7. Ý nghĩa của luận văn
3.2.1. Giải pháp chung
Thứ nhất, bảo đảm môi trường pháp lý cho hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Môi trường pháp lý là một trong những yếu tố quan trọng trong ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước nói chung và trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nói riêng. Việc bảo đảm môi trường pháp lý cho hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông bao gồm các hoạt động:
- Xây dựng các quy định về an toàn thông tin, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước.
- Xây dựng và hướng dẫn triển khai Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử. - Xây dựng, ban hành các mô hình, tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
- Hoàn thiện các văn bản quy định về tài chính phù hợp đặc thù quản lý ứng dụng CNTT [16].
Việc bảo đảm môi trường pháp lý cho hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông đòi hỏi UBND thành phố Thủ Dầu Một cần xây dựng và thực hiện các quy định về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tập trung xây dựng kế hoạch cải cách hành chính; xây dựng, thực hiện Quy hoạch phát triển CNTT trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ban hành các văn bản hướng dẫn cán bộ, công chức ứng dụng CNTT chuyên sâu như khai thác dữ liệu, thông tin trên máy tính để phục vụ công việc chuyên môn, hạn chế tình trạng chỉ sử dụng máy tính ở mức đơn giản như soạn thảo văn bản như hiện nay. Lãnh đạo các đơn vị cần kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của địa phương nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính cũng như bảo đảm thực hiện tốt pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm CNTT.
Thứ hai, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT và tăng cường năng lực cán bộ làm công tác an toàn thông tin.
Đối với cán bộ, công chức sử dụng trang thiết bị và phần mềm CNTT được sắp xếp ở các vị trí tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cần được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ và CNTT, đồng thời được hưởng chế độ hỗ trợ, ưu tiên về các điều kiện làm việc vì đây là một công việc nhiều áp lực. Tăng cường đào tạo kỹ năng về ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, cán bộ, công chức, viên chức được truy nhập Internet miễn phí tại các cơ quan nhà nước mà mình đang công tác.
Đối với cán bộ chuyên trách về CNTT cần có chế độ đãi ngộ cho phù hợp. Các cơ quan nhà nước ban hành quy định ưu đãi về thu nhập cho nhân lực CNTT trong cơ quan mình; quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền lợi, yêu cầu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với việc ứng dụng CNTT trong công việc của mình.
Cán bộ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về điều kiện làm việc, bao gồm:
- Ưu đãi về sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin và trang thiết bị; - Ưu đãi về đào tạo, nâng cao trình độ CNTT;
- Ưu đãi khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, giám đốc CNTT ở các cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT và việc thuê dịch vụ CNTT [16].
Thứ ba, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng CNTT từ các quốc gia trên thế giới và các địa phương trong cả nước,đặc biệt là các địa phương đi đầu về ứng dụng CNTT trong tổ chức và hoạt động của cơ quan như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Giang. Tổ chức các chuyến đi thực tế để cán bộ, công chức được quan sát, tiếp cận thực tế với những ứng dụng mới của CNTT để áp dụng vào cơ quan mình.
Chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về CNTT của Chính phủ, bộ, ngành, các viện nghiên cứu. Tranh thủ các
chương trình học bổng của nước ngoài, các chương trình cử đi đào tạo ở nước ngoài của tỉnh, ưu tiên cử cán bộ trẻ đang công tác trong lĩnh vực CNTT có năng lực, giỏi ngoại ngữ tham gia học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài, từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao làm nòng cốt.
Tập trung xây dựng chương trình, hợp tác trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực an toàn thông tin, an ninh mạng, đáp ứng tình hình cấp bách về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.
Thứ tư, tăng cường công tác bảo mật an toàn thông tin trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân.
Tình hình an toàn, an ninh thông tin hiện nay đang có những diễn biến hết sức phức tạp, các loại virus, mã độc đang được phát triển và phát tán tràn lan, tội phạm mạng ngày một nhiều, các cuộc tấn công phá hoại, lấy cắp thông tin trên các mạng CNTT ngày một gia tăng, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thông tin. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và triển khai CPĐT, các cuộc tấn công, xâm nhập trái phép vào các hệ thống mạng CNTT của các cơ quan nhà nước để phá hoại, thu thập, lấy cắp thông tin cũng ngày càng gia tăng. Chính phủ điện tử là nơi cung cấp khả năng truy cập vào các dịch vụ của chính phủ tại bất cứ nơi nào và bất kỳ lúc nào từ hệ thống mạng Internet, cho nên, nguy cơ bị tấn công vào hệ thống hạ tầng và các ứng dụng, lây nhiễm virus, mã độc đang là những thách thức không nhỏ về bảo đảm an toàn thông tin đối với sự phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử hiện nay. Trong khi đó, từ trước đến nay, việc đầu tư cho an toàn, an ninh thông tin ở nước ta chủ yếu mang mang tính tự phát, không có quy định rõ ràng.
Do đó, việc ứng dụng CNTT đi đôi với đảm bảo an toàn thông tin. chú trọng công tác bảo mật, an toàn thông tin là vô cùng cần thiết.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ phải “Gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng, phát triển CNTT phải đi đôi với bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia”
Luật An toàn thông tin mạng được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động An toàn thông tin mạng; đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống nguy cơ mất An toàn thông tin mạng. Đây là căn cứ pháp lý để hoàn thiện tính an toàn an ninh trong hệ thống, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ vận hành và quản lý, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sản phẩm về an toàn thông tin của Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp phá hoại, tấn công mạng
Để tăng cường công tác bảo mật an toàn thông tin trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân, UBND thành phố Thủ Dầu Một cần đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân một cách thường xuyên và liên tục. Ban hành các quy định về bảo mật thông tin, quy chế bảo mật thông tin nội bộ, các quy định về an toàn thông tin trong giải quyết TTHC cho người dân. Đảm bảo việc truy cập và khai thác thông tin được bảo mật tùy theo vai trò, nhiệm vụ của người sử dụng, đảm bảo phục vụ công cộng nhưng vẫn an toàn về các thông tin cần bảo mật.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tình hình và các nguy cơ mất an toàn thông tin đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức trong việc ứng dụng CNTT trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông.