Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 80 - 81)

Lào là nước nằm sâu trong lục địa, không có đường thông ra biển và chủ yếu là đồi núi trong đó có 47% diện tích là rừng. Có một số đồng bằng nhỏ ở vùng thung lũng sông Mê Kông hoặc các phụ lưu như đồng bằng Viêng Chăn, Champasack...45 % dân số sống ở vùng núi. Lào có 800.000 ha đất canh tác nông nghiệp với 85% dân số sống bằng nghề nông.

Thủ đô Viêng Chăn là trung tâm văn hóa, thương mại và hành chính của Lào, thủ đô Viêng Chăn cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Năm 1994, cầu Hữu nghị chính thức được khánh thành, nối giữa Viêng Chăn với tỉnh Nong Khai của Thái Lan, mở ra một hướng giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho việc thông thương, phát triển kinh tế của thủ đô Viêng Chăn. Viêng Chăn cũng là nơi có sân bay quốc tế Wattay lớn nhất cả nước.

Thủ đô Viêng Chăn đã thu hút đầu tư và khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài bằng cách thực hiện các chính sách đã được xác định. Theo báo cáo ngày 6/5/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thủ đô Viêng Chăn, giá trị đầu tư trong nước và nước ngoài 6 tháng đầu năm tài khóa 2014 – 15 đã tăng mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Trong thời gian 6 tháng, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 9,72 nghìn tỷ Kíp với 154 dự án. Báo cáo cho biết, với con số 9,72 nghìn tỷ Kíp, thủ đô Viêng Chăn gần như đã đạt mục tiêu đề ra của cả năm là 12 nghìn tỷ Kíp. Trong số 154 dự án, bao gồm 149 dự án đầu tư tổng hợp, trị giá 9,74 nghìn tỷ Kíp, 5 dự án còn lại là tô nhượng đất trị giá 180,24 tỷ Kíp. Các dự án tô nhượng đất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chủ yếu là trong các lĩnh vực xây dựng sân Golf, khách sạn 5 sao, trung tâm mua sắm, bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ. Theo Kế hoạch Phát triển Kinh tế – xã hội của Viêng Chăn, tổng vốn đầu tư năm tài khóa 2014 – 15 khoảng 14,7 nghìn tỷ Kíp, trong đó đầu tư của nhà nước khoảng 134 tỷ Kíp, đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước 12 nghìn tỷ Kíp, viện trợ không hoàn lại và vốn vay từ các tổ chức quốc tế khoảng 700 tỷ Kíp, vốn vay ngân hàng khoảng 1,86 nghìn tỷ Kíp.[29]

Thủ đô Viêng Chăn đã tập trung thúc đẩy ngành công nghiệp và thủ công mỹ nghệ rộng rãi, làm cho nền công nghiệp đã tăng lên, chất lượng sản phẩm đã được

cải thiện. Số lượng nhà máy công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có 2.529, có công nhân 44.172 người, đầu tư trong ngành công nghiệp có giá trị 2,528,05 tỷ Kíp (10.112,2 triệu baht), hiện tại có sản xuất công nghiệp và lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất nhựa, nước giải khát, thủ công mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, luyện kim loại và công nghiệp may [29]

Viêng Chăn là một trung tâm ngân hàng và tài chính của Lào, nơi đặt trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước và nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như công chúng nói chung. Du khách đến Lào có thể sử dụng được hầu hết các dịch vụ tài chính quốc cực kỳ thuận lợi.

Hạ tầng giao thông Viêng Chăn hiện tại đã được phát triển khá nhiều, từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Du khách có thể đáp máy bay thẳng đến Viêng Chăn thông qua sân bay Quốc tế Wattay, thông qua tuyến đường cao tốc nối Thái Lan – Lào hoặc nhiều tuyến đường nối với Việt Nam, Campuchia. Tuyến cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội đang được lập kế hoạch xây dựng hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa cho Viêng Chăn nói riêng và Lào nói chung.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 80 - 81)