Theo kết quả khảo sát thực tiễn thì quyền của nguyên đơn không được bảo đảm thực hiện trên thực tế là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, là do sự hạn chế, khiếm khuyết trong chính các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó việc không bảo đảm quyền của nguyên đơn còn có căn nguyên từ sự thiếu hiểu biết của người dân về các kiến thức cơ bản liên quan đến việc thực hiện quyền, sự sai sót của các Toà án trong quá trình giải quyết vụ việc dẫn đến quyền của nguyên đơn không được thực hiện hoặc được thực hiện không đầy đủ.
Thiết nghĩ, để khắc phục vấn đề này cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường hoạt động của các tổ chức trợ giúp pháp lý. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giúp tất cả mọi người có chiều sâu hiểu biết pháp lý, thực hiện tốt quyền của mình khi tham gia tố tụng một cách hiểu quả nhất.
Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cần theo kế hoạch, chương trình cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm
đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và điều kiện của địa bàn thực hiện để nhân dân ngày càng có điều kiện tìm hiểu pháp luật.
Thực hiện phong phú, đa dạng các hình thức tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông qua các phiên toà xét xử công khai, lưu động...