Về trang phục của công chức, viên chức, người lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân huyện ứng hòa thành phố hà nội (Trang 53 - 56)

1.2.4 .Những quy định của pháp luật về văn hóa công sở

2.2. Văn hóa công sở tại UBND Huyện Ứng Hòa

2.2.2. Về trang phục của công chức, viên chức, người lao động

Việc tiếp xúc với các tổ chức, quần chúng nhân dân trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức tại cơ quan hành chính nhà nước hay là xuống tận cơ sở, địa bàn dân cư thì đội ngũ cán bộ, công chức phải luôn luôn thể hiện mình là người đại diện cho nhà nước làm việc với nhân dân với những bộ trang phục phải gọn gàng, sạch sẽ và phù hợp với hoàn cảnh nhưng không được luộm thuộm và kém phẳng phiu. Trang phục của cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng góp phần quyết định sự thành công của quá trình tiếp xúc và làm việc với các tổ chức, quần chúng nhân nhân hay trong các buổi tiếp dân.

Những năm gần đây, khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, các hoạt động văn hóa - văn nghệ nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố

Hà Nội, đất nước hay thế giới của cán bộ, công chức tại ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa được tổ chức thường xuyên hơn. Bên cạnh các tiết mục văn nghệ thường đi kèm phần thi “Thời trang công sở”. Đó là một nét mới trong hoạt động văn hóa của môi trường công sở, góp phần nâng cao sự phong phú đời sống tinh thần và ý thức đối với trang phục công sở của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Hiện nay ở một số cơ quan đã thấy xuất hiện những bộ đồng phục khá bắt mắt, đặc trưng cho mỗi ngành, cơ quan. Điều đó, ngoài việc để mọi người dễ nhận biết đó là người của cơ quan, của ngành nào, còn là thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và cả nét đẹp của công sở. Mục đích mặc trang phục công sở là để tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp, bất kể vị trí công việc cao thấp ra sao, con đường sự nghiệp như thế nào. Kiểu dáng, màu sắc, độ dài và sự vừa vặn của trang phục phản ánh thái độ của người sở hữu nó. Bộ trang phục đẹp giúp cho người cán bộ, công chức trở nên chuyên nghiệp hơn, chứ không phải đơn thuần để trở nên xinh xắn hay hợp mốt, sành điệu. Thực tế là, những bộ trang phục hay trang sức nào càng làm cho người khác phân tâm thì nó càng ít phù hợp với môi trường công sở. Một bộ trang phục không phù hợp có thể sẽ làm hỏng luôn vẻ chuyên nghiệp của người cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít cơ quan, phòng ban khi bước vào, người dân sẽ thấy ngay sự lộn xộn trong cách ăn mặc của cán bộ, công chức cơ quan đó ... mà có thể nói là sự “ đa sắc màu” về trang phục của cán bộ, công chức. Tuy có tuân thủ những quy định chung mang tính sơ đẳng như nam thì sơ mi bỏ trong quần, không cẩu thả…, nữ thì không được hở hang...nhưng nhìn chung vẫn thấy xuất hiện sự tùy tiện, thậm chí là cẩu thả của một số cán bộ, công chức, mà không ít người trong đó, hàng ngày tiếp xúc với nhiều đối tượng công dân.

Sẽ là phản cảm khi chứng kiến những nữ cán bộ, công chức quần ống thấp ống cao, tóc tai buộc một cách cẩu thả, thậm chí có người thì guốc dép lẹt quẹt đi vang cả hành lang, trang phục đã lôi thôi, cách đi đứng cũng không được đẹp mắt. Đó là chưa kể một số người lại ăn mặc loè loẹt, quá cách điệu, không phù

hợp chút nào với môi trường nơi công sở, thường xuyên tiếp xúc với người dân. Còn nam giới, tuy đơn giản hơn nhưng vẫn có tình trạng mặc áo phông không có cổ, áo không được là ủi phẳng phiu...những bộ trang phục như vậy nói lên những con người đó coi thường mọi người và cả chính bản thân mình, ở một mặt nào đó còn là do sự thiếu nghiêm khắc của cơ quan trong việc ban hành các nội quy, quy định đối với cán bộ, công chức của cơ quan mình.

Tại Ủy ban nhân dân Huyện Ứng Hòa hiện nay, về cơ bản cán bộ, công chức mặc gọn gàng, sạch sẽ, trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức đã chú trọng đến trang phục để gọn gàng, sạch sẽ. Điều này không chỉ thể hiện ý thức tôn trọng và tuân thủ thực hiện theo Quy chế Văn hóa công sở trên địa bàn UBND Huyện mà còn thể hiện được sự tôn trọng của cán bộ, công chức đối với người dân, với đồng nghiệp và với bản thân mình. Đội ngũ cán bộ, công chức tại ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa Hòa phần lớn đã đảm bảo được lễ phục theo quy định. Lễ phục của cán bộ, công chức là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài. Trong đó, lễ phục của nam cán bộ, công chức là bộ comple, áo sơ mi, cravat. Lễ phục của nữ cán bộ, công chức là áo dài truyền thống, bộ comple nữ. Đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục.

Tuy nhiên như đã đánh giá ở phần hệ thống các văn bản quy định về văn hóa công sở, phần quy định về trang phục công sở chỉ quy định chung chung “trang phục công sở lịch sự” nhưng trang phục lịch sự là thế nào, phải đáp ứng những tiêu chí nào thì lại chưa quy định cụ thể, chi tiết, mà mỗi một cán bộ, công chức lại có quan niệm và hiểu biết khác nhau về trang phục lịch sự cho nên dẫn đến tình trạng tại UBND Huyện Ứng Hòa vẫn nhiều cán bộ công chức nam khi đến công sở vẫn mặc quần jean, áo phông, thậm chí là áo phông không có cổ, nhăn nhúm, không được là phẳng phiu.

Về nội dung đeo thẻ cán bộ, công chức, qua quan sát thực tế cho thấy đa phần cán bộ, công chức tại UBND huyện Ứng Hòa đều thực hiện đeo thẻ trong

quá trình thực thi nhiệm vụ. Theo quy định của Quy chế Văn hóa công sở, thẻ cán bộ, công chức phải có tên cơ quan, ảnh, họ và tên, chức danh và số hiệu của cán bộ, công chức. Thông qua việc đeo thẻ cán bộ, công chức, người dân có thể nhận ra người đang thực hiện công việc là ai, chức vụ gì, làm việc tại phòng ban nào, đồng thời người cán bộ, công chức cũng ý thức được trách nhiệm, hành vi của mình trong quá trình làm việc với nhân dân.

Một số ý kiến của người dân và ngay cả cán bộ lãnh đạo cũng cho rằng việc đeo thẻ cán bộ, công chức là bắt buộc đối với mọi cán bộ, công chức và cần được Ủy ban nhân dân kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, đến mức nếu không đeo thẻ thì cán bộ, công chức sẽ không vào được cơ quan. Việc đeo thẻ cán bộ, công chức nhằm tăng cường sự tham gia quản lý, giám sát của các tổ chức, người dân vào trong các hoạt động hành chính nhà nước, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thực thi công vụ. Điều này không chỉ tạo nên hình ảnh cơ quan hành chính nhà nước trong sạch, làm việc hiệu quả, vì nhân dân phục vụ mà còn góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân huyện ứng hòa thành phố hà nội (Trang 53 - 56)