3.1 .Nhóm giải pháp chung
3.1.1. Hoàn thiện quy định về tuyển dụng
-Về xác định nhu cầu tuyển dụng công chức:
Cần trao cho các cơ quan HCNN cấp tỉnh, trong đó có Hải Dương được quyền tự chủ trong việc xác định nhu cầu nhân sự trong tổ chức của mình thay vì thực hiện theo hình thức phân bổ chỉ tiêu biên chế từ các cơ quan cấp trên như hiện nay. Chỉ khi các cơ quan HCNN được tự chủ thì họ mới thực sự có trách nhiệm trong việc xác định nhu cầu tuyển dụng phù hợp và thực tế hơn, đúng người, đúng việc hơn, đáp ứng đúng chuyên môn, nghiệp vụ được yêu cầu nhằm đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc được giao với hiệu quả cao nhất.
-Về xác định tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển:
Cần yêu cầu các cơ quan HCNN chủ động trong việc xây dựng Bản mô tả công việc cho các nhóm vị trí trong cơ quan mình để các cơ quan cấp trên có thể xác định rõ tiêu chuẩn chức danh công chức. Đồng thời, chỉ nên yêu cầu những tiêu chuẩn thực sự cần thiết cho công việc, tránh tình trạng vị trí nào cũng đòi hỏi trình độ đại học, trình độ ngoại ngữ và tin học, trong khi chuyên ngành sâu thì lại không phù hợp. Đây cũng là một hạn chế mà nguyên nhân là do UBND tỉnh chưa ban hành được Quy chế về tuyển dụng công
chức, mà vẫn chủ yếu “rập khuôn” các quy định chung của trung ương về tuyển dụng để ra thông báo tuyển dụng hằng năm. Do đó, để khắc phục bất cập này, cần sớm xây dựng Quy chế tuyển dụng công chức của tỉnh, theo đó giao cho các sở chuyên môn được quyền xác định các điều kiện tuyển dụng phù hợp với thực tế công việc của các cơ quan, đơn vị thuộc sở mình quản lý.
-Về tổ chức tuyển dụng:
UBND tỉnh Hải Dương nên chuyển giao thẩm quyền nhiều hơn cho các sở, ngành trong công tác sơ tuyển công chức trong các kỳ tuyển dụng. Bởi nếu vẫn áp dụng theo quy định hiện hành ở tỉnh, Sở Nội vụ giúp UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng công chức cho tất cả các lĩnh vực thì các sở, ngành khác thuộc tỉnh sẽ khó có thể chọn được người phù hợp. Vì vậy, trong dự thảo quyết định mới về phân cấp quản lý CBCC, viên chức và người lao động của tỉnh nên quy định theo hướng giao thêm thẩm quyền cho các cơ quan trực tiếp sử dụng công chức ở các sở, ngành của tỉnh. Hoặc có thể mở rộng thẩm quyền bằng cách, khi thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức cấp tỉnh, cần tổ chức các tiểu ban chuyên môn với đại diện của các sở, ngành tham gia vào phần thi vấn đáp để có thể có ý kiến đánh giá khách quan, chính xác về năng lực của các ứng viên trong lĩnh vực công tác sau này.
Việc quy định rõ về phân cấp thẩm quyền trong tuyển dụng công chức ở tỉnh Hải Dương là cần thiết, song để hoạt động phân cấp đạt được hiệu quả cao, hay nói cách khác để công tác tuyển dụng đạt được hiệu quả thực chất thì công tác tổ chức triển khai các khâu trong tuyển dụng công chức cũng cần phải được quan tâm.