Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng của đổi mới cơ chế trong bộ máy quản lý
4.2.1. Yếu tố khách quan
a. Xu hướng đổi mới theo hướng tự chủ đại học
Theo thống kê của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm học 2015-2016, Việt Nam có 223 trường đại học, trong đó có 163 trường đại học công lập, chiếm khoảng 73% và 60 trường đại học ngoài công lập chiếm 27%. Quy mô sinh viên năm học 2015-2016 cả nước có khoảng 1,8 triệu, trường công lập chiếm 88%, trường dân lập 12%.
Để giảm chi ngân sách nhà nước và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập.
Trong điều kiện chưa ban hành hoặc sửa đổi nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, các trường tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
Chính phủ, các bộ, ngành,...Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện chưa có các văn bản cụ thể để hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học công lập. Hiện nay quyết định thí điểm tự chủ được triển khai thực hiện nhưng các văn bản, thông tư, hướng dẫn triển khai của các bộ ngành liên quan còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, chưa kịp thời dẫn đến việc triển khai còn nhiều khó khăn. Vai trò hỗ trợ, định hướng của báo chí chưa thực sự khiến dư luận tin tưởng vào chủ trương tự chủ đại học của Chính phủ. Mối quan hệ giữa Đảng ủy, Ban Giám đốc/Ban Giám hiệu, Hội đồng trường/Hội đồng Học viện và Bộ chủ quản, cũng như các bộ ngành liên quan chưa được cụ thể hóa ở các văn bản có tính hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Trách nhiệm, thẩm quyền, mức độ phạm vi hoạt động của Học viện, Bộ chủ quản, Bộ GĐ&ĐT, Bộ KHCN trong các lĩnh vực liên quan chưa được cụ thể hóa. Vai trò của Hội đồng Học viện cần được xác định là thay mặt Bộ chủ quản, Bộ GD & ĐT, bộ ngành liên quan phê duyệt các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng được ban hành theo Quy chế tổ chức của Hội đồng Học viện. Chính phủ nên quy định rõ các nội dung công tác Hội đồng Học viện phải báo cáo Bộ chủ quản, Bộ Giáo dục & Đào tạo, các bộ ngành liên quan và Đảng ủy cấp trên trực tiếp.
b. Sự cạnh tranh trong giáo dục
Đứng trước xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đào tạo, đặc biệt trong công tuyển sinh, Học viện đã thay đổi phương thức tuyển sinh bằng cách tăng cường các hoạt động tư vấn tuyển sinh, quảng bá hình ảnh của Học viện. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng, tạo uy tín và thương hiệu thì mới thu hút người học. Năm 2018, Học viện đã tuyển được gần 6000 sinh viên hệ chính quy trong bối cảnh nhiều trường đại học khác không tuyển đủ chỉ tiêu.
c. Hội nhập nâng cao hợp tác quốc tế
Hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của các trường đại học theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện có thể rút ra các kinh nghiệm quý giá trong việc đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục, lựa chọn phương hướng, cải tiến hệ thống và quy
trình đào tạo, kết hợp nghiên cứu khoa học với giảng dạy, đồng thời biết tận dụng thời cơ và lợi thế để từng bước kéo gần khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới. Hợp tác quốc tế giúp Học viện thiết lập được nhiều hình thức hợp tác đa dạng, phong phú với các chương trình, dự án hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác song phương và đa phương... Trong quá trình đó, Học viện có thể khai thác các cơ hội, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu chung, liên kết với các đối tác nước ngoài để từng bước chuẩn hóa các chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tiến tới quốc tế hóa các chương trình, giáo trình giảng dạy. Hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với sự phát triển của Học viện. Đối với sinh viên và giảng viên, hợp tác quốc tế của các trường đại học mang lại cơ hội to lớn trong việc tiếp cận nhanh chóng với nguồn tri thức quốc tế khổng lồ. Đối với các trường đại học, hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy các tổ chức này cải tiến cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo để có thể thu hút được các đối tác cũng như tìm được vị thế trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, khi hợp tác với nhau hệ thống giáo dục đại học các nước còn có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm quản lý và trao đổi kiến thức chuyên môn trong giảng dạy đại học. Nhờ quá trình này, các bên đều có cơ hội nâng cao năng lực quản lý cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Một lợi ích thiết thực khác đó là hợp tác về giáo dục đại học cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường trao đổi học thuật, NCKH giữa Học viện và các trường đại học trên Thế giới.
Ngoài ra, hợp tác quốc tế còn đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng định hướng và đổi mới giáo dục, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng để phục vụ sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình này mang đến cho Học viện nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục, lựa chọn phương hướng và cải tiến hệ thống, quy trình đào tạo, đồng thời tiếp cận gần hơn với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
d. Về tổ chức quản lý
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay, HĐHV quyết định chủ trương lớn về định hướng, chiến lược phát triển Học viện, chiến lược phát triển
đào tạo, khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, thông qua kế hoạch tài chính đầu năm và báo cáo tài chính cuối năm, thông qua đề án việc làm tổng thể; giám sát quá trình triển khai và chịu trách nhiệm về việc giám sát của mình. Giám đốc chịu trách nhiệm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng chiến lược về các mặt hoạt động, triển khai các hoạt động cụ thể. Trong quá trình triển khai nếu có vấn đề phát sinh về định hướng, chiến lược phát triển, Giám đốcbáo cáo HĐHV để thống nhất. Nên thành lập cơ quan Thường trực của Hội đồng để có thể thay mặt HĐHV giải quyết một số việc phát sinh khi Giám đốc báo cáo đột xuất báo cáo vì toàn thể Hội đồng thường chỉ họp định kỳ ít nhất 6 tháng/1. Đảng ủy lãnh đạo toàn diện về chủ trương đường lối, chính trị tư tưởng, công tác nhân sự và định hướng các mặt hoạt động khác của Học viện. Hiện nay tại Học viện Nông nghiệp Việt Na m, mối quan hệ Đảng ủy – Bán Giám đốc-HĐHV về cơ bản thuận lợi, chỉ còn chưa rõ mối quan hệ, vai trò, trách nhiệm của HĐHV- Bộ chủ quản và các Bộ ngành liên quan đối với HV. Hiện Chính phủ cũng chưa định hướng tốt cho hệ thống truyền thông về sự cần thiết tự chủ đại học, tuyên truyền ủng hộ các trường trong quá trình tự chủ.