Quyền tự định đoạt của đương sự là quyền của đương sự trong việc tự quyết định quyền, lợi ích của họ và lựa chọn biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích đó. Là một vấn đề cơ bản của tố tụng dân sự, chi phối
quá trình tố tụng dân sự nên quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định là một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự.
Nội dung nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự:
Điều 5 quy định quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Theo quy định trên, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được thể hiện trên các phương diện: Khởi kiện; Đưa ra, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện; Đưa ra, thay đổi, bổ sung hoặc rút căn cứ khởi kiện.
Xuất phát từ cơ sở trên pháp luật tố tụng dân sự hiện hành quy định cho nguyên đơn trong tố tụng dân sự có các quyền tự định đoạt như: Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, tham gia hòa giải; Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; Tham gia phiên tòa, phiên họp; Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án.
1.3.1.1. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thứ nhất, với quy định tại Điều 186 và 187 Bộ luật tố tụng dân sự, Nhà
nước chính thức ghi nhận quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan tổ chức yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Thực hiện quyền khởi kiện chính này là một biểu hiện của nguyên tắc quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong khởi kiện vụ án dân sự.
Thứ hai, quyền tự định đoạt đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Trong các việc dân sự thì không có tranh chấp trực tiếp giữa các bên. Nhưng người yêu cầu trong việc dân sự cũng chủ động như nguyên đơn trong vụ án dân sự. Họ được quyền đưa ra yêu cầu cho Toà án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên yêu cầu của họ chỉ giới hạn trong phạm vi yêu cầu Toà án công nhận hay không công nhận một sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt hoặc công nhận các quyền, nghĩa vụ của họ. Việc Bộ luật tố tụng dân sự ghi nhận quyền này của nguyên đơn đã góp phần thực thi nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự.
1.3.1.2. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu thuộc quyền tự định đoạt của nguyên đơn. Tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự quy định đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án dân sự và Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.
Theo đó, nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình. Đây là quy định nhằm giúp nguyên đơn khắc phục trường hợp đưa ra yêu cầu không đầy đủ, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng mà việc quyết định và tự định đoạt này có thể được toà án chấp nhận hay không. Trước khi toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì việc quyết định và tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu là quyền tuyệt đối của đương sự. Tại phiên toà sơ thẩm, việc quyết định và tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của đương sự bị hạn chế.
Để bảo đảm quyền khởi kiện của nguyên đơn pháp luật không quy định hạn chế việc thay đổi, bổ sung của đương sự. Tuy nhiên, để tránh trường hợp nguyên đơn lạm dụng việc thực hiện quyền này gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án dân sự và gây khó khăn cho các đương sự khác trong việc tham gia tố tụng, pháp luật tố tụng dân sự cũng quy định những điều kiện nhất định cho việc thay đổi, bổ sung này. Theo đó, Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự quy định việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 218, việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì nguyên đơn không có quyền đệ đơn kiện lại yêu cầu Toà án giải quyết.
Nguyên đơn có quyền rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện (điểm b, khoản 2 Điều 71, trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ việc điểm c khoản 1 Điều 217). Tại phiên tòa nếu nguyên đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử với phần yêu cầu bị rút hoặc toàn bộ yêu cầu bị rút đó (khoản 1 Điều 244). Trong
trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu của mình mà bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố thì bị đơn sẽ trở thành nguyên đơn và nguyên đơn lại thành bị đơn. Nếu cả nguyên đơn và bị đơn đều rút yêu câu, yêu cầu phản tố mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn giữ yêu cầu thì sẽ trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn (Điều 245). Người yêu cầu trong việc dân sự cũng có quyền rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình. Tại phiên họp giải quyết việc dân sự, nêu người yêu cầu tự nguyện rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình thì Toà án chấp nhận và đình chỉ giải quyết đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của người yêu cầu.
Việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của đương sự phải dựa vào ý chí của đương sự, Tòa án sẽ không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu do đương sự bị ép buộc.
1.3.1.3. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự
Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc thoả thuận giải quyết vụ việc của đương sự cũng như của nguyên đơn được thực hiện ở bất cứ giai đoạn nào.
Trong tố tụng dân sự, hoà giải là thủ tục có ý nghĩa nhân văn nhằm giúp cho đương sự thoả thuận với nhau để giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ việc. Cơ sở của hoà giải là xuất phát từ ý chí chủ quan, tự nguyện quyết định và tự định đoạt của đương sự. Do vậy, chỉ có đương sự là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung mới có quyền thương lượng, thoả thuận hoà giải để giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ việc, trừ trường hợp đương sự uỷ quyền cho người khác. Trong quá trình hoà giải, Toà án giữ vai trò trung gian, giải thích pháp luật, chứ không được hướng dẫn thương lượng, nội dung thoả thuận, bởi vì quyền thương lượng, nội dung thoả thuận là nội dung
của quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, toà án chỉ công nhận thoả thuận của đương sự cũng như nguyên đơn khi thoả thuận đó phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc dân sự các bên có quyền thương lượng với nhau giải quyết vụ việc bằng ý chí và sự tự nguyện của mình, Tòa án phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận đó, không được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt các đương sự cũng như nguyên đơn phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình.
