4.1.2.1. Thực trạng phát triển kinh tế
Thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Trì, kinh tế xã hội của huyện đã có những chuyển biến tích cực và dần đi vào thế ổn định, tạo đà tốt để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2016. Trong những năm qua, kinh tế của huyện Thanh Trì phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Kinh tế trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2016 tăng trưởng bình quân là 15%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,85%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của thành phố (11,25%). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch trong giai đoạn 2012 - 2016 là: Khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 46,80% năm 2012 lên 63,10% năm 2016. Khu vực thương mại - dịch vụ tăng từ 14,80% năm 2012 lên 19,80% năm 2016. Khu vực nông nghiệp giảm từ 39,86% năm 2012 xuống còn 17,10% năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23,20 triệu đồng/người/năm, tăng 3,50 triệu đồng so với năm 2016 (Nguồn: Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, 2016).
4.1.2.2. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập
a. Dân số
Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 31/12/2016, tổng dân số của huyện là 218.483 người, lao động trong độ tuổi là 145.863 người, lao động nông nghiệp là 72.620 người (Nguồn: Niên giám thống kê huyện Thanh Trì, 2016).
b. Lao động - việc làm và thu nhập
Từ năm 2012 đến năm 2016, nguồn lao động của huyện tăng bình quân là 1,06%. Tốc độ tăng lao động chủ yếu là do mức sinh khá cao của những năm trước đây, ngoài ra còn do dòng lao động từ các tỉnh khác di cư tự do đến. Thu nhập bình quân trên đầu người năm 2012 là 18,4 triệu đồng, đến năm 2016 là 24,81 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ giàu tăng từ 26% năm 2012 lên 29,8% năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,38% năm 2012 xuống còn 0,4% năm 2016 (Nguồn: Niên giám thống kê huyện Thanh Trì, 2016).