Ở khu phố cổ Hội An, việc xã hội hóa công tác bảo tồn di tích được quan tâm, nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp này, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Quá trình này, chính quyền sở tại đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý và động viên các nguồn lực trong xã hội chủ động tham gia vào công tác bảo tồn di tích. Nhà nước tổ chức bộ máy quản lý và xem xét các dự án đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn. Người dân của khu phố cổ này ngày càng có ý thức để giữ gìn và phát huy bản sắc riêng có ở địa phương. Mọi người có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia dịch vụ văn hóa, dịch vu du lịch. Do xác định quyền lợi của mình gắn với sự tồn tại của khu du lịch nên đa số người dân đã chấp hành những quy định của các cấp chính quyền trong việc tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, làm dịch vụ, bảo vệ và sửa chữa nhà cửa, di tích, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy không chỉ người dân trong nước mà khách du lịch nước ngoài đến Hội An ngày càng đông. Bây giờ Hội An đã trở nên sầm uất, nhộn nhịp với sự đa dạng
các loại hình dịch vụ văn hóa, không lúc nào vắng bóng khách đến tham quan, thực sự là điểm du lịch nổi tiếng của đất nước.
1.5.4.Bài học kinh nghiệm cho huyện Hoài Đức
Từ kinh nghiệm hoàn thiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa ở các địa phương nêu trên, có thể rút ra bài học cho Huyện Hoài Đức như sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục đến từng người tham gia kinh doanh, dịch vụ văn hóa, để tự mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm của mình trước đất nước và nhân dân. Từ đó mà có hành vi hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa tuân thủ theo pháp luật; đặc biệt tăng cường công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên.
Thứ hai, nghiên cứu, rà soát để không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội, các hoạt động gieo rắc văn hóa phẩm độc hại, đặc biệt ở các vũ trường, karaoke, cà phê, ca nhạc cũng như các hoạt động ca nhạc thiếu lành mạnh khác.
Quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch cho từng loại hình dịch vụ. Xây dựng các văn bản pháp quy để điều chỉnh, quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động này, đồng thời tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc thù của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân.
Thứ ba, phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, của mọi lực lượng vào hoạt động tổ chức, phát triển và quản lý văn hóa. Thu hút toàn xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hóa. Quá trình này sẽ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển, văn hóa của nhân dân, giữ gìn phát triển sáng tạo nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời có sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng để phát triển và tăng cường quản lý hoạt động văn hóa.
Thứ tư, thu hút các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong toàn xã hội. Tranh thủ sự quan tâm của thành phố, của Trung ương để có nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, trong đó có dịch vụ văn hóa.
Thứ năm, nâng cao nhận thức hoạt động dịch vụ văn hóa, tiến hành tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cơ sở thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ khuyến khích thỏa đáng. Nhà nước cần sớm có quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, từ đó có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng hợp lý đội ngũ cán bộ này nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên để giáo dục và xử lý những hành vi hoạt động văn hóa vi phạm pháp luật. Kiên quyết xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ quản lý văn hóa vi phạm pháp luật và các quy chế về quản lý văn hóa.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Quản lý kinh doanh DVVH trên địa bàn huyện Hoài Đức nói riêng và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung có vai trò quan trọng trong việc thực hiện đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Công tác quản lý kinh doanh DVVH cơ sở thực chất là quá trình tác động, điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước thông qua pháp luật trên tất cả các hoạt động kinh doanh DVVH trong đời sống xã hội, đòi hỏi những nội dung, phương pháp, chính sách đồng bộ, ứng dụng linh hoạt vào từng điều kiện cụ thể thực tế của các hoạt động dịch vụ văn hóa đang diễn ra trên địa bàn.
Quản lý kinh doanh DVVH trên địa bàn huyện có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trong xu thế hội nhập sâu toàn cầu, sự xâm nhập của văn hóa độc hại, sự lai căng văn hóa, lối sống văn hóa của nhân dân. Kinh doanh DVVH trên địa bàn huyện Hoài Đức diễn ra hết sức đa dạng và phức tạp trong đời sống xã hội, cần phải có sự tăng cường công tác quản lý về dịch vụ văn hóa của cả hệ thống chính trị trong việc vận hành thể chế cũng như các thiết chế văn hóa, nhằm nâng cao hiệu lực, chất lượng quản lý kinh doanh dịch vụ văn hóa tại huyện.
Kết quả nghiên cứu về phương diện lý luận ở Chương 1 là tiền đề có ý nghĩa để khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý các hoạt động kinh doanh DVVH trên địa bàn huyện Hoài Đức trong thời gian qua, làm sơ sở cho việc xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng của công tác quản lý kinh doanh dịch vụ văn hóa của huyện trong thời gian tới.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DỊCH VỤ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HOÀI ĐỨC, THÀNH PHỐ HÀ NỘI