Kinh nghiệm của một số tỉnh/thành của Thái Lan

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 52 - 54)

Thái Lan là một quốc gia có lợi thế về du lịch, có tài nguyên du lịch rất đa dạng từ Bắc đến Nam và có sẵn để chứa khách du lịch. Điểm đến du lịch của Thái Lan nhiều nơi có vẻ đẹp độc đáo và được Thế giới công nhận. Thái Lan nổi tiếng với cách làm du lịch chuyên nghiệp khiến du khách hào hứng trả tiền rất “tự nguyện” khi sử dụng dịch vụ. Nhiều khách đã đến Thái Lan một lần đều muốn trở lại lần thứ hai, thứ ba. Thái Lan có bộ máy quản lý nhà nước về du lịch trong Bộ Thể thao và Du lịch và các chính sách vĩ mô được thực hiện bởi cơ quan Bộ. Cơ cấu tổ chức của Bộ theo ngành dọc đến địa phương chỉ theo vùng, đại diện vùng đặc trách đối với nhiều tỉnh. Để trở thành “thiên đường du lịch” Thái Lan có công tác quản lý điểm đến du lịch như:

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch

Công tác xúc tiến quảng bá phát triển du lịch được thực hiện bởi Cơ quan du lịch Thái Lan (TAT). TAT hoạt động chuyên nghiệp gồm các đại diện vùng và các văn phòng đại diện ở nước ngoài. Trong tổ chức bộ máy, TAT có quy định rất rõ về nhân sự bao gồm số lượng và vị trí công tác của các đại diện tại trung ương và địa phương trong mỗi văn phòng đại diện. Công tác xúc tiến quảng bá đặc biệt tại các thị trường quốc tế được ngành Du lịch Thái Lan rất quan tâm và tổ chức khá đồng bộ từ việc mở văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm đến hoạt động thăm

dò ý kiến khách du lịch. Thông qua TAT, ngành Du lịch Thái Lan dành nguồn kinh phí khá lớn cho hoạt động xúc tiến thị trường, các văn phòng đại diện mỗi năm được cấp khoảng 0,5 triệu USD cho hoạt động xúc tiến, vì vậy việc triển khai xúc tiến quảng bá đến các thị trường được tiến hành khá đồng bộ. Ngoài ra để thúc đẩy hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia và thu hút khách du lịch, còn có sự kết hợp chặt chẽ của cơ quan du lịch Thái Lan với đại diện cơ quan ngoại giao và hãng hàng không quốc gia thông qua hoạt động quảng bá truyền thống dân tộc, sự kiện văn hóa, thể thao, đặc biệt tận dụng vai trò trung tâm trong khu vực ASEAN.

Dịch vụ cung cấp thông tin

Dịch vụ cung cấp thông tin cho khách rất tốt. Tại sân bay, các điểm du lịch đều có Trung tâm hỗ trợ thông tin cho khách, cung cấp nhiều loại ấn phẩm giới thiệu các sản phẩm du lịch cụ thể và đa dạng.

Xây dựng sản phẩm du lịch

Loại hình du lịch vui chơi giải trí và mua sắm được triển khai tốt với nhiều hình thức đa dạng nhằm khai thác tối đa khả năng chi tiêu của khách du lịch. Các khu du lịch trọng điểm đều có sản phẩm đặc trưng như tại Phuket là hoạt động đánh golf; trung tâm mua sắm, ẩm thực và Fantasy show; hoạt động thể thao mặt nước và lặn biển tại đảo Phi Phi. Tại Pattaya có Alcaza show; du lịch tắm biển, phơi nắng và nhảy dù tại đảo San Hô; các nhà hàng ăn uống đặc trưng của các quốc gia, các chương trình ca nhạc dân tộc...

Chất lượng đội ngũ lao động và công tác đào tạo nguồn nhân lực

Nét nổi bật của lực lượng lao động ngành Du lịch Thái Lan là tính chuyên nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ chu đáo và sự thể hiện quan tâm đến vấn đề này của các đơn vị sử dụng lao động. Cán bộ thuộc các cơ quan chuyên trách về du lịch sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) khá thành thạo. Tại cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch (Trường Cao đẳng Du lịch quốc tế) các kỹ năng nghề và ngoại ngữ rất được chú trọng (thời lượng học nghề và yêu cầu thực hành tại cơ sở tại chỗ của Nhà trường khá cao, tiếng Anh tối thiểu 550 điểm TOEFL) để đáp ứng ngay cho nhu cầu phát triển nhanh của ngành Du lịch. Ngoài ra, việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch đặc biệt được quan tâm.

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển du lịch

Để đáp ứng nhu cầu thu hút khách và đảm bảo vị trí trong thế phát triển cạnh tranh, Du lịch Thái Lan áp dụng khá nhanh chóng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong các lĩnh vực hoạt động du lịch từ quy hoạch thiết kế công trình du lịch, các công nghệ dịch vụ du lịch đến các dịch vụ hạ tầng giao thông, bưu chính viễn thông, ngân hàng… để tạo sự hài lòng cho khách du lịch. Đặc biệt là trong lĩnh vực vui chơi giải trí và mua sắm được các nhà đầu tư áp dụng triệt để nhằm tạo cảm giác cho du khách ‟bằng lòng trả tiền” của du khách.

Công tác bảo vệ môi trường du lịch

Thái Lan có quy định tiêu chuẩn chất lượng môi trường của các khu du lịch, bãi biển và cơ sở sở lưu trú. Các đơn vị chủ quản nếu vi phạm sẽ bị phạt hoặc thu hồi giấy phép. Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên nên chất lượng môi trường tại các khu du lịch khá trong sạch. Cộng đồng tại các khu du lịch có ý thức tự bảo vệ môi trường như tự thu dọn vệ sinh, tự cảnh báo cho khách du lịch vào khu vực dịch vụ mà theo họ là có hàng giả, không có hiện tượng đeo bám khách du lịch để chào bán hàng tại các khu du lịch lớn. Chính quyền tại các địa phương phát triển du lịch chú trọng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững như tại tỉnh Phuket có nhà máy chế biến rác. Phối hợp liên ngành để phát triển du lịch để đảm bảo du lịch phát triển đem lại lợi ích quốc gia, hoạt dộng phối hợp giữa các ngành với ngành Du lịch Thái Lan được triển khai khá tốt. Các Bộ, Ngành như môi trường, đầu tư, giáo dục, chính quyền địa phương đều tham gia vào hoạt động xây dựng thể chế, các quy định và cử đại diện vào các Uỷ ban liên ngành để cùng phối hợp quản lý, giám sát sự hoạt động và kịp thời có những điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Thái Lan phát triển.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 52 - 54)