PHẦN 3 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
3.1.1. Điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của tỉnh Phú Thọ
* Vị trí địa lý
Hình 3.1. Bản đồ hành chính tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, có tọa độ địa lý từ 20º 55’ đến 21º 43’ vĩ độ Bắc, 104º 48’ đến 105º 27’ kinh độ Đông. Địa giới hành chính của tỉnh tiếp giáp với:
- Tỉnh Tuyên Quang về phía Bắc; - Tỉnh Hòa Bình về phía Nam; - Tỉnh Vĩnh Phúc về phía Đông;
- Thành phố Hà Nội về phía Đông Nam; - Tỉnh Sơn La, Yên Bái về phía Tây.
Nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc, Phú Thọ có vị trí địa lý mang ý nghĩa là trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc; cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km về phía Bắc, cách sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 60km. Với vị trí “ngã ba sông” - điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc. Nằm trong vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng: đường bộ có Quốc lộ 2, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, đường sắt có tuyến đường xuyên Á, đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác.
Hiện tỉnh Phú Thọ có 353.294,93 ha diện tích tự nhiên và 1.313.926 nhân khẩu. Phú Thọ có 13 huyện, thành, thị : thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, 11 huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh. 277 đơn vị hành chính cấp xã.