Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên địa bàn huyện kim sơn, tỉnh ninh bình (Trang 62 - 64)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu

4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Kim Sơn

4.1.8. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

4.1.8.1. Về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, và cảnh quan môi trường

a, Thuận lợi

- Huyện Kim Sơn có tiềm năng về đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển cây trồng hàng năm cho năng suất cao. Hiện nay, diện tích tự nhiên của huyện đang không ngừng mở rộng.

- Nằm giữa lưu vực của sông Đáy và sông Càn nên có thuận lợi lớn trong các hoạt động phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản và giao thông đường thủy.

- Có hệ thống giao thông đường bộ tương đối hoàn chỉnh với tuyến quốc lộ 10, tỉnh lộ 480, 480E, 480Đ, 481,... chạy qua là điều kiện thuận lợi tạo ra nhiều cơ hội cho huyện trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và thu hút đầu tư.

b, Khó khăn

- Địa hình huyện Kim Sơn là vùng trũng của đồng bằng sông Hồng, nơi đón nhận của một số cửa sông như; sông Càn, sông Đáy với cửa thoát lũ của sông Đáy, mặt khác sông Đáy cũng là sông phân lũ của sông Hồng đã tạo nên một chế độ thủy văn phức tạp có nhiều biến động với cường độ lớn.

- Kết cấu hạ tầng được huy động đầu tư xây dựng, nâng cấp có nhiều thay đổi về diện mạo nhưng còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

- Quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên đất đai trong những năm qua chưa được quản lý chặt chẽ, mức độ khai thác còn chưa tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, nên chưa mang lại hiệu quả cao tương xứng với tiềm năng đất đai và chưa đảm bảo được quá trình phát triển bền vững.

4.1.8.2. Về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội

a, Những kết quả đạt được

- Tăng trưởng kinh tế của huyện những năm gần đây tương đối cao và khá ổn định. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến theo hướng tích cực, bước đầu hình thành một số sản phẩm mũ nhọn có giá trị kinh tế cao và phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện.

- Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 10,7 triệu đồng/người/năm. Nhiều chủ trương, chính sách và chương trình Quốc gia về phát triển văn hóa - xã hội thực hiện đạt kết quả tích cực như: xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thực hiện xóa đói giảm nghèo, ..., xây dựng nếp sống văn hóa mới.

- Cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh (đặc biệt là giao thông, thuỷ lợi và điện) phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và tạo điều kiện thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Công nghiệp đang phát triển tuy còn nhỏ bé, song một số dự án công nghiệp lớn như cụm công nghiệp Đồng Hướng,... được hình thành đã bước đầu thu hút các nhà đầt tư sản xuất, kinh doanh và các điểm công nghiệp nhỏ ở các xã, thị trấn đã hình thành, đang được chú trọng.

- Nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong điều kiện đặc thù của huyện đa dạng về văn hoá, tôn giáo được thực hiện tốt, bảo đảm môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

b, Những hạn chế cần khắc phục

- Cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu là nông nghiệp (diện tích đất nông nghiệp chiếm 62,46% tổng diện tích tự nhiên), năng suất lao động thấp, công nghiệp còn nhỏ bé và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu. Nguồn lao động đông nhưng chất lượng lao động còn thấp và cán bộ quản lý có năng lực ở địa phương chưa

nhiều. Số doanh nghiệp đầu tư lớn trên địa bàn còn ít, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và số lượng còn thấp so với tiềm năng.

- Kết cấu hạ tầng của huyện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công cuộc kiên cố hóa kênh mương và cứng hóa giao thông nông thôn do đặc điểm tự nhiên của huyện có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng các con sông lớn nhỏ có chiều dài hơn 100km, tổng chiều dài hệ thống kênh cấp I, cấp II là 908,8 km và tổng số đường trục xã, thị trấn, liên xã, thôn, xóm và các đường trục chính nội đồng là 928,6km.

- Về văn hóa, xã hội: Kim Sơn là huyện có quy mô dân số tương đối lớn 166.077 người (khoảng 780 m2/người), bằng 1,15 lần mức bình quân của tỉnh (tỉnh Ninh Bình 675 m2/người). Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa đáp ứng nhu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu đổi mới do vậy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế.

Nền kinh tế của Kim Sơn trong những năm gần đây đang có tốc độ trưởng cao, nhưng giá trị tuyệt đối và quy mô nền kinh tế nhỏ, chưa tạo ra được nguồn lực mạnh để có bước đột phá đi lên.

Nhìn chung, điểm xuất phát của nền kinh tế Kim Sơn vẫn ở mức thấp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện nhất là kinh tế biển. Do đó trong nhưng năm tới cần phải có những chính sách và biện pháp cụ thể, khoa học, để khai thác và huy động mọi nguồn lực trong đó bao gồm nội lực và ngoại lực tạo ra bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên địa bàn huyện kim sơn, tỉnh ninh bình (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)