chứng minh.
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định mà Tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
Để bảo vệ được tốt nhất các quyền và nghĩa vụ về dân sự của mình thì nguyên đơn có quyền cung cấp chứng cứ và chứng minh cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên đơn có quyền cung cấp chứng cứ ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, khi nguyên đơn giao nộp chứng cứ Tòa án phải lập biên bản có chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án (Khoản 2 Điều 96 BLTTDS). Vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đã có nhiều quy định về quyền của nguyên đơn trong hoạt động cung cấp chứng cứ và chứng minh, trong đó có các quyền sau: Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình; Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản; Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập.
Theo quy định của BLTTDS nếu như nguyên đơn không thể tự mình thu thập chứng cứ, tài liệu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình
thì có thể đề nghị Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ việc mà mình không thể thực hiện được (khoản 7 Điều 70 BLTTDS). Quy định này nhằm khắc phục những trường hợp nguyên đơn không có khả năng, điều kiện để thu thập chứng cứ. Nguyên đơn cũng có quyền đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản, có quyền khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập theo yêu cầu của nguyên đơn.
Theo khoản 7 Điều 70, trong trường hợp nguyên đơn không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có quyền yêu cầu Thẩm phán giải quyết vụ việc tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ, yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; chứng cứ cần thu thập; lý do vì sao không thể tự mình thu thập; họ, tên, địa chỉ của cá nhân và địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập.
Ví dụ: Trong trường hợp cần tính đúng lãi suất cho một khoản nợ trong vụ án đòi tiền nợ, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cho biết mức lãi suất tại thời điểm cụ thể. Hoặc yêu cầu Tòa án yêu cầu Sở tài nguyên và môi trường cho biết về nguồn gốc nhà - đất có chuyển dịch quyền sử dụng, sở hữu được hay không?
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu cần sự kết luận của cơ quan chuyên môn để làm sáng tỏ một tình tiết, sự kiện nào đó, nguyên đơn có quyền yêu cầu Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định và định giá tài sản. Kết luận giám định chính xác có tầm quan trọng rất lớn, thậm chí có nhiều trường hợp có thể quyết định toàn bộ vụ việc. Ví dụ, vụ kiện tranh chấp về thừa kế, bản di chúc bị tố cáo là giả mạo, nếu xác định của cơ quan giám định tư pháp là giả hay không, nó quyết định toàn bộ vụ án. Trong trường hợp nguyên đơn không đồng ý với kết luận giám định thì có thể yêu cầu giám định
lại hoặc yêu cầu giám định bổ sung ở các cơ quan có chức năng giám định khác.
Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự còn quy định các đương sự có quyền “Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập” (khoản 8 Điều 70 BLTTDS). Quy định này sẽ giúp cho các nguyên đơn chuẩn bị được chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi có quyền được biết này nguyên đơn sẽ có sự chủ động cao trong việc thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ cũng như tìm kiếm những bằng chứng để phủ nhận quan điểm của đối phương.
Để phù hợp với quy định của Luật Giám định tư pháp, ngoài việc nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn quy định khi nguyên đơn đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của nguyên đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu giám định. Quyền yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. định giá tài sản, thẩm định giá tài sản. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự cũng như nguyên đơn có quyền yêu cầu định giá tài sản trong trường hợp không thỏa thuận được với bị đơn giá đối với tài sản đang tranh chấp
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nguyên đơn có yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp có quyền cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu đó là hợp pháp để Tòa chấp thuận thụ lý vụ việc dân sự.
Ngay sau khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện, nguyên đơn đã thực hiện quyền chứng minh bằng việc gửi kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu,
chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình; Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, nguyên đơn có quyền giao nộp chứng cứ cho Tòa án.
Việc cung cấp chứng cứ và chứng minh là vấn đề rất quan trọng để nguyên đơn làm rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trên cơ sở đó thuyết phục Tòa án bảo vệ. Trước Tòa án nếu nguyên đơn không chứng minh được sự tồn tại quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì quyền và lợi ích hợp pháp của họ có thể sẽ không được Tòa án bảo vệ.
Nguyên đơn có quyền được dùng mọi biện pháp chứng minh, có quyền đề xuất và xuất trình chứng cứ trong bất cứ giai đoạn nào. Đó có thể là giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ kiện và các vật chứa đựng chứng cứ phải được trực tiếp giao nộp cho Tòa án. Trong quá trình cung cấp chứng cứ, nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp cần thiết như xem xét tại chỗ, trưng cầu giám định, yêu cầu cơ quan cung cấp tài liệu cần thiết, lấy lời khai, triệu tập thêm nhân chứng, đối chất để thu thập thêm chứng cứ, xác minh cho lời khai và những chứng cứ của mình hoặc để xác định lại giá trị chứng minh của chứng cứ mà phía bên kia cung cấp. Ngoài ra, quyền được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập để tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.
Nguyên đơn có quyền thực hiện hoạt động chứng minh thông qua việc cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thì mới là một trong những điều kiện để toà án tiến hành thụ lý đơn khởi kiện - thời điểm bắt đầu của hoạt động tố tụng dân sự. Không thể có một đơn khởi kiện nào được thụ lý mà không có chứng cứ để chứng minh, các nguyên tắc khác theo đó mới có thể phát sinh và áp dụng.
Nhận thức được vai trò quan trọng mang tính chất chỉ đạo, Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định cụ thể nguyên tắc về việc cung cấp chứng cứ và
chứng minh trong tố tụng dân sự. Theo khoản 1 Điều 6 BLTTDS quy định nguyên đơn có quyền chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Nguyên đơn được đảm bảo quyền bảo vệ thông qua việc tự mình thực hiện hoạt động chứng minh cho mình. Hoạt động chứng minh nhằm đảm bảo quyền bảo vệ của nguyên đơn nói một cách tổng quát nhất là thuộc về phía đã đưa ra yêu cầu. Thuật ngữ “yêu cầu” ở đây đã được sử dụng theo nghĩa rộng bao gồm cả yêu cầu về sự công nhận là đúng, là có lý và cả yêu cầu công nhận là không đúng, không có lý hay nói cách khác yêu cầu ở đây chính là đề ra đối tượng chứng minh. Khi nguyên đơn đưa ra yêu cầu bằng cách khởi kiện thì họ có quyền chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp nguyên tắc này thống nhất với nguyên tắc về quyền tự định đoạt của đương sự, quyền và lợi ích của họ phải do chính họ quyết định.