1.3.1.1. Chủ trương, chính sách của Nhà nước
Đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý của các cơ sở giáo dục THCS. Quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp nói chung và các trường THCS nói riêng là một bộ phận của chính sách tài chính Quốc gia, đó là căn cứ để các đơn vị sự nghiệp xây dựng cơ chế quản lý tài chính riêng. Khác với điều kiện nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, trong điều kiện kinh tế thị trường, quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục là quản lý vĩ mô. Sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của nhà trường là sự can thiệp gián tiếp. Điều này thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước bao gồm như:
Nhà nước xây dựng định hướng phát triển giáo dục thông qua xây dựng hệ thống mục tiêu, bước đi và giải pháp định hướng cho các cơ sở giáo dục.
Nhà nước đại diện là Chính phủ xây dựng hệ thống các văn bản dưới luật cho các trường biết mình được làm gì và không được làm gì trong lĩnh
vực giáo dục. Các cơ sở giáo dục được tự chủ về tài chính nhưng phải nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Nhà nước giao cho các trường quyền chủ động trong vấn đề tài chính nhưng bên cạnh đó vẫn có các văn bản dưới Luật hướng dẫn, quy định thực hiện.
Nhà nước xây dựng hệ thống chính sách và công cụ như chính sách phân bổ NSNN, đầu tư cho giáo dục, tiền lương, thu nhập, chi tiêu. Đây là vấn đề có ý nghĩa nguyên tắc về vai trò Nhà nước trong quá trình quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục. Điều quan trọng là hệ thống chính sách này phải phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh và tăng cường sự chủ động cho cơ sở giáo dục.
Nhà nước trực tiếp là Bộ Giáo dục Đào tạo là cơ quan chỉ đạo, tổ chức cho các cơ sở giáo dục thực hiện, điều tiết, kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Cùng với việc giao quyền tự chủ thì việc tăng cường phát huy dân chủ ở các cơ sở là vô cùng quan trọng để người lao động, giáo viên, cán bộ công nhân viên thực sự tham gia quản lý công việc của nhà trường. Không thể chấp nhận tình trạng giao tự chủ thì Hiệu trưởng được toàn quyền quyết định mà không có cơ chế giám sát việc thực thi quyền lực của Hiệu trưởng. Do đó, Nhà nước đã xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm thông qua một "khung" pháp lý cụ thể, theo đó, các cơ sở giáo dục được quyền tự quyết định mọi vấn đề nhưng nếu vượt quá sẽ vi phạm pháp luật.
1.3.1.2. Quy mô của các trường trung học cơ sở
Quy mô mỗi trường THCS cũng ảnh hưởng đến quản lý tài chính như việc xác định phương thức huy động nguồn tài chính hoặc việc phân phối các quỹ. Trường có quy mô lớn, nguồn vốn lớn, sẽ có nguồn tài chính dồi dào, dễ dàng trong công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy, thu hút được đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Ngược lại, đối với trường có quy mô nhỏ, nguồn tài chính ít, khó có thể trang bị những trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực ít, … khó nâng cao chất lượng giảng dạy.
1.3.2.Các nhân tố chủ quan
1.3.2.1. Chiến lược phát triển các trường trung học cơ sở trên địa bàn
Chiến lược phát triển các trường THCS của Phòng Giáo dục và Đào tạo tác động rất lớn đến phương thức quản lý tài chính thời điểm hiện tại, chi phối đến việc quản lý chi và thực hiện các khoản thu. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần vạch rõ chiến lược phát triển trung hạn, dài hạn để đưa ra quy trình quản lý tài chính đạt hiệu quả cao hơn.
1.3.2.2. Nhận thức của cán bộ quản lý tài chính các trường trung học cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính và Kho bạc
Để thực hiện các hoạt động quản lý tài chính hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý tài chính các trường, cơ quan quản lý cấp, Kho bạc phải nhận thức sâu sắc những hiệu quả mà các cơ sở giáo dục sẽ đạt được khi thực hiện các hoạt động quản lý tài chính. Cụ thể như:
Chủ động xây dựng được mục tiêu kế hoạch và chiến lược phát triển dài hạn, cải cách thủ tục tài chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Công tác tuyên truyền, triển khai áp dụng tốt tạo sự chuyển biến trong nhận thức. Tích cực thu hút các nguồn lực của xã hội đồng thời sử dụng hiệu quả hơn kinh phí của Nhà nước đầu tư cho hoạt động đào tạo tại các cơ sở.
Công tác phối hợp trong công tác quản lý tài chính giữa các trường THCS, cơ quan quản lý cấp trên và Kho bạc đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh từng thời điểm cụ thể của các trường.
1.3.2.3. Trình độ tổ chức, năng lực của cán bộ quản lý nhà trường trong việc huy động và sử dụng nguồn tài chính
Với cơ chế hiện nay thì phạm vi, năng lực và trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng ( gọi chung là cán bộ quản lý) có nhiều thay đổi so với cơ chế trước đây. Quá trình thay đổi này về bản chất là chuyển đổi từ quản lý tác nghiệp và giám sát thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao, sang chủ động phát triển nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo. Quản lý trong điều kiện
hiện nay bao hàm gồm phạm vi quản lý, các năng lực cần thiết đối với người quản lý và trách nhiệm của người quản lý. Khi được giao quyền về quản lý tài chính không có nghĩa là trường sẽ làm mọi việc để tăng nguồn thu hoặc tự quyết định mức thu học phí hoặc tự quyết định chi tiêu mà không cần báo cáo, không có sự giám sát của Nhà nước (trực tiếp là đơn vị có thẩm quyền duyệt dự toán ngân sách). Giao cho các trường nhận khoán thu và mức kinh phí ổn định trong năm của những nội dung chi nhằm giúp các trường chủ động khai thác nguồn thu và quyết định các khoản chi. Vì vậy, trình độ tổ chức quản lý của nhà trường phải đảm bảo được các điều kiện sau:
- Các cơ sở giáo dục phải hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo được giao với chất lượng không được thấp hơn trước khi thực hiện khoán.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án tài chính, phương án thực hiện cơ chế khoán chi, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ.
- Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo quyền lợi của cán bộ giáo viên và người lao động trong trường theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo sử dụng kinh phí tiết kiệm và phương án phân chia bổ sung thu nhập cho cán bộ đảm bảo theo số lượng và chất lượng lao động, bình đẳng, công khai, minh bạch và dân chủ. Nội dung quy chế phải bao gồm các quy định về mục đích sử dụng kinh phí tiết kiệm được và tỷ lệ cụ thể đối với từng mục đích, phương án phân phối thu nhập, quy định về việc thực hiện các khoản chi có tiêu chuẩn định mức.
Để thực hiện tốt các hoạt động trên, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có đội ngũ lãnh đạo có các năng lực thực tiễn như: Năng lực lập kế hoạch, năng lực kết nối và huy động nguồn lực, năng lực quản lý tài chính và một số các kỹ năng như: kỹ năng quản lý sự thay đổi, kỹ năng đàm phán và thương lượng, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý rủi ro, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy chiến lược, kỹ năng lãnh đạo và khuyến khích nhân viên, kỹ năng giám sát đánh giá.
1.3.2.4. Khả năng khai thác các khoản thu và quản lý các khoản chi đáp ứng yêu cầu quản lý đặt ra.
Nguồn thu của NSNN cho sự nghiệp giáo dục thì các trường THCS còn có các nguồn thu khác ngoài ngân sách như các khoản thu về hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, tiền trông xe, tiền bảo hiểm y tế, tiền dạy thêm học thêm,… và các nguồn thu khác có khả năng thu để hình thành quỹ cho các trường trung học cơ sở.
Khi bàn đến các khoản thu ngoài ngân sách cần phải xác định đúng đắn nguồn thu; xây dựng được chế độ động viên thích hợp, tránh bỏ sót nguồn thu cũng như hạn chế được tác động tiêu cực của ngoài ngân sách đối với học sinh.
Nguồn thu ngoài NSNN là một đại lượng không ổn định, luôn chịu ảnh hưởng của số lượng học sinh, quỹ đóng góp của học sinh, các nguồn huy động từ xã hội hóa, đóng góp của các tổ chức,… cho nhà trường.
Khi các trường thực hiện các khoản thu của học sinh thì phải bám sát vào các quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục Đào tạo để các nguồn thu được thực hiện đúng quy định và sát với thực tế của từng khối học, từng trường tránh tình trạng lạm thu đối với học sinh khi vào đầu năm học và có nhiều khoản thu bất hợp lý.
Với chi tiêu của các trường THCS, kinh phí của nhà trường được chi cho các sự nghiệp quan trọng của các trường như trả lương cho cán bộ công nhân viên chức; chi cho sự nghiệp giáo dục- đào tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ công tác dạy và học,… Về hình thức là chi tiêu cho sự nghiệp giáo dục. Tại các trường trung học cơ sở, chi tại đây là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính đã được tập trung vào ngân sách của trường và đưa chúng đến mục đích sử dụng. Vì vậy chi tại các trường trung học cơ sở không phải chỉ là định hướng chung chung, mà phải được tính toán phân bổ theo từng chỉ tiêu, mục tiêu, từng hoạt động đảm bảo
thực hiện được các vấn đề lớn, vấn đề mang tính trọng tâm thuộc mục tiêu chương trình của từng trường.
Việc hoạch định bố trí, xây dựng cơ cấu các khoản chi của nhà trường phải phù hợp với bối cảnh lịch sử và mục tiêu phát triển của nhà trường.
Quản lý các khoản chi là hướng tới mục tiêu đảm bảo yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả, từ đó quản lý chặt chẽ từ các đối tượng sử dụng ngân sách của trường, đối tượng thụ hưởng, quản lý có hiệu quả các khâu xây dựng dự toán, xây dựng tiêu chuẩn, định mức, chấp hành và quyết toán nguồn ngân sách, thường xuyên phân tích đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đổi mới cơ cấu chi, các biện pháp quản lý chi. Gắn mục tiêu quản lý các khoản chi với nội dung quản lý các mục tiêu của nhà trường (chi cho con người, chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi mục đích phát triển,…).
Tiểu kết chương 1
Trong phạm vi của Chương 1, luận văn đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến các trường THCS và công tác quản lý tài chính trong nhà trường. Chương 1 đã làm rõ được khái niệm, đặc điểm, tầm quan trọng, nội dung và quy trình quản lý tài chính; xác định được các nhân tố (khách quan và chủ quan) ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về quản lý tài chính tại các trường THCS ở Việt Nam. Nội dung lý thuyết trong Chương 1 là nền tảng quan trọng giúp cho tác giả phân tích thực trạng quản lý tài chính tại các trường THCS huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ở Chương 2 và định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính của cơ sở nghiên cứu trong thời gian tới ở Chương 3.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN GIA BÌNH, TỈNH BẮC NINH