Để hạn chế những vi phạm trong hoạt động áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự nói chung và các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về quyền của nguyên đơn trong vụ án dân sự nói riêng, chúng ta cần phải không ngừng đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công tác cho đội ngũ Thẩm phán cũng như các cán bộ Tòa án để từ đó họ có thể thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự đặc biệt là nguyên đơn khi tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án dân sự.
Do hiện nay trên thực tế rất nhiều thẩm phán yếu kém về chuyên môn nên thường xét xử không đúng theo yêu cầu của nguyên đơn cũng như không đảm bảo cho nguyên đơn thực hiện triệt để các quyền của mình. Nên bảo đảm
cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng, đủ, hiệu quả, đảm bảo cho quyền của nguyên đơn được thực hiện tối đa thì việc bồi dưỡng chuyên môn ngiệp vụ của các thẩm phán một cách chuyên nghiệp, đồng đều về năng lực giữa các cơ quan, đáp ứng được nhu cầu giải quyết các quan hệ dân sự phát sinh ngày càng nhiều, càng phức tạp, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là vấn đề cần thiết.
Với yêu cầu đặt ra như trên, cần tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như đẩy mạnh công tác đào tạo và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, coi đây là nhóm giải pháp mang tính đột phá. Tăng cường đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị cho và nghiên cứu đổi mới giáo trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy tại các trường đào tạo nghiệp vụ ngành Tòa án để đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, tập huấn cán bộ trong tình hình hiện nay; đồng thời xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành TAND đến năm 2020 với nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý, kỹ năng thực hiện công tác dân vận, ngoại ngữ, tin học... Đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức của ngành, tiến tới đào tạo cử nhân chuyên ngành và đào tạo bậc trên đại học. Đây chính là tiền đề quan trọng để ngành TAND từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành TAND trong tình hình mới.
3.2.3. Về thiết lập cơ chế chuyển hoá giữa việc dân sự và vụ án dân sự nhằm bảo đảm hơn quyền của nguyên đơn.
Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì nếu trong quá trình Tòa án giải quyết các việc dân sự không có tranh chấp mà một bên hoặc các bên thay đổi sự thỏa thuận theo hướng có tranh chấp thì Tòa
án có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự và hướng dẫn đương sự làm đơn khởi kiện vụ án theo thủ tục chung.
Theo nghiên cứu của chúng tôi thì quy định này chưa thực sự bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự nhất là sau này pháp luật phát triển theo hướng bổ sung các việc dân sự do các bên thoả thuận được và yêu cầu Toà án công nhận. Bởi vì, hậu quả của quy định này là người có yêu cầu trước đó trong việc dân sự nếu vẫn giữ nguyên yêu cầu của mình thì sẽ phải làm lại toàn bộ thủ tục khởi kiện từ đầu gây mất thời gian và tổn phí một cách không cần thiết. Chẳng hạn, như đương sự yêu cầu công nhận thoả thuận về tài sản trong một vụ tranh chấp thừa kế hoặc hợp đồng, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nếu một bên thay đổi yêu cầu theo hướng có tranh chấp thì đương sự sẽ phải khởi kiện lại từ đầu. Do vậy, việc thiết lập một cơ chế chuyển hoá giữa việc dân sự và vụ án dân sự trong BLTTDS là cần thiết.