7. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
2.3.2. Nguồn lực tài chính đảm bảo an sinh xã hội
Nguồn lực tài chính là một trong những điều kiện quan trọng để thực thi các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Thành phố Đà Nẵng là một trong những TP trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Vì thế, việc huy động nguồn lực tài chính đảm bảo đảm bảo an sinh xã hội cho người dân có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Trong cơ cấu chi ngân sách hàng năm TP Đà Nẵng đã dành một phần ngân sách để chi cho các chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Năm 2015, tổng dân số TP Đà Nẵng đạt khoảng 1.006.149 người, chiếm 1% tổng dân số toàn quốc, tăng thêm 80.131 người so với năm 2010. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng dân số bình quân mỗi năm đạt 1,39%, cao hơn so với tốc độ tăng dân số của toàn quốc (1,04%) (xem phụ lục 8).
Giai đoạn 2010 - 2015, TP Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo điều kiện cho đầu tư đảm bảo ASXH trên địa bàn thành phố. Năm 2015, giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP Đà Nẵng đạt mức 45.885 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành), tăng 1,6 lần so với năm 2010 (28.678 tỷ đồng).
Xét về tốc độ tăng GDP, năm 2015, GDP của TP Đà Nẵng đạt mức tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước (6,68%). Trong giai đoạn 2010-2015, GDP tăng bình quân khoảng 9,7%/năm, cao hơn gần 1,6 lần so với tốc độ tăng bình quân của cả nước (5,9%/năm).
Biểu đồ 2.2. So sánh tốc độ tăng GDP của TP Đà Nẵng và Việt Nam giai
đoạn 2010-2015
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Bên cạnh những nổ lực để phát triển về kinh tế, Thành phố Đà Nẵng cũng rất chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực xã hội nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự, công bằng và ổn định xã hội. Tổng ngân sách chi thường xuyên của TP Đà Nẵng có sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2010 - 2015, đạt tốc độ tăng bình quân 23,68%/năm), cụ thể, tăng từ 1.372.033 triệu đồng (10,79 % tổng chi ngân sách) năm 2010 tăng lên 4.911.941 triệu đồng (26,56%) năm 2015 (xem phụ lục 9).
Trong cơ cấu ngân sách chi thường xuyên, chi đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng có xu hướng tăng trong thời kỳ 2010- 2015, cụ thể: Tỷ trọng đầu tư cho y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình trong tổng ngân sách chi thường xuyên đạt tốc độ tăng bình quân 6,13%/năm thời kỳ 2010-2015. Năm 2015, đầu tư cho lĩnh vực này chiếm 19,65% tổng ngân sách chi thường xuyên, tăng 1,43 lần so với năm 2010. Tỷ trọng đầu tư cho đảm bảo xã hội trong tổng ngân sách chi thường xuyên đạt tốc độ tăng bình quân 5,88%/năm trong giai đoạn 2010-2015. Năm 2015, đầu tư cho lĩnh vực này chiếm 8,92% tổng ngân sách chi thường xuyên, tăng 1,41 lần so với năm 2010(6,33% tổng ngân sách chi thường xuyên); Tỷ trọng đầu tư cho giáo dục trong tổng ngân sách chi thường xuyên đạt tốc độ tăng bình quân 7,66%/năm
thời kỳ 2010-2015. Năm 2015, tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực này chiếm 29,53% tổng ngân sách chi thường xuyên, gấp 1,56 lần so với năm 2010 (18,96% tổng ngân sách chi thường xuyên).
a. Nguồn lực tài chính đảm bảo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
Nguồn tài chính để thực thi các chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được hình thành từ hai nguồn: nguồn đóng góp của các đối tượng thuộc diện bắt buộc (nguồn bắt buộc) và nguồn đóng góp của các đối tượng tự nguyện (nguồn tự nguyện). BHXH thành phố Đà Nẵng hàng năm luôn thực hiện tốt công tác tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, BHYT và quản lý quỹ BHXH, BHYT trên địa bàn. Từ năm 2010 đến 2015, hoạt động thu BHXH tự nguyện và BHYT tự nguyện ngày càng tăng. Chính vì thế, nguồn lực tài chính của lĩnh vực này cũng tăng theo hàng năm.
ĐVT: Triệu đồng
Biểu đồ 2.3. Nguồn lực tài chính thu, chi trong lĩnh vực BHXH và BHYT trên địa bàn thành phốĐà Nẵng từ năm 2010 đến năm 2015
Về thu BHXH và BHYT: Năm 2015, tổng thu quỹ bảo hiểm xã hội đạt 2.752.065 triệu đồng, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010 (1.319.458 triệu đồng). Hoạt động thu hàng năm của BHXH TP Đà Nẵng tập trung từ những nguồn cơ bản: thu BHXH bắt buộc; thu BHTN; thu BHXH tự nguyện; thu BHYT; thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT. Việc thu BHXH của TP Đà Nẵng những năm gần đây năm sau tăng cao hơn so với năm trước là do một số nguyên nhân: Tỷ lệ thu BHXH tăng theo quy định của Luật BHXH (từ 22% lên 26%); Tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương tối thiểu chung của Nhà nước từ 1.350.000 đồng lên 3.100.000 đồng.
