Vai trò của giảng viên đại học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên học viện hậu cần (Trang 25 - 28)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

2.1. Cơ sở lý luận về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

2.1.2. Vai trò của giảng viên đại học

2.1.2.1. Giảng viên là một nhà giáo

Đây là vai trò truyền thống nhưng quan trọng và tiên quyết đối với một giảng viên. Một giảng viên giỏi trước hết phải là một người thầy giỏi. Người Thầy giỏi trước hết phải là một người uyên bác về kiến thức chuyên ngành mà mình giảng dạy, nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ cho một giảng viên giỏi.

Theo các nhà giáo dục thế giới, và tác giả Nguyễn Danh Tuấn (2013), một giảng viên toàn diện là người được trang bị bốn nhóm kiến thức và kỹ năng sau: (1) Kiến thức chuyên ngành: kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành và các môn học mà mình giảng dạy;

(2) Kiến thức về chương trình đào tạo: để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học, giảng viên phải được trang bị các kiến thức về cả chương trình giảng dạy. Nhóm kiến thức này quan trọng vì nó cho biết vị trí của chúng ta trong bức tranh tổng thể, nó cung cấp thông tin về vai trò, sự tương tác giữa một chuyên ngành với các chuyên ngành khác trong cùng một lĩnh vực, kể cả giữa các chuyên ngành trong các lĩnh vực khác nhau;

(3) Kiến thức và kỹ năng về dạy và học: bao gồm khối kiến thức về phương pháp luận, kỹ thuật dạy và học nói chung và dạy/ học trong từng chuyên ngành cụ thể. Bên cạnh phương pháp chung thì mỗi chuyên ngành (thậm chí từng môn học

hoặc cùng môn học nhưng khác đối tượng học) đều có những đặc thù riêng biệt đòi hỏi phải có những phương pháp tiếp cận khác nhau;

(4) Kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục,..., đây có thể coi là khối kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng cho các hoạt động dạy và học. Chỉ khi mỗi giảng viên hiểu rõ được các sứ mệnh, giá trị cốt lõi và các mục tiêu chính của hệ thống giáo dục và môi trường giáo dục, việc giảng dạy mới đi đúng định hướng và có ý nghĩa xã hội.

2.1.2.2. Giảng viên là một nhà khoa học

Cũng theo tác giả Nguyễn Danh Tuấn (2013), giảng viên thực hiện vai trò nhà khoa học là giải thích và dự báo các vấn đề của tự nhiên và xã hội mà loài người và khoa học chưa có lời giải. Nghiên cứu khoa học, tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống và công bố các kết quả nghiên cứu cho cộng đồng (cộng đồng khoa học, xã hội nói chung, trong nước và quốc tế) là ba chức năng chính của một nhà khoa học. Từ đây có hai xu hướng nghiên cứu chính: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

Khác với nghiên cứu cơ bản mang tính giải thích và dự báo các vấn đề chưa khai phá của tự nhiên và xã hội, nghiên cứu ứng dụng là loại nghiên cứu hướng đến việc ứng dụng các kết quả của nghiên cứu cơ bản vào giải quyết các vấn đề cụ thể của xã hội. Thông thường nghiên cứu cơ bản được coi là vai trò chính của các giảng viên đại học. Còn nghiên cứu ứng dụng mang tính công nghệ thường là kết quả của mối liên kết giữa các nhà khoa học và nhà ứng dụng. Do vậy nghiên cứu ứng dụng thường có màu sắc của các dự án tư vấn được đặt hàng bởi cộng đồng doanh nghiệp.

Nghiên cứu khoa học phải đi kèm với công bố kết quả nghiên cứu. Điều này có hai ý nghĩa. Thứ nhất, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành uy tín chính là thước đo chất lượng có ý nghĩa nhất đối với một công trình nghiên cứu. Thứ hai, chỉ khi được công bố rộng rãi và đi vào ứng dụng, nghiên cứu khoa học mới hoàn thành sứ mệnh xã hội của mình.

2.1.2.3. Giảng viên là nhà cung cấp dịch vụ cho xã hội

Nguyễn Danh Tuấn (2013) cho rằng đây là một vai trò mà rất nhiều giảng viên đã và đang thực hiện - nó cũng là một vai trò mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng ở các giảng viên. Ở vai trò này, giảng viên cung cấp các sản phẩm của mình cho Học viện, cho sinh viên, cho các tổ chức xã hội - đoàn thể, cho cộng đồng và

cho xã hội nói chung đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp. Cụ thể, đối với Học viện và sinh viên, một giảng viên cần thực hiện các dịch vụ như tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tìm chỗ làm cho sinh viên,.... Với ngành của mình, giảng viên làm phản biện cho các tạp chí khoa học, tham dự và tổ chức các hội thảo khoa học.

