Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 68 - 71)

Luận án sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu chuyên gia. Bước nghiên cứu sơ bộ sẽ tiến hành phỏng vấn các chuyên gia có nghiên cứu, hiểu biết nhiều về những vấn đề liên quan.

- Mục đích: Nhằm kiểm tra độ phù hợp và điều chỉnh mô hình lý thuyết, đồng thời giúp khám phá, điều chỉnh và bổ sung các biến quan sát dùng để đo lường các khái niệm nghiên cứu, đảm bảo thang đo xây dựng phù hợp với lý thuyết.

- Phương pháp: Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện thông qua phương pháp định tính

- Tiến hành: Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua kỹ thuật phỏng vấn sâu, thu thập ý kiến trực tiếp của các chuyên gia, các cán bộ quản lý, lãnh đạo tỉnh về vấn đề quản lý điểm du lịch ở Lào nói chung và thủ đô Viêng Chăn nói riêng.

Phỏng vấn sâu là dạng phỏng vấn chỉ áp dụng trong những trường hợp nhà nghiên cứu ít nhiều đã xác định được sơ bộ vấn đề nghiên cứu và những thông tin cần thu thập cho đề tài. Mục tiêu của phỏng vấn sâu không phải để hiểu một cách đại diện, khái quát về tổng thể mà giúp hiểu sâu, hiểu kỹ về một vấn đề nhất định.Vì vậy, trong phỏng vấn sâu, người phỏng vấn hoàn toàn tự do trong cách dẫn dắt cuộc phỏng vấn cũng như trong cách xếp đặt trình tự các câu hỏi, thậm chí cả cách thức đặt các câu hỏi nhằm thu thập được thông tin mong muốn.

Công cụ điều tra là bảng hỏi bán cấu trúc. Trong đó, phần đầu tiên sẽ là một số câu hỏi mở để khai thác các thông tin chung. Phần tiếp theo đối tượng được phỏng vấn sẽ được hỏi những câu hỏi để xác định các yếu tố cụ thể tác động đến hiệu quả hoạt động điểm du lịch. Đối tượng phỏng vấn sẽ được trực tiếp góp ý và bổ sung một số yếu tố thậm chí là một số yếu tố khác vào thang đo lý thuyết đề xuất.

Trước khi tiến hành phỏng vấn, việc xác định được đối tượng phỏng vấn là vô cùng quan trọng. Họ phải là những trường hợp tiêu biểu, có tính đại diện và đảm bảo thông tin mà họ cung cấp hoàn toàn phục vụ được cho nghiên cứu của nhà nghiên cứu. Chính xác hơn, họ phải là những người liên quan nhiều đến mục tiêu nghiên cứu và đảm bảo thông tin thu được từ những khách thể này hoàn toàn có thể thỏa mãn cho những câu hỏi nghiên cứu mà nhà nghiên cứu đặt ra.

Trước khi phỏng vấn các đối tượng được gợi ý thăm dò khả năng tham gia, sau đó họ nhận được giấy mời chính thức kèm theo thư ngỏ cho biết tinh thần cơ bản của cuộc phỏng vấn. Các đối tượng tham gia không cần phải chuẩn bị trước điều gì mà chỉ cần trả lời hay thảo luận đúng những gì họ đang suy nghĩ tại cuộc phỏng vấn. Toàn bộ quá trình phỏng vấn được ghi chép thành văn bản cũng như ghi âm lại thông tin bởi tác giả. Mỗi cuộc phỏng vấn kèo dài trong vòng 1 đến 1,5 giờ. Các câu hỏi phỏng vấn xoay quanh các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý điểm du lịch; mức độ quan trọng của từng nhân tố ảnh hưởng; mức độ chắc chắn của dự định thể

hiện ở mức nào. Đồng thời, phỏng vấn các đối tượng nội dung thang đo sơ bộ có rõ ràng, dễ hiểu dễ hiểu không? Ý nghĩa của từng item là gì? Có thay đổi bổ sung nội dung nào không? Vì sao? Kết quả nghiên cứu định tính được sử dụng làm tiền đề cho việc điều chỉnh thang đo sơ bộ trong nghiên cứu định lượng sơ bộ, và làm đề cho nghiên cứu định lượng chính thức.

Quá trình phỏng vấn sâu được thực hiện dựa trên kỹ thuật DELPHI, tức kết quả phỏng vấn giữa các chuyên gia sẽ được kiểm chứng lẫn nhau. Nội dung phỏng vấn tập trung vào việc hiệu chỉnh thang đo nghiên cứu, từ đó hoàn thiện bảng hỏi nghiên cứu.

- Đối tượng phỏng vấn

Từ thực tế nghiên cứu và tìm hiểu về các đối tượng liên quan đến công tác quản lý điểm du lịch, luận án đã chọn được các đối tượng phỏng vấn như sau:

Nhóm 1: Cán bộ quản lý cấp cao (tại Sở Du Lịch, Phòng quản lý du lịch ở các Quận, Huyện)

Hiện tại, Sở Du lịch Viêng Chăn có 4 ban ngành chính, nghiên cứu tiến hành phỏng vấn sâu với 4 chuyên viên quản lý với chuyên môn cao đại diện cho 4 ban ngành này gồm: ngành tuyên truyền và phát triển du lịch, ngành hành chính tổ chức và tập huấn du lịch, ngành kế hoạch và hợp tác du lịch, ngành quản lý kinh doanh du lịch.

Nhóm 2: Cán bộ quản lý cấp thấp (tại Ban quản lý các điểm du lịch) và cán bộ của các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Lào nói chung và thủ đô Viêng Chăn nói riêng

Nghiên cứu chọn ra 6 điểm du lịch tiêu biểu nhất bao gồm cả điểm du lịch sinh thái và điểm du lịch văn hóa di tích lịch sử, sau đó tiến hành phỏng vấn sâu đối với đại diện ban quản lý tại điểm du lịch đó. Cụ thể các điểm du lịch và ban quản lý sẽ phỏng vấn:

(1) Rừng bảo tồn quốc gia Phu Khẩu Khoai

(2) Điểm du lịch Đen Xa Vẳn

(3) Điểm du lịch Văng Viêng

(4) That Luang

(6) Công viên tượng Phật Xiêng Khuan

Sau khi đã phỏng vấn sâu các đối tượng trên, nghiên cứu tiến hành tổng hợp thông tin có được và lọc lại các thông tin cần thiết so với các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý điểm du lịch thủ đô Viêng Chăn mà nghiên cứu đã đề xuất ban đầu, từ đó hình thành thang đo và bảng hỏi sơ bộ.

Nghiên cứu sẽ tiến hành phỏng vấn thử với các đối tượng điều tra là 30 cán bộ quản lý tại các điểm du lịch để đảm bảo họ hiểu được và hiểu đúng các khía cạnh được đưa ra trong từng nhân tố trong mô hình nghiên cứu, từ đó xác định rõ thang đo và bảng hỏi chính thức. Cụ thể, sau bước này, có thêm nhóm tiêu chí đánh giá được bổ sung vào mô hình nghiên cứu đề xuất, đó là: Nhóm tiêu chí liên quan đến xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch. Đây cũng là nhóm vấn đề quan trọng, có tác động quyết định đến hiệu quả công tác quản lý điểm du lịch, vì vậy việc bổ sung nhóm tiêu chí này có thể xem là phù hợp và có ý nghĩa.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 68 - 71)