1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước đối với tái cơ cấu
1.3.1. Các yếu tố khách quan
- Điều kiện tự nhiên:
Các nguồn lực tự nhiên như nguồn nước, khí hậu,…có ảnh hưởng mạnh đến hướng phát triển của ngành nông nghiệp ở từng vùng, tiểu vùng địa lý. Điều kiện tự nhiên khác nhau giữa các vùng, tiểu vùng đã tạo ra lợi thế so sánh và sức cạnh tranh riêng của ngành nông nghiệp của từng vùng, tiểu vùng và là căn cứ quan trọng để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế vùng về ngành nông nghiệp.
Việt Nam là quốc gia có đa dạng cao về điều kiện tự nhiên giữa các vùng, vì vậy đã tạo ra tính đa dạng của các loại nông sản. 7 vùng kinh tế sinh thái từ Bắc xuống Nam là: Trung du miền Núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu rất khác nhau nên đã tạo ra các lợi thế và bất lợi thế ở từng vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành nhân tố tự nhiên, ảnh hưởng mạnh đến định hướng phát triển và cơ cấu sản phẩm của từng vùng, tạo nên tính đa dạng về sản phẩm và sự khác biệt về cơ cấu ngành nông nghiệp theo vùng sinh thái.
Dưới tác động của nhu cầu thị trường trong và ngoài nước về hàng hóa nông sản trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam định ra được lợi thế riêng cho từng vùng và đã phát triển các sản phẩm cụ thể ở từng vùng, tạo nên cơ cấu sản phẩm của từng vùng phù hợp với thị trường, khai thác có hiệu quả đất đai, nguồn nước và các nguồn lực khác ở từng vùng sinh thái nông nghiệp.
Tuy nhiên, phải thấy rằng nhân tố nguồn lực tự nhiên không tự tạo ra ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến phát triển nông nghiệp và tạo dựng cơ
cấu ngành nông nghiệp ở từng vùng, mà chính con người thông qua nhận thức của mình về những điểm mạnh, điểm yếu của nguồn lực tự nhiên ở từng vùng mà quyết định phát triển hướng ngành nông nghiệp cho phù hợp. Như vậy, nhận thức đúng của con người về nguồn lực tự nhiên và quyết định phát triển nông nghiệp theo hướng nào cho phù hợp chính là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nông nghiệp.
Để nhận thức đúng về nguồn lực tự nhiên, ngày nay Việt Nam vẫn tiếp tục phải nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá để đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp hợp lý nhất so với nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra.
- Điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội;
Có thể thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta dần thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Trình độ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng lên; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng; tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến, góp phần tạo nên xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, hướng về xuất khẩu. Nền nông nghiệp nước ta vượt qua nhiều khó khăn để đạt mức tăng trưởng khá nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp có chuyển dịch theo hướng tích cực. Cả giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 5 năm đạt 140,6 tỷ USD, bình quân tăng 9%/năm. So với năm 2010, tổng kim ngạch đã tăng từ 19,5 tỷ USD lên 30,38 tỷ USD năm 2014 và 30,14 tỷ USD năm 2015 (tăng 54,6%). Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018 (3,76%), đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; xuất khẩu đạt kỷ lục là 40 tỷ USD,
khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới). Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới được người dân trên cả nước tích cực tham gia hưởng ứng, đóng góp nhiều trí tuệ, công sức vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công, hiến nhiều diện tích đất để làm mới, sửa chữa và nâng cấp đường giao thông liên thôn, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường, trạm, thủy nông nội đồng…; chỉnh trang, xây mới nhà cửa... Nhiều thôn, làng trên toàn quốc đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm bơm và nhà văn hóa... tạo nên một diện mạo mới cho các làng quê. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, có thể thấy những thành tựu đạt được của nông nghiệp, nông thôn nước ta thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp.
Hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra những cơ hội cho nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Các thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... của các ngành, lĩnh vực nói chung và với ngành nông nghiệp nói riêng, khiến cho tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất chuyển dịch dần sang những nước phát triển, nhiều lao động có
kỹ năng và chuyên môn cao. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn kinh tế số với sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào truyền thống. Đây là một thách thức rất lớn với Việt Nam khi trình độ khoa học - công nghệ nước ta nhìn chung chưa cao, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu không có giải pháp tổng thể nâng cao kỹ năng của người lao động, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và thất nghiệp, nhất là ở khu vực nông thôn khi trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Bên cạnh vấn đề bảo tồn hệ sinh thái và môi trường, sự bất bình đẳng, tệ nạn xã hội trong cả nước nói chung và nông thôn nói riêng sẽ là vấn đề xã hội lớn mà nước ta phải đối mặt trong quá trình hội nhập.
Đối với ngành nông nghiệp nước ta, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những cơ hội và thách thức mới, cơ chế sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết ngày càng bộc lộ nhiều bất cập; tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra; một số sản phẩm nông nghiệp tăng về sản lượng nhưng lại không tăng giá trị (thậm chí giảm đi), đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của người nông dân. Làn sóng đổi mới công nghệ song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp nước ta, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thiếu tầm nhìn dài hạn, nguồn lực tài chính, thông tin và nguồn nhân lực kỹ năng cao để có thể tiến hành đổi mới công nghệ; buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới sáng tạo để thích ứng với các thay đổi liên tục của thị trường. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (được phê duyệt
tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ) đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra hiện nay đối với ngành nông nghiệp nước ta. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện cơ cấu, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với thực tiễn, mở ra hướng phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, đưa ngành nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện, hiện đại; nông sản có năng lực cạnh tranh cao, quy mô hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.
- Nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp:
Nguồn nhân lực là nhân tố tác động đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên hai khía cạnh, đó là số lượng và chất lượng lao động. Cả hai khía cạnh này đều ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến phát triển và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nếu lao động nông nghiệp có số lượng thích hợp, có chất lượng cao thì sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngược lại nếu lao động thiếu hoặc đủ về số lượng so với yêu cầu sản xuất, nhưng yếu kém về chất lượng thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển và cơ cấu lại nông nghiệp, đồng thời khó đạt năng suất và hiệu quả lao động cao.
Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang thiếu hụt rất lớn cả về số lượng và chất lượng, nhất là lao động trẻ. Thực tế cho thấy, lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính; Việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa nhiều. Ngoài ra, năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp đạt thấp, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” rất phổ biến ở nhiều vùng. Đa số lao động chưa có thái độ cầu thị trong công việc, hời hợt… dẫn đến năng suất sản xuất thấp, không đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
- Trình độ khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp:
Khoa học và công nghệ có vai trò to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng.
Đầu tiên, khoa học công nghệ góp phần gia tăng năng suất lao động của nền kinh tế.
Một nền kinh tế với trình độ khoa học công nghệ thấp kém thì sẽ mất rất nhiều năm để bắt kịp với các nền kinh tế khác nếu không chịu khó thay đổi. Khoa học công nghệ giúp con người khai thác các nguồn lực tự nhiên hiệu quả hơn. Trình độ khoa học công nghệ sẽ đi đôi với năng lực sản xuất của nền kinh tế. Khoa học công nghệ còn mở ra cánh cửa phát triển kinh tế theo đồng thời cả chiều rộng và chiều sâu. Khoa học và công nghệ chính là chìa khóa để phát triển nông nghiệp nói chung và cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói riêng.
Tiếp theo, sự phát triển của khoa học công nghệ giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thường trong một nền kinh tế lạc hậu, trồng trọt sẽ chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, các nền nông nghiệp phát triển và xu thế trên thế giới, chăn nuôi và dịch vụ mới là những thành phần chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tích cực, khoa học công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Giúp tỷ trọng trong GDP của các ngành chăn nuôi và dịch vụ tăng dần, gián tiếp đẩy tỷ trọng của ngành trồng trọt giảm xuống.
Điển hình là xu thế phát triển kinh tế gần đây của các hộ gia đình ở các tỉnh, huyện miền núi. Rất nhiều nông dân đã tiếp cận được với máy móc công nghệ hiện đại. Họ chuyển từ những nghề nông truyền thống quanh năm chân lấm tay bùn sang mở các xưởng sản xuất quy mô nhỏ, giúp họ nhanh chóng có được thu nhập cao, ổn định. Tất cả những điều này đạt được đều nhờ vào
sự phát triển của khoa học, công nghệ khi các máy móc, dây chuyền tự động hiện đại đều rất dễ vận hành, không yêu cầu chuyên môn.
Thứ ba, khoa học công nghệ phát triển góp phần gia tăng sức cạnh tranh hàng hóa, đẩy mạnh kinh tế thị trường.
Đặc biệt trong kinh tế hàng hóa, khi mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp luôn là tối đa hóa lợi nhuận. Để đạt được điều này, họ phải tiếp cận từ nhiều hướng, trong đó có giảm chi phí sản xuất hay cải tiến hình thức mẫu mã sản phẩm. Tất cả những điều này được thực hiện đều dựa trên việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất vào quy trình sản xuất.
Việc áp dụng này không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa mà còn liên tục tạo ra những sản phẩm mới, quy mô của doanh nghiệp theo đó được mở rộng, sự cạnh tranh lại tiếp tục được gia tăng.
Cuối cùng, phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng nông nghiệp như: chính sách, thể chế chính trị, nguồn lực tự nhiên, đất đai, nguồn vốn, đặc điểm lực lượng lao động, các yếu tố về văn hóa, tôn giáo, dân tộc,…Trong đó, khoa học và công nghệ là yếu tố hàng đầu, nó quyết định sự thay đổi của năng suất lao động và chất lượng sản phẩm dịch vụ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những phát minh mới được ứng dụng vào sản xuất đã và đang giúp giảm bớt lao động tay chân. Đặc biệt là những công việc nguy hiểm, độc hại. Khoa học công nghệ phát triển còn góp phần tạo nên những phương thức sản xuất mới.
- Thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế:
Thị trường là yếu tố quyết định sự sống còn đối với mọi ngành kinh tế, sản xuất nông nghiệp có phát triển hay không, cơ cấu lại nông nghiệp có thành công hay không là do thị trường quyết định.
Trong nền kinh tế hàng hoá, mục đích của các nhà sản xuất hàng hoá là sản xuất hàng hóa ra để bán, để thoả mãn nhu cầu của người khác. Vì thế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thể tồn tại một cách đơn lẻ mà mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải gắn với thị trường. Quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra không ngừng theo chu kỳ mua nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị… trên thị trường đầu vào, tiến hành sản xuất ra sản phẩm, sau đó bán chúng trên thị trường đầu ra.
Sản xuất chịu sự chi phối của thị trường hay nói cách khác thị trường đã tác động và có ảnh hưởng quyết định tới mọi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Thị trường càng mở rộng và phát triển thì lượng hàng hoá tiêu thụ được càng nhiều, khả năng phát triển sản xuất càng cao và ngược lại. Bởi thế còn thị trường thì còn sản xuất kinh doanh, mất thị trường thì sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Trong nền kinh tế thị trường, có thể khẳng định rằng thị trường có vai trò quyết định tới sự tồn tại và phát triển của sản xuất.