7. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
2.1.2. Điều kiện xã hội
a. Về dân số, lao động, việc làm, thu nhập
v Dân số
Theo số liệu thống kê của thành phố Đà Nẵng, năm 2015, dân số thành phố Đà Nẵng là 1.006.149 người. Với diện tích tự nhiên 1.283,43 km2, mật độ dân số là 783,9995người/km2.
Dân số thành phố Đà Nẵng tăng tương đối nhanh, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 2010 – 2015 là 3,4%/năm; trong đó tốc độ tăng dân số tự nhiên là 1,19%/năm. Do vậy, sau 5 năm dân số tăng hơn 161.000 người; tỷ lệ dân số thành thị khá cao, hơn 88% (tỷ lệ cao nhất cả nước). Đặc biệt, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số; tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số tăng từ 64,34% năm 2010 lên 66,65% năm 2015; nguồn lao động phát triển khá nhanh.
v Lao động
Lực lượng lao động của thành phố Đà Nẵng dồi dào và đều tăng qua các năm (xem phụ lục 01)
Trong vòng 6 năm số người trong độ tuổi lao động ở thành phố Đà Nẵng tăng 131.953 người (2010: 424.418 người, 2015: 556.371 người), chiếm 60,08% dân số. Tỷ lệ này cao hơn 14,25% so với năm 2010, là nguồn cung lao động cho nền kinh tế. Đây là một thuận lợi đảm bảo cho nền kinh tế phát triển, nhất là chất lượng lao động ngày một tăng; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 37% năm 2010 lên 44% năm 2015; nhưng đồng thời, cũng trở thành áp lực cho công tác giải quyết việc làm, tạo việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
v Việc làm
Năm năm qua (2010 – 2015), sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp tăng thêm 73.500 chỗ làm mới; trên cơ sở đó đã giải quyết việc làm cho 161.486 lao động, bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 32.300 lao động; tỷ lệ thất nghiệp giảm dần với mức tương đối ổn định; giảm từ 4,5% năm 2010 xuống 4,15% năm 2015.
Tuy nhiên, do đặc thù của thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây là công tác quy hoạch phát triển thành phố, chỉnh trang đô thị diễn ra với tốc độ khá nhanh; công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất sản xuất diễn ra trên diện rộng, nên lao động nông nghiệp, nông thôn chuyển đổi ngành nghề, chuyển hướng sản xuất kinh doanh là vấn đề đặc biệt đáng quan tâm. Mặt khác, lao động chưa có việc làm vẫn còn bức xúc; theo số liệu thống kê năm 2015, có 4,15% lực lượng lao động chưa có việc làm, tương ứng hơn 22.500 người, phần lớn là lao động chưa qua đào tạo, chiếm 77,01%. Nhiều lao động tuy có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học nhưng do học những ngành nghề mà thị trường chưa có nhu cầu dẫn đến thất nghiệp, chiếm tỷ lệ khá cao 18,21%, đào tạo nghề nhưng chưa tìm được việc làm chiếm 4,07%.
v Thu nhập và mức sống
Thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng đến công tác giải quyết và tạo thêm việc làm cho người dân. Chính vì thế, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm xuống. Điều đó thể hiện qua các số liệu thống kê ở phụ lục 02.
Thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng những năm qua được nâng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước. Nếu thu nhập bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2010 đã đạt mức 1.897,2 nghìn đồng/người/tháng thì đến năm 2015 là 4.675,0 nghìn đồng/người/tháng (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010). Chứng tỏ, cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố đang từng ngày được cải thiện và nâng cao.
b. Về giáo dục
Tính đến 30/12/2015, lực lượng lao động toàn thành phố là 556.371 người, chiếm 60,08% tổng dân số của thành phố, trong đó:
- Công nhân kỹ thuật: 39.130 người - Trung cấp: 28.580 người
- Đại học, cao đẳng: 101.770 người - Khác: 386.891 người
Tỷ lệ lao động qua đào tạo (ước năm 2015): 52%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề (ước năm 2015): 39%.
Theo Quy hoạch phát triển nhân lực của thành phố đến năm 2020, Đà Nẵng có 70% lao động qua đào tạo, trong đó có 21% có trình độ đại học, cao đẳng; 16% - trung cấp chuyên nghiệp và 33% công nhân kỹ thuật.
Đà Nẵng là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và là trung tâm lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh). Đà Nẵng có 01 Đại học vùng là Đại học Đà Nẵng với 06 trường thành viên (04 trường đại học và 02 trường cao đẳng), 04 trường đại học độc lập, 13 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp nghề, 17 trung tâm dạy nghề và 33 cơ sở khác có dạy nghề.
c. Về nhà ở cho người dân
Tính đến năm 2013, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 100% người dân là có nhà ở và không còn tình trạng người dân phải ở nhà tạm hay nhà khác. Số liệu thống kê cụ thể xem ở phụ lục 03.
Đà Nẵng đã chủ động, sáng tạo mô hình phát triển riêng theo chính sách 3 có, trong đó có “Có nhà ở”. Để thực hiện được mục tiêu “Có nhà ở”, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở và đã thực sự giải quyết một bước nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thuộc diện giải tỏa, gia đình chính sách, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) và người có thu nhập thấp đang sinh sống tại thành phố. Bằng nguồn vốn ngân sách, thành phố đã đầu tư
xây dựng 187 khối nhà với gần 10.400 căn hộ, trong đó đã bố trí 8.319 căn, còn lại 545 căn chưa bố trí và 286 căn đang triển khai bán thí điểm; 2 dự án với 1.154 căn đang được gấp rút hoàn thành.
d. Về y tế
Đầu tư cho y tế, giáo dục bảo đảm cuộc sống có chất lượng cao cho người dân là một mục tiêu quan trọng trong những nỗ lực của thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng hiện có 114 cơ sở y tế, trong đó: 44 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 14 bệnh viện và trung tâm y tế quận huyện, 56 trạm y tế xã phường với 4.998 giường bệnh và 5.049 cán bộ ngành y.