1.4. Kinh nghiệ mở một số địa phương về Quản lý Nhà nước về tái cơ cấu
1.4.1. Kinh nghiệ mở tỉnh Bình Định:
Bình Định là tỉnh giáp ranh và nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, có các điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội tương đồng với tỉnh Quảng Ngãi.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bình Định gặp phải những hạn chế và nguyên nhân sau:
* Hạn chế:
- Sản xuất nhỏ vẫn còn phổ biến, loại hình sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún chiếm tỷ trọng lớn (có 46 doanh nghiệp, 153 HTXNN, 159.909 hộ sản xuất nông nghiệp); HTX nông nghiệp chưa thực sự thích nghi với cơ chế, tình hình mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao; Số lượng các doanh nghiệp trong nông nghiệp chưa nhiều và phần lớn có quy mô nhỏ;
- Kết cấu hạ tầng nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;
- Lao động khu vực nông thôn còn chiếm tỷ lệ cao nhưng trình độ chuyên môn, tay nghề thấp nên khó sắp xếp và tìm kiếm được việc làm; năng suất lao động và hiệu quả sản xuất không cao, đời sống đồng bào miền núi, vùng cao còn khó khăn, thiếu thốn.
* Nguyên nhân:
- Do ruộng đất manh mún, số thửa đất nhiều, bình quân mỗi thửa đất khoảng 811m2 đối với đất trồng cây hàng năm và 764 m2 đối với đất lúa nên việc ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất gặp khó khăn;
- Kinh tế hộ có quy mô sản xuất nhỏ bé, thiếu tính hợp tác và liên kết trong sản xuất của kinh tế hộ;
- Khí hậu diễn biến thất thường và không theo quy luật, hàng năm tỉnh phải hứng chịu liên tục nhiều cơn bão và lũ lụt gây ra, nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nặng nề.
Trên cơ sở phân tích các hạn chế và nguyên nhân, Bình Định đã đề ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm tới như sau:
* Giải pháp trong ngắn hạn:
- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, nguồn nước tưới bấp bênh; thực hiện chuyển đổi từ đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ/năm có hiệu quả. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, dự báo và thực hiện tốt biện pháp phòng chống sâu bệnh.
- Nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với các doanh nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì chuỗi liên kết bền vững, tập trung triển khai thực hiện chính sách cánh đồng lớn theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP và chính sách của tỉnh đã được phê duyệt.
- Triển khai phát triển chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả, kịp thời gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Tập trung cải tạo giống theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
- Giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất và nước từ chất thải chăn nuôi, tăng cường quản lý vùng nuôi an toàn về môi trường, dịch bệnh; tăng cường an toàn thực phẩm nông sản từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế và chế biến.
* Giải pháp dài hạn:
- Triển khai quyết liệt thực hiện các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi giai đoạn 2018 - 2020.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào các khu quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
- Tiếp tục xúc tiến đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật tập trung kết hợp đầu tư các nhà máy, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm chăn nuôi trên phạm vi cả tỉnh theo quy hoạch đã phê duyệt để đẩy mạnh đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
- Xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các Nhà máy chế biến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các Doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, chế biến để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.