Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.3. Một số công trình nghiên cứu có liên quan
Ở Việt Nam, đã có không ít công trình nghiên cứu về cơ chế tài chính hoặc nghiên cứu cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập. Mỗi công trình nghiên cứu xem xét ở những khía cạnh khác nhau; kể đến các công trình nổi bật như sau:
- Nguyễn Minh Tuấn (2015) đã nghiên cứu đề tài “ Tác động của công tác quản lý tài chính đến chất lượng giáo dục đại học - nghiên cứu điển hình tại các trường đại học thuộc Bộ Công thương”. Luận án đã xác định được quản lý tài chính trong giáo dục đại học không tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục đại học mà tác động đến chất lượng giáo dục đại học thông qua các yếu tố đảm bảo chất lượng (chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, học liệu phục vụ dạy học và quản lý hoạt động đào tạo). Đồng thời luận án xây dựng được hai phương thức đánh giá chất lượng giáo dục đại học là dựa trên chỉ số cải tiến chất lượng (tỷ lệ sinh viên tăng ở mức khá, giỏi và giảm ở mức trung bình, yếu qua từng năm; tỷ lệ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt trình độ đào tạo cao hơn; đầu tư nhiều hơn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo) và chỉ số năng lực, phẩm chất đạo đức của sinh viên.
- Trần Đức Cân (2012) đã nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính các trường đại học công lập ở Việt Nam”. Luận án bổ sung làm rõ khái niệm, bản chất và nhân tố tác động tới tự chủ tài chính, cơ chế tự chủ tài chính trường đại học công lập trên các khía cạnh:Tự chủ tài chính (TCTC) là một thẩm quyền của tự chủ đại học. Nội dung đề cập tới quyền phân bổ, sử dụng nguồn tài chính; quyền thiết lập học phí; quản lý đầu tư, mua sắm tài sản; vay mượn vốn trên thị trường; trả lương giảng viên…Bản chất của cơ chế TCTC là một văn bản pháp luật qui định việc chuyển đổi quyền ra quyết định về tài chính của nhà nước sang các trường. Nhân tố ảnh hưởng tới cơ chế TCTC là các cơ chế, chính sách tài chính của nhà nước; của mỗi trường tự xây dựng; mục tiêu phát triển giáo dục đại học của quốc gia. Trong bối cảnh cơ chế thị trường và đại chúng hóa giáo dục đại học thì cơ chế tự chủ tài chính trường ĐHCL nên thực hiện theo cơ chế tự chủ tài chính của doanh nghiệp. Những nội dung trên làm cho chúng ta hiểu biết về cơ chế TCTC một cách toàn diện hơn và là cơ sở để Nhà nước không ngừng hoàn thiện cơ chế TCTC phù hợp với thực tiễn. Luận án đã nghiên cứu đưa 06 tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của cơ chế TCTC, bao gồm tính hiệu lực, hiệu quả, tính linh hoạt, công bằng, ràng buộc tổ chức, sự chấp nhận của cộng
đồng. Đặc biệt, đã chi tiết hóa những chỉ tiêu định lượng đánh giá hiệu quả ban đầu của cơ chế TCTC như qui mô, cơ cấu vốn; cơ cấu chi phí; suất đầu tư trên sinh viên; số lượng bài báo, công trình khoa học; diện tích đất đai... Có thể những tiêu chí đó chưa thực sự đầy đủ, song các tiêu chí đó là những đóng góp mới mang tính chất gợi ý để tiếp tục nghiên cứu.
- Vũ Thị Thanh Thủy (2012) đã nghiên cứu đề tài “ Quản lý tài chính trong các trường đại học công lập Việt Nam”. Luận án hệ thống hóa được cơ sở lý luận về quản lý tài chính, đưa ra quan điểm mới về quản lý tài chính các trường Đại học công lập. Trong đó, đặt ra mục tiêu quản lý tài chính đối với các trường đại học công lập là tăng thu, tiết kiệm chi, tăng tích lũy hướng đến bền vững tài chính gắn với chất lượng đầu ra. Chất lượng đầu ra phải được đánh giá trên cơ sở các chỉ tiêu so sánh với mô hình chuẩn của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Luận án nhấn mạnh quản lý tài chính các trường đại học công lập theo hướng tự chủ tài chính cần được chú trọng trong điều kiện hạn hẹp về Ngân sách Nhà nước, luận án đã đề xuất khái niệm mới về tự chủ tài chính các trường đại học công lập, khác biệt với quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý thực tiễn ở Việt Nam, trong đó, nhấn mạnh tự chủ tài chính đối với các trường đại học công lập nhằm mục tiêu cuối cùng là đảm bảo thu đủ bù đắp chi phí tương ứng với chất lượng đào tạo, hướng tới bền vững tài chính. Khái niệm này là cơ sở lý luận quan trọng để xác định nội dung cụ thể của quản lý tài chính.
- Nguyễn Thu Hương đã nghiên cứu đề tài : “Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với chương trình đào tạo chất lượng cao trong các trường đại học công lập Việt Nam”. Luận án đã xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam, phân tích thực trạng và đánh giá hiệu quả đầu tư tài chính qua các tiêu chí được xây dựng, từ đó đề xuất hệ thống giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục đại học ở nước ta.