Để đào tạo NNL DL tiếp cận với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch quốc tế, cải thiện và nâng cao chất lượng nhân lực và cải thiện hình ảnh du lịch tỉnh Quảng Bình, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch Quảng Bình ra thị trường quốc tế, trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển NNL DL. Hàng năm, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Du lịch đẩy mạnh hợp tác đào tạo với các trường, học viện du lịch nổi tiếng trong nước và một số nước trong khu vực; tổ chức cho các cơ sở phục vụ du lịch đi học kinh nghiệm về phát triển, đào tạo NNL DL tại một số nước, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
Trường Đại học Quảng Bình đang tích cực hợp tác với các Trường Đại học Đông Bắc Thái Lan đào tạo NNL, trong đó có nhân lực du lịch, theo hướng xây dựng các chương trình 2+2 (2 năm học ở Trường Đại học Quảng Bình và 2 năm học ở Thái Lan), sinh viên được trải nghiệm thực tế trong nước và nước ngoài, để khi làm việc không còn bỡ ngỡ trong tiếp xúc với khách du lịch quốc tế.
Sở Du lịch Quảng Bình cũng đã phối hợp với Tổng cục Du lịch, Dự án EU, Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tổ chức tập huấn du lịch cộng đồng, tập huấn Kinh doanh lưu trú tại nhà dân (homestay) cho các hộ kinh doanh tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và các khu vực lân cận; tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar; tập huấn về thống kê du lịch; tập huấn về quản lý khách sạn theo tiêu chuẩn VTOS (Vietnam Tourism
Occupational Skills Standards - đây là một tiêu chuẩn cần thiết để phát triển chất lượng nghiệp vụ các ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam). Từ đó, từng bước chuyên nghiệp hóa nhân lực trong ngành du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh điểm đến của du lịch Quảng Bình.
Tuy nhiên, Hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển NNL DL của tỉnh Quảng Bình còn hạn chế; hoạt động hợp tác đào tạo mới chỉ dừng lại ở thuê giảng viên nước ngoài tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm ngắn ngày; số lượng lớp tổ chức còn ít. Công tác phối hợp tổ chức đưa lao động đi đào tạo ở nước ngoài về lĩnh vực du lịch để phục vụ phát triển du lịchcủa tỉnh chưa thực hiện được, mới chỉ cử cán bộ lãnh đạo thăm quan, học tập kinh nghiệm quản lý du lịch. Khả năng tìm hiểu, tiếp cận, môi trường du lịch quốc tế của nhân lực du lịch tỉnh Quảng Bình còn thấp.