1.3.1. Khái niệm
Hiện nay ở Việt Nam, có hai quan điểm về “thi hành pháp luật”:
Quan điểm thứ nhất, thi hành pháp luật (hay chấp hành pháp luật) là một
trong 4 hình thức thực hiện pháp luật, gồm: Tuân thủ pháp luật; thi hành pháp luật; sử dụng pháp luật; áp dụng pháp luật. Theo đó, thi hành pháp luật được hiểu là hành vi của chủ thể pháp luật chủ động thực hiện điều pháp luật yêu cầu.
Tử điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp năm 2006 định nghĩa: “thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật một cách chủ động.
Chủ thể pháp luật phải thực hiện một thao tác nhất định mới có thể thực hiện pháp luật được”.
Việc phân chia các hình thức thực hiện pháp luật chỉ có tính chất tương đối, chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu, nên chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, còn trong thực tế, các thuật ngữ tuân thủ, thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật nhiều khi được dùng đồng nghĩa với nhau, đều biểu thị một nội dung là pháp luật phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh bởi tất cả các chủ thể trong xã hội.
Quan điểm thứ hai, thi hành pháp luật là mọi hoạt động nhằm đưa pháp luật
vào cuộc sống, biến quy định pháp luật trở thành hành vi của các chủ thể, và được xem là công đoạn tiếp nối quá trình xây dựng pháp luật của Nhà nước. Như vậy, khái niệm thi hành pháp luật ở trường này được hiểu theo nghĩa rộng là “đưa pháp luật vào cuộc sống” và đảm bảo thực thi bằng cơ chế hiệu quả nhất.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của các nhà nghiên cứu, các học giả về khái niệm thi hành pháp luật, có thể hiểu: Thi hành pháp luật là
hành vi hợp pháp của chủ thể pháp luật trong quá trình hiện thực hóa hoặc đảm bảo hiệu lực các quy định pháp luật trong đời sống xã hội.
Thi hành pháp luật về thi đua, khen thưởng là hành vi của các chủ thể (cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân) chủ động thực hiện các quy định của pháp luật
về thi đua, khen thưởng do Nhà nước ban hành nhằm đáp ứng các nhu cầu, lợi ích hợp pháp trong đời sống xã hội.