NHCSXH trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện tiên phước, tỉnh quảng nam (Trang 41 - 44)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

1.3.1. NHCSXH trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam

a. Khái niệm NHCSXH

Ngân hàng chính sách là một loại hình ngân hàng có đầy đủ chức năng, vai trò của một tổ chức tài chính thông thường trong nền kinh tế, song ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Hiện nay, không có một định nghĩa đầy đủ nào về ngân hàng chính sách trên thế giới vì mỗi quốc gia đều có đặc điểm riêng biệt về nền kinh tế xã hội.

Dựa theo Quyết định số 131/QĐ-TTG và điều 17 Luật tổ chức tín dụng Việt Nam 2010 về thành lập NHCSXH định nghĩa: “Ngân hàng chính sách là

ngân hàng phục vụ người nghèo với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, không vì mục tiêu lợi nhuận”. Nền kinh tế thị trường tuy phát triển nhưng vẫn tồn tại những khu vực, những đối tượng khách hàng có sức cạnh tranh kém, không đủ điều kiện để tiếp cận với tín dụng của NHTM như ở khi vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu tư cao, rủi ro lớn, do đó mà các NHTM rất ít đầu tư vào khu vực này. Tuỳ điều kiện và quan điểm của mỗi quốc gia, chính phủ sẽ thiết lập các kênh tín dụng hoặc các ngân

hàng chuyên biệt để thực hiện chính sách cho vay nhóm đối tượng này.

Như vậy, các khoản tín dụng chính sách là các khoản tín dụng được chỉ định để hỗ trợ các chính sách kinh tế - xã hội của Chính phủ, là việc sử dụng

các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động, cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với các ưu đãi so với tín dụng thông thường, để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là việc cho vay phi thương mại đối với các hoạt động mà không đáp ứng được các tiêu chí thương mại nhưng lại có tác động xã hội và chính trị quan trọng trong từng thời kỳ của mỗi quốc gia. Các ngân hàng được thiết lập để thực hiện tín dụng chính sách được gọi là ngân hàng chính sách.

b. Sự ra đời của NHCSXH Việt Nam

Tiền thân của NHCSXH là Ngân hàng phục vụ người nghèo được thành lập năm 1995 và chính thức đi vào hoạt động năm 1996, được đặt trong Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (NHNo&PTNT Việt

Nam), hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo thiếu vốn sản xuất.

Tuy nhiên, việc hoạt động bên trong bộ máy của NHNo&PTNT Việt

Nam khiến việc hoạch định chính sách và điều hành theo chính sách của Ngân hàng Phục vụ người nghèo không được tách bạch và không tạo được cơ chế phát triển. Bên cạnh đó, ngoài Ngân hàng Phục vụ người nghèo cònnhiều cơ

quan Nhà nước, hội đoàn thể và NHTM Nhà nướccũng được giao nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác khiến cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán, chồng chéo, trùng lặp, thậm chí cản trở nhau. Việc hình thành các nguồn vốn cho vay chính sách nằm rải rác ở nhiều tổ chức tài chính với nhiều cơ chế quản lý khác nhau đã gây trở ngại cho quá trình kiểm soát của Nhà nước, không tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại.

Để triển khai Luật các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; các nghị quyết của

Đại hội Đảng IX, nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X về việc sớm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại; đồng thời thực hiện cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) về việc thành lập Ngân hàng Chính sách; ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân

hàng chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tách khỏi NHNo&PTNT Việt Nam.

c. Đặc thù của NHCSXH

Về mô hình tổ chức, NHCSXH là một loại hình ngân hàng đăc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên mô hình tổ chức của nó cũng có những đặc điểm riêng biệt. Đây là loại hình ngân hàng thuộc sở hữu của Nhà nước, sử dụng một phần nguồn tài chính của Nhà nước tham gia hỗ trợ cho các ngành, các khu vực. Vì vậy, mô hình tổ chức quản lý của Ngân hàng phải có sự hiện diện của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tham gia quản trị ngân hàng, hoạch định các chính sách tạo lập vốn, chính sách đầu tư đối với các khu vực, các đối tượng trong từng thời kỳ cho NHCSXH.

Về đối tượng phục vụ của NHCSXH, là những khách hàng do Chính phủ chỉ định theo chính sách của từng thời kỳ. Họ là những khách hàng không có điều kiện tiếp cận với các tổ chức tín dụng thông thường, không đủ điều kiện vay vốn của NHTM. Họ có thể là: hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ ở các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác. Họ cần có sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và cộng đồng để vươn lên tự cải thiện điều kiện sống của chính họ.

Về mục tiêu hoạt động của NHCSXH, ngân hàng hoạt động để hỗ trợ tài chính cho các đối tượng không có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng

thông thường của NHTM, do đó, điều dĩ nhiên là khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng là rất thấp. Chính vì lẽ đó, NHCSXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà mục tiêu chính là xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoản cách giàu nghèo trong xã hội.

Về nguồn vốn, trong khi các NHTM phải đi huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để cho vay đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế thì nguồn vốn của NHCSXH lại được tạo lập chủ yếu từ ngân sách Nhà nước theo các hình thức như: Cấp vốn điều lệ và hằng năm từ ngân sách Trung ương, địa phương để thực hiện các chương trình tín dụng cho các đối tượng chính sách; Nguồn vốn ODA dành cho chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ; Nguồn vốn của Chính phủ huy động dưới hình thức phát hành trái phiếu, công trái hoặc từ Quỹ tiết kiệm bưu điện của chính phủ để chỉ định thực hiện chương trình tín dụng chính sách. Do đặc điểm cơ cấu nguồn vốn phụ thuộc vào Ngân sách Nhà nước nên khối lượng nguồn vốn của NHCSXH tăng trưởng xác định theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện tiên phước, tỉnh quảng nam (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)