- Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng:
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trên phạm vi toàn quốc với cơ quan tham mưu là Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương.
Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ, tương đương cấp cục, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn là tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng trên phạm vi cả nước. Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban. Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Về nghiệp vụ, hiện nay Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương thực hiện trực tiếp trình Thủ tướng Chính phủ các văn bản thẩm định hồ sơ về thi đua khen thưởng mà không qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Ở cấp địa phương, Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội là đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ Hà Nội, tương đương cấp Chi cục.
Lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội gồm: 01 Trưởng Ban, 03 Phó trưởng Ban, trong đó có 01 Phó trưởng Ban phụ trách theo dõi công tác thi đua, khen thưởng khối doanh nghiệp. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm trước Giám đốc Nội vụ và trước pháp luật về
toàn bộ hoạt động của Ban. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội là Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội.
Về nghiệp vụ, không giống như Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, hiện nay Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội thực hiện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố hồ sơ thi đua, khen thưởng sau khi báo cáo xin ý kiến Giám đốc Sở Nội vụ.
- Về tổ chức cụm thi đua thuộc thành phố Hà Nội:
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội đã thành lập 22 cụm thi đua, trong đó có 3 cụm thi đua doanh nghiệp: Cụm thi đua số 20 gồm 5 doanh nghiệp là các Tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; Cụm thi đua số 21 gồm 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích (thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, môi trường đô thị…); Cụm thi đua số 22 gồm 12 doanh nghiệp đã cổ phần hóa (trước đây là doanh nghiệp nhà nước).
Tại một số Hội đồng Thi đua khen thưởng cấp sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng có tổ chức thành lập các cụm thi đua, trong đó có cụm, khối thi đua doanh nghiệp như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cụm thi đua các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi; Sở Công thương có cụm thi đua các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức có cụm thi đua các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm…
- Về tổ chức bộ máy thi đua, khen thưởng ở các doanh nghiệp:
Ở các doanh nghiệp, công tác tham mưu thi đua, khen thưởng đa số do Phòng Tổ chức cán bộ hoặc Văn phòng thực hiện, một số doanh nghiệp giao phòng truyền thông (marketing) thực hiện, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm. Do đặc thù doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh nên công tác nhân sự và vị trí việc làm thường xuyên biến động, vì vậy cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, không thường xuyên cập nhật các văn bản, quy định chế độ chính sách về thi đua, khen thưởng.