6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.2.3. Tác động của phân cấp quản lý đến kế toán trách nhiệm
a.Tác động tích cực
Hệ thống kế toán trách nhiệm chỉ tồn tại và hoạt động hiệu quả nhất trong các tổ chức có phân quyền. Phân cấp quản lý gắn liền với xác định quyền hạn và trách nhiệm từng cấp một cách rõ ràng nên có cơ sở khi đánh giá hiệu quả hoạt động từng bộ phận, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục các sai phạm.
Khi quy mô doanh nghiệp càng lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh càng phức tạp thì đòi hỏi doanh nghiệp phải phân chia thành nhiều bộ phận, nhiều cấp quản lý khác nhau. Sự phân chia này đi kèm với sự phân chia quyền hành,
quyền ra quyết định cho các nhà quản lý cấp dưới. Lúc này, nhà quản trị cấp cao phải xác định được mức độ phức tạp trong quản lý của doanh nghiệp để
có sự phân quyền cho phù hợp. Nếu sự phân quyền quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng nhà quản lý cấp cao mất quyền kiểm soát đối với các bộ phận, không
đảm bảo tính thống nhất của tổ chức. Nếu sự phân quyền quá nhỏ hay tập trung tất cả quyền lực vào nhà quản trị cấp cao thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải đối với nhà quản trị cấp cao, từ đó làm giảm hiệu quả quản lý trong toàn bộ tổ chức. Do vậy, nhà quản trị phải xây dựng một hệ thống các mục tiêu sao cho mỗi bộ phận đều đảm bảo thực hiện được, phải có sự tương quan giữa quyền hạn và trách nhiệm. Hay nói cách khác nhà quản trị phải lựa chọn cho doanh nghiệp mình một mô hình phân cấp quản lý tối ưu, từ đó hình thành hệ
thống kế toán trách nhiệm phục vụ tốt nhất yêu cầu quản lý trong doanh nghiệp.
Nhờ có sự trải rộng việc quyết định cho nhiều cấp quản lý mà giúp cho các nhà quản trị cấp cao hơn không phải giải quyết những vấn đề chi tiết hằng ngày mà chỉ tập trung vào các công việc chiến lược như lập kế hoạch dài hạn và điều phối các hoạt động của các bộ phận trong tổ chức đảm bảo thực hiện mục tiêu chung.
Phân cấp quản lý, đặc biệt là phân cấp quản lý tài chính có ảnh hưởng
đến công tác kế toán trách nhiệm. Vì kế toán trách nhiệm yêu cầu xác định chi phí và thu nhập một cách riêng biệt: ai, bộ phận nào sẽ có trách nhiệm với khoản chi phí và thu nhập này?
b.Tác động tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực, thì phân cấp quản lý còn những tác
động tiêu cực.
Tác động lớn nhất là không đạt được sự thống nhất và không hướng đến mục tiêu chung toàn tổ chức. Phân cấp quản lý tạo ra sự độc lập tương đối trong việc đưa ra các chiến lược và mục tiêu hoạt động. Chính sự độc lập này tạo ra sự không đồng nhất về quyết định với nhau của các nhà quản lý bộ
phận. Họ không quan tâm rằng liệu quyết định của họ có ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong tổ chức như thế nào. Điều mà họ quan tâm là hiệu quả của họ hơn là hiệu quả hoạt động chung.
Mặt khác do sự tách bạch về quyền lợi và trách nhiệm của các bộ phận nên dẫn đến có sự cạnh tranh thành tích giữa các bộ phận, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề đặt ra của hệ thống kế
toán trách nhiệm là hạn chế tối đa bất lợi, đồng thời giúp cho tổ chức gặt hái
được những lợi ích của việc phân cấp quản lý thông qua việc xây dựng các trung tâm trách nhiệm. Như vậy, phân cấp quản lý gắn liền với kế toán trách nhiệm. Qua phân cấp quản lý sẽ xác định được quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cấp rõ ràng, nên có cơ sở cho việc đánh giá trách nhiệm của từng bộ
phận, tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục. Một doanh nghiệp có phân cấp quản lý tài chính thì mới thực hiện được kế toán trách nhiệm và sự phân cấp càng chặt chẽ và phù hợp thì hiệu quả của kế toán trách nhiệm càng cao.
Những thuận lợi và thách thức trên đòi hỏi nhà quản trị phải có biện pháp phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn. Để đạt được mục tiêu chung, các nhà quản lý bộ phận ở các cấp quản lý khác nhau phải hướng đến mục tiêu của bộ phận quản lý cấp cao hơn. Các nhà quản trị không những phải có tầm nhìn với các mục tiêu mà còn phải có động cơ tích cực để đạt chúng, và thiết lập một hệ thống các mục tiêu thích hợp với trình đọ và năng lực của từng bộ phận là điều kiện tốt nhất thực hiện phân cấp quản lý.
Như vậy phân cấp quản lý vừa tạo tiền đề vừa là động lực thúc đẩy hoạt
động kế toán trách nhiệm. Một doanh nghiệp có phân cấp quản lý thì mới thực hiện được kế toán trách nhiệm, và sự phân cấp quản lý càng chặt chẽ và phù hợp thì hiệu quả của kế toán trách nhiệm càng cao. Mọi hoạt động của doanh nghiệp phải nằm trong tầm kiểm soát của nhà quản trị theo sự phân cấp từ cao đến thấp, nên phân cấp quản lý vừa là tiền đề vừa là động lực thúc đẩy sự hình thành kế toán trách nhiệm.