Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong bảo vệ môi trường KCN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng quản lý phế thải rắn, nước thải của công ty TNHH giầy sunjade việt nam, công ty TNHH sữa lam sơn và công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản thuộc khu công nghiệp lễ môn, tỉnh thanh hóa (Trang 44 - 47)

PHẦN 2 .TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

2.4. Công tác quản lý phế thải rắn, nước thải KCN tại Việt Nam và Thanh

2.4.6. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong bảo vệ môi trường KCN

- KCN đã triển khai xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tuy nhiên tỷ lệ còn thấp và hiệu quả chưa cao

Theo quy định, Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN có trách nhiệm xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thực tế hiện nay, công tác này chưa được thực hiện nghiêm túc tại nhiều KCN. Có tới 57% KCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (năm 2009). Trong 3 năm gần đây, mặc dù số KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung có tăng lên, nhưng xét trên tổng số KCN, tỷ lệ KCN có hệ thống này tăng lên không đáng kể. Một số KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng lại hoạt động không hiệu quả, hoặc hoạt động mang tính đối phó. Theo đánh giá sơ bộ thì chỉ 50% các hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện tại là đạt tiêu chuẩn. Nhiều KCN hiện còn tìm cách kéo dài hoặc trì hoãn việc đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường nói chung và hệ thống xử lý nước thải tập trung nói riêng (KCN Sài Đồng B, KCN Yên Phong 1, KCN Châu Sơn...). Tại các KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng xuất hiện nhiều vấn đề dẫn đến việc vận hành hệ thống này không hiệu quả. Một số nơi, hệ thống

không đáp ứng được tổng lượng nước thải mà các doanh nghiệp trong KCN thải ra, do thiết kế công suất không tương xứng hoặc do lượng xả thải của các doanh nghiệp vượt mức cam kết. Theo quy định, nước thải của các doanh nghiệp trong KCN đều phải xử lý sơ bộ đạt yêu cầu trước khi đổ vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng nhiều doanh nghiệp không tuân thủ việc xử lý nước thải cục bộ, gây khó khăn cho hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số KCN lại không có đủ nước thải để hệ thống hoạt động do nhiều doanh nghiệp trong KCN vẫn không chịu đấu nối nước thải vào hệ thống. Điển hình là KCN Phố Nối B (Hải Dương), chỉ có lượng nước thải khoảng 500 m 3 /ngày, trong khi công suất xử lý của hệ thống là 10.800 m3 /ngày; KCN Việt Hương II, Bình Dương với tỷ lệ tương ứng là 300/2000; KCN Nomura, Hải Phòng với tỷ lệ tương ứng là 300/2500.

- Áp dụng sản xuất sạch hơn và công nghệ thân thiện môi trường

Tại các doanh nghiệp trong KCN còn chưa được chú trọng Ngày 06/5/2002 Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn (Giai đoạn 1: Triển khai sản xuất sạch hơn trong các cơ sở công nghiệp) ban hành kèm theo Quyết định số 1146/BKHCNMT-MTg của Bộ trưởng Bộ KHCN&MT). Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nước ta là giải pháp hiệu quả về kinh tế và BVMT. Đến nay đã có hàng trăm cơ sở công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Các cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn, tùy loại hình sản xuất, tình trạng thiết bị, quản lý đã giảm tiêu thụ nguyên liệu 5- 15%, giảm tiêu thụ nước 5-35%, giảm tiêu thụ năng lượng 10-35%, giảm lượng nước thải 5-40%, giảm lượng khí thải 10-30%. Nếu tiếp tục cải tiến phương thức quản lý và thay đổi cách sử dụng hợp lý trang thiết bị trong sản xuất, sinh hoạt thì các cơ sở sản xuất ở Việt Nam còn có thể tiết kiệm thêm 5- 15% năng lượng tiêu thụ. Ngày 07/9/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1419/QTTg phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” với mục tiêu sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, việc đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến đối với các cơ sở công nghiệp cũng là một đòi hỏi cấp thiết. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số

119/1999/NĐ- CP ngày 18/9/1999 về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ.

Hiện nay, cùng với việc một số công nghệ thân thiện với môi trường đã được đầu tư, ứng dụng vào nhiều KCN, vẫn còn hiện tượng nhiều KCN và doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư này, không ít doanh nghiệp trong KCN còn sử dụng các công nghệ lạc hậu trong sản xuất, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

- Chưa triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST)

Nhận thấy những tác động đến tự nhiên và môi trường trong quá trình phát triển KCN, từ đầu những năm 1990, trên thế giới đã xuất hiện và phổ biến khái niệm mô hình KCNST. Mô hình này đã trở thành một hướng đi mới của các nước trên thế giới, có tính khả thi cao nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ở nước ta, KCNST là vấn đề khá mới, tuy nhiên KCN thân thiện môi trường, như một tiếp cận ban đầu với mô hình KCNST, đã được nghiên cứu đề xuất thông qua một số dự án. Cho đến tháng 10 năm 2009 đã có một KCNST đầu tiên được khởi công xây dựng ở Việt Nam. Khởi công KCN sinh thái đầu tiên của Việt Nam - Vườn công nghiệp Bourbon An Hòa Tháng 10/2009, Vườn công nghiệp Bourbon An Hòa, mô hình KCNST đầu tiên của Việt Nam, đã được khởi công xây dựng tại xã An Hoà, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Dự án có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng với diện tích 1.020 ha, trong đó 720 ha dành cho đất công nghiệp, 184 ha dành cho khu kho cảng và 76 ha dành cho dân dụng và tái định cư. Điểm nổi bật của Vườn công nghiệp này sẽ là những khu vực xanh của hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài 15% diện tích chung bắt buộc dành cho cây xanh, mỗi dự án xây dựng nhà máy tại đây chỉ được sử dụng tối đa 70% đất xây dựng, 30% còn lại được dành cho thảm xanh. Thay vì trồng cây xanh mới, chủ đầu tư sẽ giữ lại hệ thống cây xanh tự nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái xung quanh hiệu hữu KCN. Các nhà máy trong Vườn công nghiệp sẽ phối hợp, trao đổi các loại sản phẩm phụ; tái sinh, tái chế, tái sử dụng sản phẩm phụ của nhau, theo hướng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Nhà máy xử lý nước thải của Vườn công nghiệp có công suất dự kiến 40.000 m 3 /ngày (trong đó, giai đoạn 1 có công suất thiết kế 20.000 m 3 /ngày). Nước thải sau khi xử lý sẽ được dẫn vào các dòng kênh nội bộ và đây sẽ là nơi nuôi trồng nhiều loại sinh vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng quản lý phế thải rắn, nước thải của công ty TNHH giầy sunjade việt nam, công ty TNHH sữa lam sơn và công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản thuộc khu công nghiệp lễ môn, tỉnh thanh hóa (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)