Các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện lạc thủy tỉnh hòa bình (Trang 45 - 50)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xă hội huyện Lạc Thủy

4.1.2. Các nguồn tài nguyên

4.1.2.1. Tài nguyên đất đai

Diện tích tự nhiên của huyện theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2015 là 31358,89 ha. Về mặt thổ nhưỡng đất đai ở huyện Lạc Thủy được chia thành 4 nhóm đất chính:

a. Nhóm đất đỏ vàng: Có diện tích 13.222 ha, chiếm 41,98% diện tích tự nhiên trong đó bao gồm các loại đất:

- Đất đỏ vàng trên phiến thạnh sét: Có diện tích 8.759 ha, chiếm 27,81% diện tích tự nhiên của huyện. Loại đất này có thành phần cơ giới thịt trung bình hoặc nặng, khả năng giữ nước tốt. Sự phân bố địa hình loại đất này rất phức tạp, có nhiều cấp độ dốc khác nhau, từ cấp I đến cấp IV và độ dày của đất cũng diễn biến từ cấp I đến cấp IV. Đất thường có phản ứng rất chua, hàm lượng mùn từ nghèo đến trung bình, có khả năng thích hợp với việc trồng cây lương thực như: Ngô, sắn; cây công nghiệp: Chè, trẩu…

- Đất nâu đỏ trên núi đá vôi: Có diện tích 875 ha, chiếm 2,78% diện tích tự nhiên của huyện. Đất có thành phần cơ giới trung bình hoặc nặng, độ PH của đất ở mức trung bình hoặc kiềm yếu (PH + kcl ≥ 7), loại đất này cũng có nhiều cấp độ dốc và nhiều tầng dày khác nhau (từ cấp I đến cấp IV), hầu hết đã được đưa vào sử dụng triệt để, chủ yếu là trồng các loại cây lương thực như: Sắn, khoai, ngô, đậu…

- Đất vàng nhạt trên đá cát: Có diện tích 317 ha, chiếm 1,01% diện tích tự nhiên của huyện. Đất có thanh phần cơ giới cát hoặc cát pha thịt nhẹ, độ ẩm trong đất thấp, tầng đất mỏng, mức độ kết von cao, lượng sắt trong đất thấp, kết cấu của đất kém bền vững khi ngâm nước. Đất này có phản ứng rất chua hoặc chua (PH + kcl : 3,6 – 4,8), hàm lượng mùn thấp hoặc trung bình (1,1% - 3%). Loại đất này có thể trồng rừng, trồng các loại cây như: Sắn, ngô khoai.

- Đất nâu vàng trên phù sa cổ: Có diện tích 2.307 ha, chiếm 7,32% diện tích tự nhiên của huyện. Được hình thành ở các độ cao khác nhau (từ cấp I đến cấp VII). Đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc trung bình, cấu trúc hạt nhỏ, tầng trên xốp, tầng dưới chặt có kết von ở các mức độ khác nhau, loại đất này cũng có phản ứng chua hoặc rất chua và nghèo mùn.

- Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa: Có diện tích tích 964 ha, chiếm 3,06% diện tích tự nhiên của huyện. Thành phần cơ gới của đất từ thịt nhẹ đến nặng. Độ chua của đất cũng rất đa dạng, từ rất chua đến ít chua (PH + kcl: 5,8 – 6,6), tỷ lệ mùn nghèo đến trung bình, độ chua thủy phân và nhôm di động thấp. Loại đất này ngoài khả năng thích hợp với trồng lúa có thể trồng các loại cây trồng hàng năm khác như: đậu, đỗ,…

b. Nhóm đất thung lũng và dốc tụ: Có diện tích 943 ha, chiếm 2,99% diện tích tự nhiên, trong đó bao gồm các loại đất:

- Đất dốc tụ: Có diện tích 463 ha, chiếm 1,47% diện tích tự nhiên. Đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ, trung bình hoặc nặng. Trong đất có nhiều chất lẫn như: Các mảnh đá nhỏ, đạm tổng số từ trung bình đến giàu, lân tổng số thấp, kali tổng số trung bình. Loại đất này do nguồn gốc hình thành ở những nơi ven đồi thấp, trung bình nên chỉ có khả năng trồng lúa được 1 - 2 vụ.

