- Yếu tố chính trị: Đây là yếu tố quan trọng nhất trong thi hành pháp luật về thi đua, khen thưởng. Yếu tố này thể hiện dưới hình thức thực tiễn chính trị, các nguyên tắc, định hướng, đường lối, quan điểm trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Ví dụ: Bộ Chính trị khóa IX ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trên cơ sở đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005.
- Mức độ hoàn thiện của pháp luật: Mức độ hoàn thiện của pháp luật nói chung là yếu tố đảm bảo cho pháp luật đó đi vào cuộc sống xã hội. Thi hành pháp luật về thi đua, khen thưởng sẽ đạt hiệu quả nếu các quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng được xây dựng khoa học, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.
- Năng lực tổ chức và nguồn nhân lực thi hành pháp luật:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng đó là bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với những yêu cầu về kiến thức, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, phẩm chất đạo đức…
Về phía xã hội, các tổ chức, đơn vị, cá nhân thi hành pháp luật về thi đua, khen thưởng cũng phải dựa trên một nền tảng năng lực nhận thức pháp luật, hiểu biết xã hội để thực thi các chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Các yếu tố đảm bảo về điều kiện vật chất: Các yếu tố này là điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ… đây là những điều kiện hiện thực làm cho hoạt động Nhà nước minh bạch, gần dân, đảm bảo cho tổ chức, cá nhân thi hành pháp luật một cách tích cực, hiệu quả.
- Yếu tố văn hóa, xã hội, ý thức pháp luật: Văn hóa là tất cả các sản phẩm hoạt động của con người bao gồm vật chất và tinh thần, các giá trị được tạo dựng trong quá trình hoạt động gồm các khuôn mẫu và quy phạm hành vi đã
được thừa nhận, được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó văn hóa pháp lý là trật tự tư tưởng, được Nhà nước, xã hội định hướng đến sự hình thành và phát triển ý thức chính trị và ý thức pháp luật của mọi người. Yếu tố văn hóa, nhất là văn hóa pháp lý có ảnh hưởng lớn đối với cơ chế điều chỉnh pháp luật của thi hành pháp luật.