PHẦN 1 MỞ ĐẦU
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CÁC HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG Ở VIỆT
2.2.1. Kinh nghiệm về các hoạt động khuyến công trên thế giới
2.2.1.1. Thái Lan
Chính phủ Thái Lan đặt ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ về công nghệ thông tin, tài chính và quản lý, đồng thời giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của DNNVV trong thương mại quốc tế, xâm nhập thị trường mới.
Bộ Công nghiệp Thái Langiao cho đơn vị trực thuộc là Vụ Xúc tiến công nghiệp thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV ngành công nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp; trực tiếp quản lý và chỉ đạo hệ thống các Trung tâm khuyến công trong phạm vi cả nước. Tập trung vào 3 vấn đề chính: nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh liên kết ngành. Hàng năm, Vụ Xúc tiến công nghiệp thông qua hệ thống 11 trung tâm khuyến công cấp vùng tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định, đánh giá và lựa chọn các doanh nghiệp tham gia Chương trình. Các doanh nghiệp đăng ký phải xây dựng,
trình bày đề án và nhu cầu. Chương trình hỗ trợ được Vụ xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở liên kết, phối hợp cùng các trường, viện nghiên cứu và kết quả khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nhằm đưa ra các phương án hỗ trợ đào tạo phù hợp với từng đối tượng.
Nguồn kinh phí dành cho hoạt động hỗ trợ chủ yếu từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và một phần quỹ hỗ trợ của Vụ (Quỹ này chủ yếu dành cho hỗ trợ Chương trình OTOP – mỗi địa phương một sản phẩm). Để phục vụ công tác quản lý, theo dõi và tổng hợp các đề án hỗ trợ trong phạm vi cả nước, Vụ đã xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm ERP, giúp Ban Lãnh đạo Vụ nắm bắt thông tin cụ thể về từng doanh nghiệp và đề án đăng ký hỗ trợ.
Các Trung tâm Khuyến công của Thái Lan có chức năng xúc tiến, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các DNNVV theo định hướng nền kinh tế kỹ thuật số và hội nhập AEC, hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm tạo ra mạng lưới thúc đẩy phát triển công nghiệp. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm gồm các phòng ban: Hành chính quản trị, quản trị chiến lược, Dịch vụ doanh nghiệp công nghiệp, Hệ thống phát triển và công nghiệp hỗ trợ, Quản trị nguồn vốn.
Qua quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ, IPC đánh giá một số hạn chế chủ yếu của DNNVV về tài chính, quản lý, công nghệ, thị trường.
Hiện nay các Trung tâm KC đã xây dựng khung chiến lược phát triển DNNVV gồm 4 giai đoạn: Cung cấp các thông tin, dữ liệu cần thiết cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và có cái nhìn tổng thể về môi trường kinh doanh như: các quy định pháp luật về kinh doanh, vốn, nguồn nhân lực, công nghệ, và đổi mới sáng tạo, thị trường, quản trị rủi ro, trách nhiệm xã hội. Xây dựng và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Thúc đẩy tăng trưởng cân bằng cho các doanh nghiệp giữa các vùng trong cả nước. Xây dựng và củng cố năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp để hội nhập quốc tế (Cục Công nghiệp địa phương, 2017).
Về mạng lưới hoạt động: Các IPC liên kết, phối hợp hoạt động với một số các cơ quan đơn vị như: Hiệp hội DNNVV, Viện Thái – German…cùng đối tác triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV, phát triển làng nghề theo Chương trình OTOP trên 13 lĩnh vực sản xuất công nghiệp với 24 chương trình.
Một số nhiệm vụ, quyền hạn chính của Trung tâm KC: Đại diện cho Cục phát triển công nghiệp ở Vùng; Phân tích thực trạng kinh tế và môi trường hiện
tại cho các nguyên tắc hội nhập của chính sách phát triển DNNVV trong Vùng; Tư vấn thành lập các Trung tâm dịch vụ thông tin kỹ thuật công nghiệp; Tư vấn, phổ biến kiến thức kỹ thuật dựa vào các DNNVV và sự xúc tiến trên nền tảng cộng đồng; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn về tài chính, về bí quyết kỹ thuật phát triển kinh doanh và công nghệ sản xuất; Tăng cường năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh hiện tại cũng như khởi xướng các dòng dịch vụ mới; Hỗ trợ hoàn thiện chính sách về phát triển công nghiệp của các nhà chức trách tại các địa phương... (Cục Công nghiệp địa phương, 2017).
