Khi lựa chọn định hướng phát triển theo xu hướng tiến bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quốc gia đều cố gắng cụ thể hóa các quy định về bảo đảm quyền của công dân trong Hiến pháp và pháp luật của quốc gia mình, vì thế bảo vệ các quyền của nguyên đơn trong giải quyết các vụ việc dân sự là một tất yếu khách quan. Ở Việt Nam, Ðảng và Nhà nước ta vừa không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo tiền đề pháp lý bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của nguyên đơn trong các vụ việc dân sự nói riêng, vừa luôn xây dựng các chính sách cụ thể để từng bước cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, vừa quy định cụ thể quyền của nguyên đơn trong Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là Bộ luật dân sự và Tố tụng dân sự. Các cơ quan tư pháp không ngừng chú trọng đến việc đảm bảo các quyền của những người tham gia tố tụng, trong đó có nguyên đơn. Tòa án trở thành công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người nói chung và quyền của nguyên đơn nói riêng. Viện kiểm sát là cơ quan tư
pháp có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đảm bảo quyền của nguyên đơn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Chính phủ và các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, hình sự, hành chính và bổ trợ tư pháp trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Là một quốc gia đang phát triển, nhận thức về pháp luật và quyền con người nói chung và quyền của nguyên đơn trong các vụ việc dân sự nói riêng của người dân còn có những mặt hạn chế, do đó, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền con người của nước ta giữ vị trí hết sức quan trọng để xây dựng một xã hội mọi người sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.