Nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cũng tế nhị như đặc tính của con người. Người lãnh đạo, quản lý phải nắm được đặc điểm nhân tâm lý, nhân cách của người thuộc quyền để có nghệ thuật thích ứng hợp lý. Người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc đề xuất bảng giá trị chung và triết lý lãnh đạo của tổ chức.
Lãnh đạo là người đứng đầu công sở, chỉ huy hoạt động của toàn công sở nên có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa công sở. Người lãnh đạo có thể ví như người thợ rèn, có thể định dạng lề lối làm việc, tác phong làm việc theo sự quản lý của mình một cách chủ định hoặc ngẫu nhiên. Sự điều hành của lãnh đạo tác động mạnh mẽ tới nề nếp, thói quen, kỷ luật lao động của toàn công sở. Cách quản lý lỏng lẻo hay chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến tác phong làm việc của nhân viên. Nếu lãnh đạo quản lý chặt chẽ, nhân viên sẽ làm việc nghiêm túc. Ngược lại, nếu lãnh đạo quản lý lỏng lẻo, nhân viên sẽ làm việc một cách đối phó. Bên cạnh đó, người cán bộ lãnh đạo phải có tác phong gần gũi cấp dưới, hiểu biết rõ tâm tư nguyện vọng của nhân viên, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, phát huy năng lực của mình trong sự nghiệp chung. Người lãnh đạo phải là người biết lắng nghe, biết chia sẽ, từ đó tạo không khí dân chủ, gần gũi trong công sở.
Một đặc điểm của tác phong lãnh đạo của người cán bộ cách mạng là tổ chức kiểm tra có hiệu quả hoạt động của cấp dưới. Tổ chức kiểm tra trên thực tế là tạo ra một hệ thống thu nhận thông tin đầy đủ từ bên dưới, đó là mối liên hệ ngược cho phép người lãnh đạo kịp thời phát hiện những sai lệch và thông qua những biện pháp cần thiết để đảm bảo hoạt động bình thường của công
việc. Vấn đề cần được quan tâm là cương quyết đấu tranh chống tác phong lãnh đạo quan liêu giấy tờ.
Sự điều hành của lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động quản lý trong các cơ quan hành chính. Người lãnh đạo xây dựng được phong cách lãnh đạo phù hợp sẽ tạo được niềm tin đối với nhân viên của mình. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ban hành các quyết định quản lý. Mặt khác, sẽ tạo sự đồng thuận trong việc chấp hành của cấp dưới.
1.3.5. Trình độ, năng lực nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động
Trình độ, năng lực nhận thức của đội ngũ CC, VC – LĐ được biểu hiện qua mức độ nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chức trách, quyền hạn và nghĩa vụ của bản thân; hệ thống các quy tắc xử sự với cấp trên, đồng nghiệp và với nhân dân... Trình độ, năng lực nhận thức còn biểu hiện thông qua mức độ tự giác thực hiện các quy chế, quy định làm việc của cơ quan, các quy tắc, chuẩn mực ứng xử. Nếu CC, VC – LĐ nhận thức rõ và có ý thức tuân thủ, bảo vệ và duy trì những quy định đó trong hoạt động thực thi công vụ thì văn hóa công sở sẽ không ngừng được nâng cao. Vì vậy, để góp phần xây dựng văn hóa công sở, một giải pháp rất quan trọng là tăng cường công tác giáo dục cho CC, VC – LĐ về chức năng, nhiệm vụ, định hướng hoạt động của cơ quan, tổ chức; chức trách, quyền và nghĩa vụ của bản thân; hệ thống các quy tắc xử sự thể hiện qua thái độ, hành vi ứng xử...để CC, VC – LĐ nắm vững và tự giác thực hiện.
Ngoài ra, văn hóa công sở của cơ quan, tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức, năng lực tổ chức, điều hành hoạt động công sở của cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Nếu người lãnh đạo nhận thức rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công sở, có sự quan tâm và nỗ lực cần thiết cho việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc văn hóa công sở
trong cơ quan, đơn vị mình, đồng thời có năng lực tổ chức, điều hành hoạt động công sở bảo đảm sự đoàn kết, dân chủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động...thì văn hóa công sở sẽ không ngừng được tăng cường và đảm bảo thực hiện. Ngược lại, nếu người lãnh đạo quan liêu, cửa quyền, tổ chức điều hành mất dân chủ, không được cấp dưới ủng hộ, gây mất đoàn kết trong cơ quan thì không thể phát huy tác dụng của văn hóa công sở, làm ảnh hưởng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Do đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, nâng cao văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính hiện nay.