- Đinh nội tuỷ: Được sử dụng nhiều nhất để điều trị KG xương dài, nhất là xương chày. Ưu điểm của đinh nội tuỷ, đặc biệt loại có chốt ngang, là cố định vững, chống xoay trục, người bệnh có thể tập vận động tỳ nén sớm [80], [116]. Đinh nội tuỷ là lựa chọn tốt cho các KG ở thân xương [23],[123]. Tỷ lệ liền xương đạt được từ 88-97% với thời gian trung bình 5-9 tháng [35],[39], [107],
[121]. Tỷ lệ nhiễm trùng khá cao (11-12%) với những trường hợp KG có tiền sử nhiễm khuẩn [39],[107],[121]. Do vậy, các tác giả thường sử dụng đinh nội tuỷ với KG vô khuẩn, không viêm rò, phần mềm tốt, áp dụng tốt nhất với khớp giả ở thân xương dài.
- Nẹp vít: Điều trị KG xương dài bằng nẹp vít nén ép được nhiều tác giả báo cáo, tỷ lệ liền xương 92-94% với thời gian trung bình 3,5-7 tháng [135],[140]. Trong điều kiện kỹ thuật hoàn hảo, ưu điểm của kết xương nẹp vít là cho phép nắn chỉnh ổ gãy đúng giải phẫu, đặc biệt trong những trường hợp KG lệch trục; cố định vững chắc các đầu gãy, tập vận động sớm các khớp lân cận và tránh hậu quả xấu do gãy xương [6]. Tuy nhiên, tỷ lệ gãy nẹp cao (8%) [135]. Ngoài ra, khi kết xương bằng nẹp vít phải bộc lộ rộng làm ảnh hưởng đến nguồn nuôi dưỡng tại ổ gãy, nguy cơ nhiễm khuẩn cao (5,6-6%) và đặc biệt rất cao đối với KG có tiền sử nhiễm khuẩn nên chủ yếu áp dụng trong những trường hợp KG không viêm rò, không có sẹo xấu dính xương [135],[140]. Áp dụng tốt với các KG ở đầu xương, nhất là nẹp vít khóa.
- Cố định ngoài: Áp dụng nhiều trong các khớp giả nhiễm khuẩn hoặc có tiền sử nhiễm khuẩn với nguy cơ nhiễm khuẩn tái phát, cho phép cố định cách xa vị trí tổn thương, thuận lợi cho chăm sóc vết thương, vận động sớm khớp lân cận [43]. Từ những năm 1950, Ilizarov đã ứng dụng khung cố định bên ngoài vừa có tác dụng căng dãn vừa có tác dụng nén ép giúp cố định vững chắc và có thể chỉnh được di lệch đầu xương [trích theo 88]. Phương pháp này rất hiệu quả với những trường hợp KG mất đoạn xương lớn, phần mềm xấu hoặc sau gãy hở nhiễm khuẩn, đặc biệt với KG mất đoạn xương nhiễm khuẩn; phương pháp kết xương hai ổ bằng khung cố định ngoài có thể giải quyết cùng lúc 3 tổn thương: làm ổn định tình trạng nhiễm khuẩn, viêm xương, làm liền xương và phục hồi độ dài của chi [63],[105]. Nhược điểm chính của khung cố định ngoài là nhiễm trùng chân đinh, cồng kềnh hạn chế sinh hoạt và lao động [62].