Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ứng hòa thành phố hà nội (Trang 41 - 44)

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Huyện Ứng Hòa là huyện đồng bằng nằm phía Nam thành phố Hà Nội. Tổng diện tích tự nhiên của năm 2017 là 18.818,09 ha, huyện có đường ranh giới giáp với các địa phương sau:

- Phía Bắc giáp huyện Chương Mỹ và Thanh Oai; - Phía Đông giáp huyện Phú Xuyên;

- Phía Nam giáp huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam); - Phía Tây giáp huyện Mỹ Đức.

Toàn huyện có 28 xã và 01 thị trấn, Ứng Hoà có vị trí thuận lợi là nằm trên đường quốc lộ 21B, cách huyện Hà Đông 30 km về phía Bắc và cách khu du lịch Chùa Hương 20 km về phía Nam. Huyện có đường 428, đường 78 đi qua và các đường liên huyện, liên xã tạo cơ hội để giao lưu với thị trường bên ngoài tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

4.1.1.2. Địa hình, địa chất

Địa hình đồng bằng, tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ +1,5 mét, cao nhất khoảng +4,0 mét, thấp nhất khoảng +0,6 mét, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông. Địa hình phù hợp trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi trồng thủy sản và trồng các cây vụ đông.

4.1.1.3. Khí hậu

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, huyện Ứng Hoà mang đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa đồng thời là mùa hạ nóng ẩm; mùa đông lạnh, hơi khô và chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

Trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 2 con sông chảy qua là sông Đáy và sông Nhuệ. Tuy nhiên, nguồn nước từ sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng, bắt đầu có tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân ven sông.

4.1.1.4. Tài nguyên đất

Diện tích tự nhiên toàn huyện đến hết năm 2017 là 18.818,09 ha.

Theo số liệu điều tra xây dựng bản đồ đất huyện Ứng Hoà do trung tâm Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp năm 2001, huyện Ứng Hoà có 4 loại đất chính: Đất phù sa được bồi (Pb), đất phù sa không được bồi, không có tầng glây và loang lổ (P), đất phù sa glây (Pg), đất phù sa úng nước (Pj).

Nhìn chung, thổ nhưỡng Ứng Hòa thích hợp cho các loại cây hàng năm như lúa, rau màu và có thể tiến hành thâm canh tăng vụ phục vụ phát triển nông nghiệp.

4.1.1.5. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt quan trọng nhất trên địa bàn huyện được cung cấp bởi hệ thống sông ngòi, ao, hồ và lượng mưa hàng năm. Nguồn nước chủ yếu được lấy từ các sông chính như sông Đáy. Ngoài ra còn có sông Đào Vân Đình chảy từ huyện xuống. Ngoài nguồn nước mặt của các sông, Ứng Hòa còn có các ao, hồ, đầm với trữ lượng nước khá lớn phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản và nhu cầu cung cấp nước tại chỗ.

4.1.1.6. Tài nguyên khoáng sản

Ứng Hoà là một huyện nghèo về tài nguyên khoáng sản. Trên địa bàn huyện có những loại khoáng sản sau:

- Than bùn: Theo thăm dò sơ bộ của một số ngành chức năng thì tài nguyên than bùn trong huyện tập trung ở 8 xã thuộc khu Cháy (Trung Tú, Đồng Tân, Hoà Lâm, Trầm Lộng, Minh Đức, Kim Đường, Đông Lỗ, Đại Hùng ) với trữ lượng chưa xác định cụ thể. Đây là nguồn nguyên liệu làm phân hữu cơ vi sinh rất tốt cho ngành trồng trọt.

- Cát: Do sông Đáy chảy qua huyện với chiều dài 36,5 km dọc theo các xã ven sông từ Viên An đến Đội Bình nên cát chủ yếu được tập trung khai thác ở các xã Viên An, Hoà Nam, Hoà Phú nhằm phục vụ xây dựng cơ bản.

4.1.1.7. Tài nguyên văn hóa - nhân văn

Ứng Hoà mang đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng gắn liền với nền văn minh lúa nước, tập quán sản xuất nông nghiệp có từ lâu đời do vậy trong huyện có tới 131 điểm di tích lịch sử văn hoá công nhận. Một số di tích đáng chú ý là: đình Hoàng Xá - di tích lịch sử thời Lê, bảo tàng chiếc gậy Trường Sơn, bảo tàng khu Cháy - quê hương vùng an toàn khu xứ uỷ Bắc Kỳ… Ngoài ra, còn có một số làng nghề truyền thống: làng dệt vải màn xã Hoà Xá, làng mây tre đan ở xã Trường Thịnh, Quảng Phú Cầu, Sơn Công. Các làng nghề này không chỉ duy trì nét truyền thống trong văn hoá mà còn tạo thêm công việc cho người lao động nhất là trong những lúc nông nhàn, đồng thời tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

4.1.1.8. Cảnh quan môi trường

UBND huyện thường xuyên chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, thực hiện tốt việc tuyên truyền, hưởng ứng các hoạt động về bảo vệ môi trường (tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày môi trường thế giới) nên nhìn chung môi trường trên địa bàn huyện chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, do phát triển sản xuất, môi trường ở một số nơi trên địa bàn huyện cần được chú ý. Các chất thải trong sinh hoạt và sản xuất (đặc biệt là tại các cụm công nghiệp và làng nghề, khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng như các khu chợ, dịch vụ), việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, sử dụng với liều lượng không hợp lý… là những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Để phát triển bền vững và đảm bảo sức khoẻ cho người dân, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ứng hòa thành phố hà nội (Trang 41 - 44)