Tuy nhiên việc hòa giải chỉ giới hạn ở một số trường hợp nhất định trừ các trường hợp tại Điều 181 BLTTDS.
Đối với việc hòa giải ở cấp sơ thẩm, trước khi mở phiên tòa hòa giải là thủ tục bắt buộc với những loại việc mà pháp luật quy định trừ trường hợp VADS không được hòa giải quy định tại Điều 181 và những vụ án không tiến hành hòa giải được tại Điều 207.
Trước khi mở phiên tòa các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề giải quyết toàn bộ vụ án dân sự thì Toà án lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn bảy ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó (khoản 1 Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự). Tại phiên tòa sơ thẩm Theo quy định tại Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phải hỏi nguyên đơn có thỏa thuận được với các đương sự khác về việc giải quyết vụ án hay không, nêu thỏa thuận được không trái quy định pháp luật, đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó, quyết định này có hiệu lực ngay.
Tại giai đoạn phúc thẩm tuy pháp luật không quy định cụ thể tuy nhiên Tòa án phúc thẩm phải hòa giải trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và tại phiên
tòa phúc thẩm nhưng: Nếu tại Tòa án cấp phúc thẩm nguyên đơn không thoả thuận được với các đương sự khác về việc giải quyết vụ án không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm, công nhân sự thỏa thuận của các đương sự.
Như vậy, với ý nghĩa là một nội dung cơ bản của quyền tự định đoạt của nguyên đơn, quyền thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự là quyền tố tụng rất quan trọng của nguyên đơn được thực hiện ở tất cả các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, trừ những trường hợp Bộ luật tố tụng dân sự quy định không được tiến hành hòa giải. Việc ghi nhận quyền thỏa thuận của nguyên đơn với các đương sự khác chính là sự tôn trọng của pháp luật đối với các quyền cơ bản của con người, trong đó nguyên đơn có quyền tự mình giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, tự mình giải quyết việc bảo vệ quyền lợi của mình trước Tòa án là biện pháp giải quyết vụ án hữu hiệu nhất. Đồng thời góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, nâng cao trình độ dân trí, giáo dục nếp sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân.
1.3.1.4. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình
Để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình nguyên đơn có thể ủy quyền cho người khác thay mình tham gia tố tụng. Người này được gọi là người đại diện theo sự ủy quyền của nguyên đơn, người này phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Việc cử người đại diện theo ủy quyền, hoàn toàn dựa trên sự tự định đoạt của nguyên đơn.
Đây là một quyền quan trọng của nguyên đơn trong tố tụng dân sự. Nguyên đơn có quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình. Theo đó thì nguyên đơn có quyền dùng lý lẽ và chứng cứ, tài liệu mình có được để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia tố tụng. Quyền tự bảo vệ không phải là một quyền độc lập, tách rời với các quyền
khác của nguyên đơn mà quyền tự bảo vệ chính là sự tổng hoà các quyền của nguyên đơn trong tố tụng dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Ngoài quyền tự bảo vệ cho mình, nguyên đơn còn có quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nguyên đơn có quyền nhờ luật sư hoặc người khác mà tòa án chấp nhận tham gia tố tụng. Người tham gia tố tụng này được gọi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn giúp nguyên đơn nhận thức đúng quyền và nghĩa vụ của mình và bảo vệ các quyền và lợi ích trước Toà án khi có sự vi phạm. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn có sự am hiểu về luật pháp, vì vậy những chứng cứ họ đưa ra sẽ dễ dàng được chấp nhận, giúp cho quá trình giải quyết vụ việc được nhanh chóng; bảo vệ được lợi ích cho nguyên đơn. Không những thế, với sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, quá trình giải quyết vụ án của Toà án được công minh hơn, làm cho người tiến hành tố tụng phải khách quan, tôn trọng pháp luật hơn trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Việc nguyên đơn có quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, cũng là biểu hiện của nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự và được pháp luật tôn trọng. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phải đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 . Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng theo yêu cầu của nguyên đơn nên việc thay đổi, chấm dứt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn do hai bên quyết định.
Như vậy, một lần nữa quyền tự định đoạt của nguyên đơn lại được thể hiện. Tất cả đều hướng tới lợi ích của nguyên đơn. Việc tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn không những có ý nghĩa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trước tòa mà còn có ý nghĩa thể hiện việc tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt của nguyên đơn trong quá trình tố tụng. Do tham gia tố tụng theo yêu cầu của nguyên đơn nên việc thay đổi chấm dứt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn sẽ do hai bên quyết định, đây cũng là quy định thể hiện rất rõ việc thực thi nguyên tắc quyền tự định đoạt của nguyên đơn .
1.3.1.5. Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án
Kháng cáo là quyền cho phép nguyên đơn chống lại bản án và quyết định của Toà án chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp sơ thẩm và yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án dân sự. Theo quy định tại Điều 271