Những hạn chế về chính sách pháp luật thi đua, khenthưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi hành pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 67 - 71)

- Các quy định về thi đua:

Về căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua: Luật Thi đua, Khen thưởng quy định căn cứ xét tặng thi đua là phải “đăng ký tham gia thi đua”, quy định này đã hành chính hóa việc tham gia phong trào thi đua và hạn chế tính tự giác trong thực hiện phong trào thi đua. Đối với hầu hết các doanh nghiệp việc đăng ký tham gia thi đua là khó khả thi vì doanh nghiệp không biết phải đăng ký tham gia thi đua với cơ quan, tổ chức nào, đăng ký nội dung thi đua gì và tại thời điểm nào.

Về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua: Luật Thi đua, Khen thưởng quy định một số danh hiệu thi đua còn mang tính khái quát, định tính, trong khi các văn bản hướng dẫn Luật (Nghị định, Thông tư) cũng không quy định cụ thể, dẫn đến việc bình xét các danh hiệu thi đua ở các đơn vị, địa phương không thống nhất, có nơi quá chặt chẽ hoặc có nơi quá dễ dãi.

- Các quy định về khen thưởng:

Quy định tiêu chuẩn liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Luật Thi đua, Khen thưởng quy định một trong các tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Bằng khen đối với tập thể phải “5 năm liên tục trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Thực tế hiện nay, đối với doanh nghiệp không có cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền xác nhận doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, doanh nghiệp báo cáo thành tích dựa trên kết quả tăng trưởng của một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu như: doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận, thu nhập bình quân người/tháng, đóng góp từ thiện xã hội… Nếu lấy các chỉ tiêu này để làm căn cứ đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì cũng còn nhiều bất cập bởi lĩnh vực sản xuất kinh doanh rất đa dạng, các doanh nghiệp có mục tiêu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh khác nhau, cho nên các chỉ tiêu tăng trưởng tại các thời điểm cũng khác nhau.

Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định về nguyên tắc khen thưởng:

“Không lấy hình thức khen thưởng theo đợt, theo chuyên đề để làm điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng cấp Nhà nước” là chưa phù hợp vì các hình thức khen

thưởng đều là sự ghi nhận thành tích của tập thể, cá nhân (thực tế hiện nay giá trị vật chất của các hình thức khen thưởng theo đợt, theo chuyên đề so với khen toàn diện, khen theo công trạng được quy định là như nhau). Mặt khác, mục tiêu của khen thưởng là đẩy mạnh phong trào thi đua, vì vậy cần phải khuyến khích các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương và đơn vị cơ sở.

- Quy định hồ sơ, thủ tục, tuyến trình khen thưởng

Quy định hồ sơ khen thưởng: Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định Hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với doanh nghiệp phải có báo cáo kết quả kiểm toán trong thời gian từ 05 năm trở lên trước khi đề nghị khen thưởng. Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 04/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định đối với doanh nghiệp đề nghị tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” thuộc đối tượng kiểm toán phải có báo cáo kết quả kiểm toán (nếu chưa có báo cáo kết quả kiểm toán thì sau khi có kết quả kiểm toán thực hiện trình khen thưởng theo quy định). Quy định này chưa phù hợp, vì tiêu chuẩn xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” cho tập thể có thành tích xuất sắc trong 01 năm nhưng quy định về hồ sơ là 05 năm.

Quy định về thời điểm nhận hồ sơ khen thưởng: Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định: Hồ sơ trình Chính phủ tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” gửi đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trước ngày 31 tháng 3 hàng năm. Quy định này chưa phù hợp, vì thời điểm 31 tháng 3 hàng năm là thời hạn doanh nghiệp thực hiện quyết toán với cơ quan thuế, doanh nghiệp không thể hoàn thiện hồ sơ khen thưởng (có hồ sơ báo cáo kiểm toán), trình các cấp xét khen thưởng tại thời điểm này. Quy định này cũng trái với nguyên tắc khen thưởng “chính xác, công khai, công bằng và kịp thời”.

Quy định về việc xác nhận nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước: Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp khi trình các hình thức khen thưởng: Cờ thi đua, Bằng khen, Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tập thể lao động xuất sắc và các hình thức khen thưởng cấp nhà nước trong hồ sơ khen thưởng phải có văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền. Quy định đối tượng khen thưởng phải tự chứng minh nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về tuyến trình khen thưởng: Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định đối với Quỹ tín dụng nhân dân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng. Nghị định cũng không quy định các ngân hàng

thương mại (có vốn nhà nước hoặc không có vốn nhà nước) thực hiện tuyến trình khen thưởng như thế nào. Trên thực tế các ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng nhân dân do Ngân hàng Nhà nước các cấp căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước thực hiện tuyến trình khen thưởng.

- Quy định về quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng

cho doanh nhân, doanh nghiệp

Thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 về Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Các danh hiệu, giải thưởng này không phải là hình thức khen thưởng của nhà nước mà là hình thức biểu dương, tôn vinh của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương theo ngành, lĩnh vực hoặc theo địa bàn quản lý nhằm khuyến khích, động viên doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực thực hiện công tác xã hội từ thiện, tham gia các phong trào thi đua do trung ương và địa phương phát động.

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp cũng có nhiều bất cập, hạn chế:

Một số cơ quan, đơn vị, hiệp hội tổ chức giải thưởng chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoặc lĩnh vực hoạt động, không đúng thẩm quyền nhưng vẫn đứng lên tổ chức giải thưởng hoặc tổ chức tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân dưới hình thức bình chọn, lập bảng xếp hạng, giao lưu nghệ thuật, để tránh việc phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình tổ chức giải thưởng, một số đơn vị đã huy động, thu tiền của các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng dưới các hình thức khác nhau, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Một số doanh nghiệp, doanh nhân thành tích không tiêu biểu, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhưng vẫn đóng tiền để được tặng giải thưởng, gây hiểu lầm về chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động, nhằm khuếch trương thương hiệu để lừa dối người tiêu dùng và thu lợi bất chính.

Một số quy định tại Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể rõ ràng như: Thẩm quyền tổ chức giải thưởng còn hẹp, chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc khuyến khích, động viên các hội viên là doanh nghiệp, doanh nhân; chưa quy định số lượng tối đa giải thưởng mà một bộ, ngành, địa phương được tổ chức; chưa quy định thời gian để xét thành tích của doanh nghiệp, doanh nhân khi xét tặng giải thưởng; các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân còn chưa cụ thể dẫn đến việc xét tặng danh hiệu, trao giải cho doanh nhân, doanh nghiệp ở các bộ, ngành, địa phương không có sự thống nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi hành pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)