Một số nội dung hoạt động chính của khuyến công tại Thái Lan: Chương trình phát triển sản xuất nhằm tăng cường sức cạnh tranh; Chương trình phát triển công nghiệp thực phẩm; Chương trình phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp; chương trình hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, được sử dụng tài sản cá nhân hoặc doanh nghiệp để thế chấp.
2.2.1.2. Pháp
Pháp có các Cục và Tổng cục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính về khuyến công như: Khuyến khích, hỗ trợ cho các cá nhân thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ cung cấp nguồn tài chính – kỹ thuật để thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp từ các DNNVV.
Từ năm 2000, chính sách của Chính phủ là tập trung cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như: sử dụng kê khai điện tử trong thủ tục thành lập doanh nghiệp; tự kê khai nộp thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp (chủ yếu là hoạt động hỗ trợ trong tiếp cận nguồn vốn và bảo lãnh tín dụng vốn vay); giảm vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp; giảm thuế năm đầu tiên cho doanh nghiệp…Ngoài ra, từ năm 2008 đã bổ sung thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát minh và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; qua hai hình thức: giảm 30% thuế; thành lập các Trung tâm cạnh tranh trên cơ sở phù hợp với các vấn đề công nghệ của vùng cần nghiên cứu, khuyến khích phát triển trên cơ sở lợi thế cạnh tranh và chiến lược quy hoạch của từng vùng. Nhà nước hỗ trợ kinh phí thành lập Trung tâm và các đề án nghiên cứu. Hiện nay, ở Pháp có 71 Trung tâm cạnh tranh dạng này, trong đó có 17 Trung tâm có ảnh hưởng ở tầm cỡ quốc tế (như công nghệ cao, công nghiệp ô tô, nghiên cứu về biển…). Nhiệm vụ của Trung tâm là nghiên cứu và áp dụng để cho ra đời các sản phẩm mới trong vòng
dưới 10 năm. Đây chính là công cụ để đẩy mạnh phát triển kinh tế và công nghệ cao cùng một lúc nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành.
Pháp có khoảng 10 thành phố phát triển làm đầu tầu kéo kinh tế Pháp phát triển. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn, đặc biệt là phát triển giao thông nội đô; Tập trung phát triển thông tin liên lạc bằng cách phát triển hệ thống mạng tại tất cả các vùng phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp; Phát triển nhiều vùng hợp thành vùng rộng lớn để thuận lợi hơn trong cạnh tranh.
Pháp có một chính sách hỗ trợ riêng cho việc khởi sự doanh nghiệp. Do tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp là khá cao nên chính sách này tập trung chính vào việc tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp mới thường tồn tại không lâu nên một trong những mục tiêu khác của chính sách này là hỗ trợ duy trì sự hoạt động và phát triển của các công ty sau khi thành lập. Đồng thời, tại Pháp các ngân hàng tư nhân thường thiếu các khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập, chỉ có khoảng 29% các công ty nhận được vốn vay từ phía các ngân hàng khi bắt đầu tiến hành các hoạt động kinh doanh. Không những thế Chương trình hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp không chỉ được thực hiện trong phạm vi quốc gia mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp ở cả nước ngoài (Cục Công nghiệp địa phương, 2017).
Ngoài ra, các chương trình khuyến công hỗ trợ cụ thể cũng được chia thành các nhóm chính gồm:
- Cung cấp thông tin: APEC là cơ quan cung cấp các thông tin về thị trường, bảo hiểm xã hội, thuế và hệ thống pháp luật tại Pháp.
- Đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp: Pháp có cả một hệ thống tổ chức quốc gia cung cấp các chương trình đào tạo từ việc xây dựng kế hoạch trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh cho đến hướng dẫn quản lý sau khi khởi sự.
- Hỗ trợ tài chính: Chính phủ Pháp áp dụng 3 mô hình bảo lãnh tín dụng gồm bảo lãnh tín dụng của cơ quan tài chính Chính phủ; bảo lãnh tín dụng của các tổ chức phi lợi nhuận và các chương trình vay vốn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Pháp.