- Đất trên sản phẩm đá vôi: Có diện tích 297 ha, chiếm 0,94% diện tích tự nhiên. Đất có thành phần cơ giới trung bình hoặc nặng, cấu trúc viên chặt đến rất chặt, tỷ lệ kết von rất cao, kết von chủ yếu ở dạng hạt đậm, chế độ nước không

đảm bảo. Đất ít chua hoặc trung bình, hàm lượng các chất: Đạm (0,007 – 0,003), lân (0,038 – 0,085), kali (0,27 – 0,79)… Loại đất này ngoài khả năng cấy lúa còn có thể trồng được các loại cây hàng năm khá: Lạc, đậu, vừng,…

- Đất thung lũng do ảnh hưởng của cacbornat: Có diện tích 183 ha, chiếm 0,58% diện tích tự nhiên. Đất này phân bố chủ yếu ở các vùng ven núi đá, thành phần cơ giới thịt trung bình hoặc nặng, hàm lượng mùn cao, đạm tổng số khá.

c. Nhóm đất xám bạc màu: Có diện tích 492 ha, chiếm 1,56% diện tích tự nhiên. Đất này có thành phần cơ giới nhẹ, không có cấu tượng, khả năng giữ nước kém, hàm lượng mùn thấp, hàm lượng các chất: Đạm, lân, kali rất cao. Đất xám bạc màu là loại đất xấu, muốn cây trồng có năng suất cao cần có biện pháp thâm canh cải tạo thích hợp.

d. Nhóm đất phù sa: Có diện tích 1.150 ha, chiếm 3,92% diện tích tự nhiên, trong đó gồm các loại đất:

- Đất phù sa được bồi của sông Bôi: Có diện tích 1.040 ha, chiếm 3,54% diện tích tự nhiên. Đất có thành phần cơ giới cát pha hoặc thịt nhẹ, cấu trúc viên nhỏ xốp. Đất có phản ứng ít chua, hàm lượng đạm tổng số trung bình, lân tổng số khá, kali tổng số trung bình, các chất dễ tiêu nghèo.

- Đất phù sa ngòi suối: Có diện tích 114 ha, chiếm 0,38% diện tích tự nhiên. Đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc cát pha, cấu trúc viên nhỏ, xốp. Hàm lượng chất: mùn, đạm, lân, kali trong đất thấp. Đất có tầng canh tác rất dày phù hợp với trồng lúa và trồng màu (UBND huyện Lạc Thủy, 2010).

4.1.2.2. Tài nguyên nước a. Nước mặt

Lượng nước mặt của huyện nhìn chung khá dồi dào và đa dạng, bao gồm mạng lưới sông, suối và các hồ, đập chứa nước. Mạng lưới sông ngòi huyện Lạc Thủy phân bố không đồng đều giữa các vùng gồm sông Bôi, sông Đập và sông Thanh Hà và trên 32 suối lớn, nhỏ. Hệ thống hồ đập của huyện là các hồ, đập có dung tích chứa ở mức nhỏ và phân bố không đều làm cho một số vùng không được tưới tiêu. Bên cạnh đó thì do đại hình đồi núi, khả năng giữ nước kém nên về mùa khô thì các sông suối và hồ, đập của huyện thường kiệt nước gây khó khăn về nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Số liệu quan trắc của sông Bôi như sau:

+ Diện tích lưu vực trên địa bàn huyện : 664km2

+ Dòng chảy bình quân năm : Q0 = 25,6m3/s

+ Mô đun dòng chảy : M0 = 38,61/s-km2

+ Lưu lượng lớn nhất : Qmax = 2.400m3/s

+ Lưu lượng nhỏ nhất : Qmax = 1,2m3/s

b. Nước ngầm

Hiện tại, tiềm năng nước dưới đất toàn huyện Lạc Thủy vẫn chưa được điều tra, đánh giá chi tiết. Các nghiên cứu sơ bộ và đánh giá của các chuyên gia về địa vật lý thì ở Lạc Thủy có trữ lượng nước ngầm khá lớn.

Nhìn chung, Lạc Thủy là huyện có nguồn tài nguyên nước tương đối phong phú. Tài nguyên nước mặt lớn, đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Tài nguyên nước dưới đất khá dồi dào, chất lượng nước tốt, đáp ứng tiêu chuẩn làm nguồn cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, vào các tháng đầu mùa mưa, nước mặt và nước ngầm dưới đất thường bị đục, một số vùng nước còn chứa nhiều chất hữu cơ, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của địa phương (UBND huyện Lạc Thủy, 2010).

