khai thác thêm đối tượng tham gia BHXH kịp thời theo quy định, nhằm đảm bảo các chính sách BHXH đến mọi người lao động thuộc các thành phần kinh tế, giảm tình trạng trốn đóng BHXH.
Trước tình trạng nợ đọng BHXH diễn biến ngày một phức tạp, BHXH tỉnh đã thành lập tổ Thu nợ do một đồng chí Phó Giám đốc BHXH tỉnh làm tổ trưởng, với sự tham gia của hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên quản thu. Hằng tháng, rà soát, thống kê danh sách đơn vị nợ, số tiền nợ, thời gian nợ, xây dựng lịch đốc thu trực tiếp. Việc huy động cán bộ quản lý ở tất cả các bộ phận tham gia tổ Thu nợ không chỉ đạt mục đích phát huy tổng lực cho công tác đốc thu mà còn tạo sự chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm giữa các bộ phận nghiệp vụ trong mảng công tác trọng yếu của Ngành.
Để đảm bảo tiến độ thu, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện xây dựng kế hoạch thu theo từng tháng. Nắm chắc diễn biến thu, phân tích nguyên nhân, những khó khăn, thuận lợi, đề ra biện pháp phù hợp để đôn đốc thu nợ hiệu quả. Thông báo danh sách các đơn vị có dấu hiệu chây ỳ, nợ BHXH kéo dài, khó đòi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo.
Cùng với việc phát huy nội lực, Bảo hiểm xã hội tỉnh tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách BHXH. Phối hợp với các ngành chức năng trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn, dặc biệt là trong công tác thu nộp BHXH, làm cơ sở tiền đề để giải quyết các chế độ BHXH khi có phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bên cạnh việc tăng cường đốc thu trực tiếp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị tích cực cho việc phải áp dụng biện pháp mạnh là khởi kiện một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài. Như vậy sẽ thực hiện đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và giảm nợ đọng, chống thất thu BHXH trên địa bàn tỉnh(Lê Mạnh Hùng, 2012).
2.2.1.4. Kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng
Hải Phòng là một Thành phố cảng biển lớn, là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế với nhiều DN kinh doanh trong các ngành công nghiệp và dịch vụ có mối quan hệ đối tác không chỉ trong nước mà còn mở rộng trên phạm vi quốc tế. Việc quản lý công tác thu BHXH trên địa bàn có thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, bởi các DN tuy lớn nhưng lại có mối quan hệ kinh tế quốc tế rất chặt chẽ, quá trình sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của đối tác nước ngoài, bên cạnh đó do nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2009 làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của NLĐ. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng khá nhiều DN trên địa bàn phải nợ đọng BHXH của NLĐ trong thời gian vừa qua. Vì vậy, để hoàn thành công tác thu BHXH mà BHXH Việt Nam giao, cán bộ phòng thu nói riêng và tập thể CB, CC, VC BHXH Thành phố Hải Phòng nói chung phải rất nỗ lực, cố gắng.
Kết quả năm 2016, tổng số tiền nợ đọng BHXH trên địa bàn Thành phố là 166 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng số phải thu theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao, so với năm 2015 giảm 35.742 triệu đồng và giảm 2,48% về kế hoạch.
Bí quyết thành công của thành phố Hải Phòng là sự thấu hiểu và thông cảm giữa chủ nợ và con nợ. Hải Phòng luôn lắng nghe DN, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của họ với thái độ tôn trọng, chia sẻ. Lãnh đạo ngành BHXH thành phố đã trực tiếp đến nhiều DN để tiếp xúc với đơn vị, vừa tìm hiểu nguyên nhân, vừa tìm cách tháo gỡ với DN với mục tiêu trước hết là đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Để giải quyết vấn đề này, BHXH thành phố Hải Phòng đã chủ động đề nghị với chủ DN việc đóng tiền nợ BHXH chia làm nhiều đợt, tùy vào tình hình tài chính của DN cùng với bản cam kết sẽ đóng nốt các khoản còn lại trong thời gian nhất định. Việc đóng một phần tiền nợ đọng này được phía cơ quan BHXH ghi nhận và làm thủ tục giải quyết các chế độ tồn đọng của người lao động do DN thiếu nợ trước đây. Việc làm này đã được hầu hết các DN tích cực hưởng ứng. Nhiều DN ngay lập tức đã trích một phần tài chính để đóng BHXH, thậm chí còn nhiều DN sẵn sàng đi vay ngân hàng để nộp số nợ BHXH.
Bên cạnh đó những biện pháp tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện triệt để. Đối với các DN cố tình chây ì sẽ được lập danh sách để gửi lên UBND Thành phố, đưa vào đánh giá thi đua, khen
thưởng dịp cuối năm. Đồng thời đưa những đơn vị nợ đọng chây ì lên truyền hình để mọi người dân được biết thông tin.
Thoát khỏi tâm lý ngại ngần khi tiếp xúc với các đơn vị nợ đọng, thấu hiểu nỗi khó khăn của DN và quan trọng hơn là để giải quyết chế độ hợp pháp cho NLĐ, cùng với thái độ kiên quyết của lãnh đạo BHXH Thành phố Hải Phòng đã giúp cho việc thu nợ đọng BHXH ở Hải Phòng đạt những kết quả đáng khích lệ (Phạm Thị Vân Anh, 2016).