Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh quảng bình (Trang 53 - 56)

Tỉnh Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 06 huyện; có 159 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 16 phường, 07 thị trấn và 136 xã. Dân số của tỉnh năm 2017 có 882.505 người, chủ yếu là người Kinh và một bộ phận dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru - Vân Kiều sống tập trung ở hai huyện miền núi Tuyên Hoá và Minh Hoá và một số xã phía Tây thuộc các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Dân cư Quảng Bình phân bố không đều, trong đó 80,42% sống ở vùng nông thôn và 19,58% sống ở thành thị.

Hệ thống giao thông của tỉnh có đường sắt Bắc Nam, đường hàng không, cảng biển Hòn La, Quốc lộ 1A, 2 nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12 và tỉnh lộ 20, tỉnh lộ 16 chạy từ Đông sang Tây qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo nối liền với CHDCND Lào và vùng Đông - Bắc Thái Lan, qua Myanma.

Quảng Bình là vùng đất đã từng chứng kiến quá trình khai hoang lập làng, mở nước về phương Nam của nước Đại Việt, là ranh giới giao tranh thời Trịnh - Nguyễn; đây cũng là vùng đất có nhiều làng khoa bảng, văn hóa nổi tiếng, như: Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn- Võ - Cổ - Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại) và rất nhiều làng văn vật danh tiếng khác; là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đã sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Dương Văn An, Lê Trực và nhiều người con ưu tú khác, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Quảng Bình có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó, Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO hai lần vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí nổi trội về địa chất - địa mạo và các tiêu chí về đa dạng sinh học, được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với hệ thống địa mạo được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng hơn 300 hang động lớn nhỏ có giá trị, cùng với hệ thống các sông trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá của những cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh vật vô cùng đa dạng và phong phú.

Hiện nay, Quảng Bình vẫn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, các giá trị văn hóa quan trọng như Quảng Bình Quan, Lũy Thầy, thành quách thời Trịnh - Nguyễn; nhiều di tịch lịch sử cách mạng trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, hang Tám thanh niên xung phong và Đền tưởng niệm các anh hung liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng... Là vùng đất giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa, thể hiện qua các di vật của văn hóa Bàu Tró có niên đại cách

đây khoảng trên 4.000 năm; các điểm du lịch tâm linh nổi bật như chùa Non - Núi Thần Đinh, Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc... cùng những giá trị văn hóa lưu truyền qua nhiều thế hệ như các lễ hội: Hội bơi thuyền truyền thống ngày 2/9 tại huyện Lệ Thủy, lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa, lễ hội đập trống của người MaCoong huyện Bố Trạch... các làn điệu dân ca, như: Ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, hò khoan Lệ Thủy, hát Kiều Quảng Kim, hát “sim” của người Bru - Vân Kiều,…

Trong những năm qua, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, đặc biệt là sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhưng tỉnh Quảng Bình đã vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 6,5% (kế hoạch 8,5 - 9%). Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm: Nông, lâm, ngư nghiệp 3,8%; công nghiệp - xây dựng 8,5%; dịch vụ 6,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: đến năm 2018: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 18,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 26,5%; dịch vụ chiếm 55,2%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.150 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 49.843 tỷ đồng. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người (GRDP) đạt 37,4 triệu đồng. Năm 2018, toàn tỉnh có 61 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (chiếm 44,85% số xã).

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị đã có nhiều tiến bộ, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển; du lịch Quảng Bình có sự phục hồi sau sự cố môi trường biển, nhiều dự án dịch vụ, du lịch quan trọng đang được tích cực triển khai thực hiện, như: Khu nghỉ dưỡng thể thao, giải trí cao cấp Hải Ninh của Tập đoàn FLC, Sân golf Bảo Ninh và Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang của Tập đoàn Trường Thịnh, Tổ hợp khách

sạn cao cấp và Shop house của Tập đoàn Vingroup, Khách sạn 5 sao Pullman, Khu nghỉ dưỡng, resort nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn TMS,...

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 351/590 trường (59,5%), trong đó: Có 83 trường mầm non, đạt tỷ lệ 45,6%; 167 trường tiểu học, đạt tỷ lệ 81,1%, trong đó, có 47 trường đạt mức độ 2; 87 trường trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 52,7%; 14 trường trung học phổ thông, trung học cơ sở - trung học phổ thông, đạt tỷ lệ 42,4%. Đào tạo chuyên nghiệp có 01 trường Đại học đa ngành, 02 trường cao đẳng nghề, 04 trường trung cấp nghề. Ngoài ra còn có 8 Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề ở 8 huyện, thị xã, thành phố, 4 trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm của các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 2,24% (theo chuẩn đa chiều), năm 2018 còn 6,87% hộ nghèo. Bình quân hằng năm, tỉnh Quảng Bình đã giải quyết việc làm cho 3,3 vạn lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh quảng bình (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)