4.1.2.3. Tài nguyên rừng

Lạc Thủy là huyện có diện tích rừng và đất rừng lớn so với diện tích tự nhiên (chiếm trên 46,42%), đất đai phù hợp với nhiều loại cây có điều kiện phát triển hệ thống rừng phòng hộ và tạo các vùng rừng kinh tế hàng hoá có giá trị cao. Lạc Thủy có tổng quỹ đất lâm nghiệp là 14.556,39 ha, trong đó: Đất rừng sản xuất là 10.335,67 ha, chiếm 32,96% diện tích tự nhiên huyện; đất rừng phòng hộ là 4.220,72 ha, chiếm 13,46% diện tích tự nhiên của huyện.

Với nguồn tài nguyên rừng lớn, những năm gần đây phát triển lâm nghiệp đã mang lại giá trị kinh tế và môi trường không nhỏ cho huyện, tạo điều kiện ổn định đời sống và sản xuất cho một bộ phận lớn dân cư trong huyện. Tuy nhiên cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn và khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này (UBND huyện Lạc Thủy, 2010).

4.1.2.4. Tài nguyên khoáng sản

Lạc Thủy là huyện có trữ lượng khoáng sản nhỏ, hoạt động khai thác chủ yếu là khai thác nguyên vật liệu xây dựng. Hiện tại nguồn tài nguyên khoáng sản của huyện gồm có:

Than đá: Lạc Thủy có một số mỏ than đá đang được khai thác và sử dụng như: Mỏ than ở xã Lạc Long, mỏ than ở xã Đồng Môn và mỏ than ở thị trấn Chi Nê, mỗi năm khai thác được khoảng trên 2.000 tấn.

Quặng Ăng-ti-mon và thủy ngân: Quặng này được khai thác ở xã An Bình nhưng trữ lượng không nhiều.

Nguyên vật liệu xây dựng: Nguồn nguyên vật liệu xây dựng của huyện khá phong phú, hiện đang được khai thác chủ yếu là cát vàng, đá, sỏi. Cát vàng được khai thác chủ yếu ở ven sông Bôi; sỏi tập trung ở các xã Phú Lão, Đồng Tâm và An Lạc; đá tập trung ở các xã Phú Lão (với trữ lượng khoảng 195.000 m3), Đồng Tâm (33.000 m3), Khoan Dụ (20.000 m3) (UBND huyện Lạc Thủy, 2010). 4.1.2.5. Tài nguyên nhân văn

Là mảnh đất vốn có lịch sử lâu đời, Lạc Thủy từ xưa đã có sự tồn tại của con người. Địa bàn Lạc Thủy là nơi sớm có cư dân của người Lạc Việt đến sinh sống. Nhiều hang động trong các dãy núi đá vôi ở gần thung lũng hoặc ven sông Bôi thuộc các xã Phú Lão, Phú Thành, Lạc Long, Khoan Dụ và hang Đồng nội (xã Đồng Tâm)… là những di chỉ khảo cổ chứng minh mảnh đất Lạc Thủy là cái nôi trong cộng đồng nền văn hóa Hòa Bình.

Nằm trong nền văn hóa Hòa Bình, nhân dân huyện Lạc Thủy có những bản sắc văn hóa của đồng bào Mường, với câu chuyện kỳ thú về “Đẻ Đất, Đẻ Nước”, lễ hội “Cồng Chiêng” cổ truyền, với bản tính cần cù, chất phác, thực thà, giản dị, rất trọng lời hứa, thắm tình đoàn kết keo sơn trong cuộc sống của bản làng.

Hòa đồng với công đồng dân tộc, nhân dân Lạc Thủy sớm có truyền thống dựng nước, giữ nước. Vùng đất Lạc Thủy rất gần gũi gắn bó với công cuộc gây dựng vương nghiệp nước Đại Việt của Đinh Tiên Hoàng. Vùng đất Lạc Thủy còn nằm trên tuyến đường lai kinh nối liền Nam - Bắc của các triều đại phong kiến Việt Nam. Do vậy, nền văn hóa Lạc Thủy rất đa dạng và phong phú là nền văn hóa hình thành bởi sự giao lưu qua lại giữa hai dân tộc Mường - Việt vốn cùng một nguồn gốc.

Ngày nay các truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Lạc Thủy đã và đang được gìn giữ, phát triển góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (UBND huyện Lạc Thủy, 2010).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện lạc thủy tỉnh hòa bình (Trang 45 - 50)