2.2.1.3. Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản tập trung hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập vượt qua thách thức hiện tại, khuyến khích phát triển ngành nghề mới, khuyến khích các hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Hiện nay Nhật Bản
đang hỗ trợ giải quyết các thách thức mà DNNVV phải đối mặt thông qua các Hiệp hội thương mại, công nghiệp…Các đơn vị phân tích tình hình quản lý, kinh doanh của DNNVV, sau đó cung cấp chuyên gia tư vấn, hỗ trợ phát triển kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ các cuộc hội thảo để kết nối các doanh nghiệp gặp nhau cùng hợp tác phát triển
Để đảm bảo các DNNVV không phải quá lo lắng về phần tài chính, Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp này được vay tiền ngân hàng, hình thức thông qua bảo lãnh của các đơn vị trên. Đồng thời các DNNVV khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài cũng được tổ chức JETRO – Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản bảo lãnh để vay tiền ngân hàng. Sự hỗ trợ này ưu tiên cho các DNNVV ở những vùng động đất, thiên tai và những DNNVV mới thành lập. Cụ thể như Chính phủ hỗ trợ một phần bằng tiền mặt để thế chấp ngân hàng cho các doanh nghiệp này mà không khấu trừ vào phần vốn mà doanh nghiệp này vay được (Cục Công nghiệp địa phương, 2017).
Các hoạt động khuyến công hỗ trợ các DNNVV:
- Hỗ trợ về nguồn cung cấp nguyên liệu ở các địa phương và đào tạo tập huấn cho các DNNVV mới thành lập. Hỗ trợ pháp luật, bao tiêu sản phẩm.
- Hỗ trợ về thuế cho DNNVV: Thuế doanh nghiệp, thuế địa phương, thuế thu nhập. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp này phần tăng thêm của thuế tiêu thụ (do nhà nước tăng thuế tiêu thụ).
Các Hợp tác xã nông nghiệp của Nhật Bản được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành và phát triển mà không làm ảnh hưởng đến tính tự chủ và độc lập của các tổ chức hợp tác xã. Sự hỗ trợ của Chính phủ trên nhiều mặt: chính sách và luật pháp, vốn, bao tiêu sản phẩm…
Nhật Bản còn có Trung tâm máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp hoạt động chính là hỗ trợ bán máy móc nông nghiệp cho người dân, góp phần giữ cho nền nông nghiệp của Nhật Bản được ổn định và phát triển, nông dân sản xuất thuận lợi không gặp trở ngại gì về máy móc thiết bị sản xuất. Song song với đó Trung tâm còn nghiên cứu ra các loại máy đáp ứng nhu cầu về sản xuất của người dân.
Ngoài ra, Nhật Bản có các công ty đầu tư phát triển có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp từ ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh đến thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất. Một số hoạt động:
- Hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp: tổ chức các hội thảo, sự kiện, tư vấn chiến lược, giúp các doanh nghiệp khởi sự. Khi các doanh nghiệp được tư vấn thành lập, hoạt động, các công ty đầu tư phát triển có thể đóng góp cổ phần để cùng doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
- Công ty đầu tư phát triển phối hợp với các Trường, Viện nghiên cứu để bồi dưỡng cán bộ quản lý, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, ứng dụng nghiên cứu cơ bản từ các viện, trường vào hoạt động của doanh nghiệp.
- Công ty có các dịch vụ kỹ thuật, hội nghị, hội thảo…xây dựng cho doanh nghiệp thuê văn phòng và phòng thí nghiệm để các doanh nghiệp khởi sự, phát triển.
- Hỗ trợ tài chính: Công ty hỗ trợ lập kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp, thông qua các quỹ đầu tư tài chính của chính quyền (Bộ, tỉnh, ngân hàng…) để tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp.
Như vậy, hoạt động của các công ty đầu tư phát triển đóng vai trò như một công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp ở Việt nam; đồng thời có chức năng như trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi sự, đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là mô hình hay, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, có thể nghiên cứu để áp dụng ở Việt Nam.
Nhật Bản có sự gắn kết thành công giữa công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó công nghiệp luôn phục vụ nông nghiệp phát triển và ngược lại nông nghiệp trở thành thị trường lớn để tích lũy cho công nghiệp. Nhật Bản rất quan tâm đến phát triển các doanh nghiệp ở nông thôn và đưa công nghiệp về nông thôn để tạo sự gắn bó hài hòa phát triển nông thôn với phát triển công nghiệp, xóa bỏ khoảng cách về mức sống giữa đô thị và nông thôn. Do vậy, ở Nhật Bản không chỉ các ngành công nghiệp chế biến nông sản mà các ngành cơ khí, hóa chất đều được phân bố trên toàn quốc. Nhờ chủ trương này mà công nghiệp sử dụng được một nguồn lao động rẻ, dân cư nông thôn có điều kiện cải thiện thu nhập (Cục Công nghiệp địa phương, 2017).