Kinh nghiệm của một số tỉnh/thành của Việt Nam

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 50 - 52)

Kinh nghiệm về công tác quản lý Vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh [18]

Với sự quan tâm chỉ đạo của chính phủ, sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ban, ngành của Trung ương; sự phối hợp, hỗ trợ của UNESCO và các tổ chức quốc tế khác, tỉnh Quảng Ninh đã có những nỗ lực với nhiều giải pháp tích cực để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Vịnh Hạ Long, trong đó quyết định thành lập BQLVHL với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được xem là chiến lược hiệu quả đưa công tác quản lý di sản đi vào nề nếp, ổn định.

Sau khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thành lập BQLVHL làm cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, có chức năng giúp UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, mà trọng tâm là khu vực Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận, đồng thời, chịu sự quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan.

Đối với chức năng quản trị dịch vụ trên Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh mời các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực để quản trị các hoạt động dịch vụ này. Đơn vị quản trị phải có phương án quản trị đáp ứng được yêu cầu đổi mới, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có giá trị, nâng cao các hoạt động dịch vụ trên Vịnh Hạ Long đảm bảo tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững, hiệu quả và tôn vinh giá trị Di sản. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh nhất quán quan điểm, đây không phải là dự án, do vậy không có giao quản lý đất, mặt nước. Đề án nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long với nhượng quyền thu phí trong vòng 50 năm mà Tập đoàn Bitexco (Công ty TNHH và Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh) vừa

đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh chưa biết sẽ kết quả ra sao nhưng ít nhất Tập đoàn này đã khởi động cho một xu hướng cả về hợp tác công tư lẫn nhượng quyền thương hiệu. Ngay sau Betixco, một doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu, cũng có công văn đề nghị muốn tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long.

Kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An (tiếp giáp CHDCND Lào) [2]

Nghệ An cũng là tỉnh tiếp giáp với Lào như Sơn La. Về tài nguyên du lịch, Nghệ An có nguồn tài nguyên rất phong phú với hệ sinh thái rừng đa dạng, nhiều thảm thực vật, hệ động vật. Cấu tạo địa chất phức tạp với nhiều núi cao, vực sâu tạo cho Nghệ An có nhiều thác nước đẹp như ở Pù Mát, thác Sao Va, Ba Cảnh, Thác Đũa... Nghệ An cũng có nhiều suối nước nóng do vết nứt địa tầng kiến tạo nên. Tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử cũng rất phong phú, được thừa hưởng bề dày phát triển.

- Về chủ trương, chính sách phát triển du lịch:

Ngay từ năm 1996, Nghệ An đã xây dựng Quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển du lịch Nghệ An thời kỳ 1996-2010 và các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Cùng với quy hoạch tổng thể, các quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch trên địa bàn như Cửa Lò, Hồ Cửa Nam, Lâm viên Núi Quyết – Bến Thủy... cũng được công bố và đầu tư xây dựng.

- Về phát triển hạ tầng:

Kết cấu hạ tầng các khu du lịch trọng điểm được ưu tiên đầu tư, trong đó phải kể đến hạ tầng khu Cửa Lò với các trục giao thông chính, hệ thống điện, nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, viễn thông, quảng trường, khu vui chơi... Trên cơ sở quy hoạch rõ ràng và đầu tư hạ tầng đồng bộ, Cửa Lò đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh với số vốn khá lớn, góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt đô thị trong những năm gần đây. Tương tự như Cửa Lò, các trọng điểm du lịch khác cũng được đầu tư xây dựng bằng cả nguồn vốn ngân sách và vốn đầu tư ngoài ngân sách của các nhà đầu tư.

Nghệ An đã xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng khá chi tiết trên cơ sở các vùng trọng điểm du lịch đã được quy hoạch, trong đó có những hạng mục đầu tư từ ngân sách, có hạng mục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

- Về nguồn vốn đầu tư:

Nghệ An đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ ngân sách cũng được ưu tiên cho lĩnh vực du lịch. Hiện tại, các vùng trọng điểm như thành phố Vinh và phụ cận, khu Cửa lò, khu Nam Đàn, vườn sinh thái Pù Mát... đã thu hút được lượng vốn đầu tư khá lớn, từng bước thay đổi bộ mặt và chất lượng hạ tầng nhằm phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.

- Về đào tạo nguồn nhân lực:

Nhằm đáp ứng yêu cầu và tốc độ tăng trưởng nhanh du lịch Nghệ An trong những năm qua, ngành du lịch của tỉnh đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức khác nhau như đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, gửi đi đào tạo chính quy, mở các lớp bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, các chủ nhà hàng, khách sạn...

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) quản lý điểm du lịch tại thủ đô viêng chăn – nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 50 - 52)