Đối với cộng đồng, giảng viên trong vai trò của một chuyên gia cũng thực hiện các dịch vụ như tư vấn, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, viết bài báo khoa học công nghệ. Trong chức năng này, giảng viên đóng vai trò là cầu nối cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học và xã hội, để đưa nhanh các kiến thức khoa học vào phục vụ đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Viết báo thời sự (khác với báo khoa học) là một chức năng khá quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc truyền bá kiến thức khoa học và nâng cao dân trí là.

2.1.2.4. Giảng viên đóng vai trò định hướng nội dung học trong quá trình tự học của sinh viên

Đây là vai trò đầu tiên cần khẳng định đối với giảng viên. Việc tự học của người học hệ không chính quy dễ sai lệch nội dung bài học, sai kiến thức cơ bản và tư duy không đồng nhất nếu giảng viên không định hướng cho sinh viên. Giảng viên sẽ đóng vai trò định hướng nội dung môn học cũng như định hướng nội dung từng bài học cho sinh viên. Trên cơ sở định hướng của giảng viên việc tự nghiên cứu của sinh viên trọng tâm, giải quyết được những nội dung cơ bản của môn học cũng như đạt được mục tiêu của môn học và từng bài học. Việc định hướng của giảng viên liên quan đến các nội dung học nhóm, thảo luận, chuẩn bị bài và trao đổi giữa những người học. Giảng viên định hướng cách khai thác nội dung, định hướng kiến thức của bài học cũng như định hướng tư duy cho từng vấn đề. Định hướng là yếu tố thúc đẩy khả năng tự học. Định hướng giúp người học đi đúng đường ray.

2.1.2.5. Giảng viên đóng vai trò gợi mở tri thức và hỗ trợ trong quá trình tự học của sinh viên

Gợi mở của giảng viên là động lực thúc đẩy tính tích cực và tính say mê tìm tòi của sinh viên trong quá trình tự học. Nghiên cứu một nội dung mới, vấn đề mới, bài học mới, sự gợi mở của giảng viên như chất xúc tác đẩy mạnh tính chủ động nghiên cứu của người học. Việc gợi mở của giảng viên chẳng khác nào tìm lối thoát để sinh viên tự mình đi trên con đường tìm kiếm tri thức. Việc gợi

mở chấm dứt sự chây lười, tính ì, trì trệ của sinh viên trước những mảng kiến thức mới. Sự gợi mở của giảng viên trong quá trình sinh viên tự học giúp sinh viên tìm hiểu kiến thức đúng định hướng của giảng viên, đúng bản chất của nội dung cần học trong một môn học hoặc một bài học.

Ở vai trò này giảng viên đi bên cạnh sinh viên nhưng không làm thay sinh viên. Việc hỗ trợ của giảng viên trong quá trình tự học của sinh viên chẳng khác nào sự giúp đỡ kịp thời của giảng viên đối với sinh viên. Nội dung của môn học, bài học sẽ được làm sáng tỏ hơn, hấp dẫn hơn nếu trong quá trình học giảng viên hỗ trợ sinh viên nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, chinh phục kiến thức. Việc hỗ trợ kịp thời của giảng viên là giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất mỗi khi sinh viên thất bại hoặc không tìm ra đáp án trong bài học, trong các bài tập cụ thể, tình huống cụ thể. Nếu việc định hướng và gợi mở cần giảng viên đối với quá trình tự học của sinh viên còn mang tính chung chung thì sự hỗ trợ của giảng viên đối với quá trình tự học lại hết sức cụ thể. Giảng viên hỗ trợ sinh viên đọc tài liệu, hỗ trợ tìm tài liệu, hỗ trợ đưa ra phương án tối ưu, hỗ trợ cả về tinh thần trách nhiệm để sinh viên đam mê trong việc tự nghiên cứu bài học.

2.1.2.6. Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn học đối với sinh viên trong quá trình tự học

Giảng viên hướng dẫn khai thác bài học, hướng dẫn đọc tài liệu, hướng dẫn làm bài tập, hướng dẫn tư duy từng vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó hướng tới việc hướng dẫn làm bài tình huống và thực hành kỹ năng trong thực tiễn. Vai trò này sẽ giúp sinh viên biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, biến tri thức nhân loại thành tri thức của mình.

2.1.2.7. Giảng viên đóng vai trò đánh giá và kiểm tra kết quả tự học của sinh viên

Mục tiêu môn học và mục tiêu bài học chỉ được định lượng thông qua việc đánh giá và kiểm tra của giảng viên. Với vai trò này giảng viên kịp thời phát hiện những sinh viên không có khả năng tự học, hoặc khả năng tự học không đúng cách, hoặc việc tự học do ép buộc mà có. Cũng từ vai trò kiểm tra đánh giá mà giảng viên nhận diện được tư duy của mỗi sinh viên trong quá trình chủ động khai thác môn học, bài học ở mức độ tích cực nhất định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên học viện hậu cần (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)