PHẦN 2 .TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
2.4. Công tác quản lý phế thải rắn, nước thải KCN tại Việt Nam và Thanh
2.4.3. Tình hình quản lý môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam
Hiện tại các doanh nghiệp trong KCN chịu quản lý trực tiếp của cả Sở TNMT (công tác thanh tra, kiểm tra môi trường); BQL các KCN (cấp phép đầu tư và thẩm định ĐTM); chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN (mua bán, cho thuê dịch vụ môi trường). Tuy nhiên các doanh nghiệp trong KCN có chức năng BVMT trong hàng rào doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp cần bố
trí cán bộ kiểm tra theo dõi công tác BVMT. Tùy theo từng loại hình sản xuất trong KCN mà có các biện pháp quản lý môi trường phù hợp cho từng KCN. (Tổng cục môi trường, 2009)
Tại các KCN đã triển khai, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN. Bên cạnh đó, cũng có các KCN chưa triển khai, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hay hiệu quả chưa cao. Điển hình như ở Hải Dương, hiện có 9 KCN. Trong đó KCN Nam Sách và KCN Đại An, mặc dù đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống nước thải tập trung, song không đồng bộ hoặc hệ thống xử lý không tương xứng với lượng nước thải của các doanh nghiệp thải ra nên chưa vận hành được, 5 KCN khác đã được cấp giấy phép nhưng chưa KCN nào hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung (theo Tổng Cục môi trường, 2009)
Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường của KCN của Bộ TN&MT và Sở TN&MT. Áp dụng các công cụ kinh tế vào việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạp các văn bản về bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn sử dụng các công cụ thông tin hay công cụ khác để quản lý KCN.
Kinh nghiệm quản lý môi trường trong KCN
Tại Thừa Thiên- Huế
Tỉnh đã quy hoạch phát triển 6 KCN với tổng diện tích 2168,76 ha, gồm: KCN Phú Bài (giai đoạn I, II, III và IV), thị xã Hương Thủy có diện tích 818,76 ha; KCN Phong Điển, huyện Phong Điển (400 ha); KCN Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (250 ha); KCN La Sơn, huyện Phú Lộc (300 ha); KCN Phú Đa, huyện Phú Vang (250 ha) và KCN Quang Vinh, huyện Quảng Điền (150 ha). Đến nay, các KCN đã thu hút 77 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 9.093 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 4.053,8 tỷ đồng đạt 44% so với đăng ký, tập trung chủ yếu ở KCN Phú Bài và Phong Điển. Các dự án đấu tư vào các KCN đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (DIM) và bản cam kết BVMT.
Tổng lượng nước thải phát sinh tại các KCN đã được thu gom và xử lý đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Các hoạt động sản xuất của KCN Phú Bài phát sinh lượng nước thải khoảng 2.500 m3/ngày/đêm; toàn bộ khối lượng nước thải này đã được thu gom và xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất: 4.000 m3/ngày/đêm trước khi xả thải ra môi trường, đạt tỷ lệ 100% (Châu Loan, 2013).
Tại KCN Phong Điền, khối lượng nước thải đạt khoảng 150 m3/ ngày/đêm, khối lượng này cũng đã được thu gom, để xử lý. Tại KCN này, Nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng đang được xây dựng với công suất: 4.000 m3/ngày/đêm.
Ngoài ra, 2 dự án đang hoạt động tại các KCN có sử dụng công nghệ đốt lò hơi để thu nhiệt phục vụ sản xuất, hầu hết các hoạt động này phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, tỷ lệ xử lý lượng khí thải đạt 40%.
Về công tác thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, lượng chất thải rắn phát sinh tại các KCN hiện nay đạt khoảng 3,5 tấn/ngày/đêm, hầu hết đã được các doanh nghiệp thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý, tỷ lệ đạt 95%. Khối lượng phát sinh chất thải nguy hại khoảng 0,25 tấn/ngày/đêm, tỷ lệ xử lý đạt 70% (Châu Loan, 2013).
Tỉnh đã tiến hành giám sát, quan trắc việc thực hiện các nội dung đã cam kết trong báo cáo ĐTM, cam kết BVMT đã được phê duyệt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp BVMT cũng như việc tuân thủ các quy định về pháp luật BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các KCN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật BVMT; đồng thời, không cấp phép cho các dự án, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Ngoài ra, còn tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN, CCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương, thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án BVMT. Cuối cùng có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp trong các KCN, CCN thực hiện tốt công tác BVMT (Châu Loan, 2013).
KCN Hoà Xá - tỉnh Nam Định
Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN tỉnh Nam Định được thành lập năm 2003 với diện tích 300ha, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định có chức năng, nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng hạ tầng các KCN do Nhà nước và tỉnh đầu tư xây dựng theo tinh thần Nghị định 36/CP của Chính phủ, nhằm tạo ra một cú hích cho sự nghiệp phát triển công nghiệp tỉnh nhà.Được sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Quản lý các KCN tỉnh, sự ủng hộ của các ngành, nhất là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của
lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành trung ương, Công ty đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao (Trần Minh Oánh, 2013).
Quản lý đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng KCN Hoà Xá với tổng khối lượng hoàn thành và đã được cấp kinh phí đến nay là 243 tỷ đồng, trong đó bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng; 16 km đường giao thông nội bộ đã được xây dựng, kèm theo là hệ thống biển báo, bảng chỉ dẫn, cống thoát nước, cây xanh bóng mát, thảm cỏ; hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải giai đoạn 1 công suất 4.500m3/ngày đêm đi vào vận hành từ tháng 4/2013; gần một nửa KCN (phía Đông Quốc lộ 10) có hệ thống điện chiếu sáng công; bao quanh KCN Hoà Xá, ở những đoạn xung yếu đã có hệ thống tường rào cứng, được xây dựng bổ sung dần hàng năm.
Từ quý III/2008, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty đã tổ chức thu hàng chục tỷ đồng sử dụng hạ tầng KCN từ các nhà đầu tư nộp về ngân sách tỉnh, đồng thời đã bám sát mặt bằng, tổ chức duy tu bảo dưỡng, duy trì hệ thống cây xanh thảm cỏ, đảm bảo vệ sinh môi trường chung, duy trì điện chiếu sáng các tuyến đường giao thông gần một nửa KCN Hoà Xá.
Cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, hưởng ứng phong trào phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm và các phong trào khác ở KCN. Song song với việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn chính trị được giao, Công ty đã không ngừng củng cố và từng bước xây dựng đội ngũ, tổ chức của đơn vị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn.
Nhiệm vụ trước mắt cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Công ty trong giai đoạn tới là: quản lý khai thác tốt các hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN, quản lý mặt bằng, đảm bảo vệ sinh môi trường, duy trì chăm sóc cây xanh, hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng...; quản lý sử dụng vận hành an toàn, hiệu quả trạm xử lý nước thải, trong đó chú ý khâu quản lý, đôn đốc đấu nối thu gom nước thải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Thu - nộp kịp thời phí sử dụng hạ tầng và xử lý nước thải để tỉnh có kinh phí cấp cho hoạt động duy trì hệ thống công trình kỹ thuật hạ tầng, đặc biệt là duy trì hoạt động của Trạm xử lý nước thải (Trần Minh Oánh, 2013).