Điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có nền VHCV. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh như việc xây dựng chủ trương, chính sách, chuẩn mực của nền VHCV; việc đầu tư nguồn lực xây dựng cơ quan, công sở văn minh, hiện đại, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc; việc trả lương, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ C CCVC…
Đất nước ta từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, điều kiện kinh tế - xã hội có sự phát triển ổn định, liên tục, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đó là cơ sở để có thêm điều kiện dành nhiều nguồn lực hơn cho việc xây dựng VHCV. Nhờ vậy, nền hành chính, công vụ ở Việt Nam theo định hướng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Thể chế này ngày càng thể hiện tính dân chủ, tiến bộ; chính quyền ngày càng liêm chính, công khai,
minh bạch, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Mối quan hệ giữa khu vực tư và khu vực công ngày càng gần gũi hơn cả trong nhận thức và hành động. Công dân được trao nhiều quyền hơn thông qua các hình thức ủy quyền, phân quyền, nhiều nhiệm vụ hơn và cũng có nhiều sự tự do hơn khi họ áp dụng những nguyên tắc, hệ thống các quy tắc linh hoạt hơn. Sự cầm quyền ngày càng khoa học, dân chủ, bằng Hiến pháp, pháp luật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở công sở ngày càng đầy đủ, ngăn nắp, khoa học đã hỗ trợ đắc lực cho CBCCVC, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần hoàn thành công vụ được giao…
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước dù phát triển nhanh nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu. Điều đó được thể hiện khá rõ ở chính sách tiền lương cho đội ngũ C CCVC vẫn còn thấp. Vì lương chưa đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống nên họ vẫn chưa thật sự chuyên tâm, vẫn còn tình trạng “chân trong, chân ngoài”, dẫn đến một số hiện tượng vòi vĩnh, tham nhũng, hối lộ… Thể chế VHCV chưa được hoàn thiện: “Năng lực xây dựng và thực thi pháp luật, cơ chế chính sách chưa cao, một số văn bản pháp luật ban hành còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn; nhiều chính sách còn chồng chéo, chậm khắc phục…Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu”. Cơ quan, công sở ở cấp cơ sở (cấp xã) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhất là ở các địa phương có kinh tế chậm phát triển…