Về cân đối thu - chi quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: Mặc dù thu quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có xu hướng tăng nhanh cùng với xu hướng tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, song do mức chi của quỹ vẫn luôn trong tình trạng cao hơn so với số thu nên quỹ vẫn ở mức thâm hụt.
b. Nguồn lực tài chính đảm bảo thực hiện chính sách trợ cấp xã hội
TP Đà Nẵng chủ trương tăng cường trợ giúp đối tượng yếu thế theo hướng mở rộng diện đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội và tăng dần mức trợ cấp, giúp cho các đối tượng có cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Chính vì thế TP Đà Nẵng đã thực hiện tốt Nghị định của 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ, trong đó, tăng mức chuẩn trợ cấp cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ có sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, tạo tiền đề cho việc thực hiện các chính sách xã hội. Từ năm 2010 đến nay, TP Đà Nẵng luôn áp dụng mức chuẩn trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội bằng với mức chuẩn trợ cấp theo quy định chung của Nhà nước. Năm 2015, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 270.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, so với mức lương tối thiểu, mức chuẩn trợ cấp xã hội thường xuyên này vẫn còn quá thấp, không theo kịp xu hướng tăng của mức tiền lương tối thiểu (được điều chỉnh 6 lần, từ 1.350 nghìn đồng/tháng năm 2010
tăng lên 3.100 nghìn đồng/tháng năm 2015).
Từ năm 2010-2015, nguồn ngân sách đầu tư thực hiện chính sách trợ giúp xã hội của TP Đà Nẵng có xu hướng tăng, đạt tốc độ tăng bình quân 2,94%/năm. Trong đó, chủ yếu là từ ngân sách TP Đà Nẵng (chiếm hơn 90% trong tổng ngân sách đầu tư), đạt tốc độ tăng bình quân 3,14%/năm và ngân sách xã hội hóa huy động từ các nguồn khác đạt tốc độ tăng bình quân 0,60%/năm.
Biểu đồ 2.4. Mức chuẩn trợ cấp xã hội thường xuyên cho đối tượng bảo trợ
xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2015
(Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ văn bản chính sách pháp luật)
Về loại hình đầu tư, nguồn ngân sách chủ yếu là dành cho công tác trợ cấp xã hội thường xuyên và trợ cấp xã hội đột xuất đối với các nhóm đối tượng yếu thế, đặc thù thuộc diện bảo trợ xã hội và nhóm đối tượng gặp rủi ro, khó khăn đột xuất. Ngân sách chi cho trợ cấp xã hội thường xuyên và đột xuất năm 2015 đạt 149.318 triệu đồng, tăng 1,16 lần so với năm 2010 (1129.179 triệu đồng) và tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2010-2015 đạt 4,86%/năm đối với trợ cấp xã hội thường xuyên, còn đối với trợ cấp đột xuất giảm đi 19,86%/năm.
c. Nguồn lực tài chính thực hiện chính sách ưu đãi xã hội
Chế độ ưu đãi xã hội ở thành phố Đà Nẵng đã có sự đổi mới căn bản. Gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, mức trợ cấp ưu đãi xã hội được điều chỉnh trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trợ cấp ưu đãi xã hội những năm qua luôn được điều chỉnh. Đây là một minh chứng rõ nét nhất sự quan tâm, trách nhiệm của Nhà nước và thành phố, nỗ lực đảm bảo nguồn lực tài chính chi cho lĩnh vực này. Năm 2010, nguồn lực tài chính dành riêng ưu đãi xã hội là 667.337 triệu đồng, năm 2011 là 663.449 triệu đồng, và đến năm 2015 là 656.341 triệu đồng. Ngoài nguồn lực tài chính từ địa phương, thành phố còn huy động từ nguồn xã hội hóa.
Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; chế độ ưu đãi đối với con của người có công đang theo học ở nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên (hoặc đã mất) thì con của họ đang theo học ở nhà trường được hưởng chế độ trợ cấp mỗi năm một lần mua đồ dùng, sách vở, dụng cụ học tập, được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác, học sinh học ở các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, dân tộc nội trú được hưởng trợ cấp hàng tháng. Người có công (đặc biệt là người hoạt động kháng chiến không hưởng lương bảo hiểm xã hội- khoảng 2,1 triệu người) được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức 3% lương tối thiểu. Cùng với chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng, chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp (về kinh tế xã hội) đã góp phần nâng cao mức sống người có công, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ trong ưu đãi xã hội.
d. Nguồn lực tài chính cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo
Để thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, thành phố sử dụng ba nguồn lực tài chính, đó là: ngân sách thành phố, ngân sách trung ương cấp
và nguồn vốn thông qua huy động từ các tổ chức. Số liệu cụ thể về tình hình ngân sách (xem phụ lục 10).
Ngân sách chủ lực cho các chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố vẫn là ngân sách địa phương, chiếm hơn một nửa ngân sách thực hiện. Nguồn ngân sách thường được chi thực hiện hỗ trợ giáo dục - đào tạo, y tế, xây dựng nhà tình thương, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, Ủy thác vốn qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng và cấp bù chênh lệch lãi suất (huy động nguồn vốn ngân hàng thương mại), trợ cấp cho cán bộ chuyên trách Xóa đói, giảm nghèo phường/xã và hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình Xóa đói, giảm nghèo thành phố. Hàng năm, thành phố nhận được ngân sách từ trung ương chi cho chương trình Tín dụng, Định canh-định cư, Vùng kinh tế mới, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác Xóa đói, giảm nghèo. Một phần ngân sách đề thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo thành phố huy động từ cộng đồng dân cư thông qua Quỹ Vì người nghèo, các mô hình tiết kiệm như: tiết kiệm theo mô hình “Xuân Hà”, tiết kiệm tín dụng, góp vốn quay vòng... của Hội Liên hiệp Phụ nữ, cho vay không lãi theo chương trình “Vì đồng đội năm xưa” của Hội Cựu chiến binh... Bên cạnh đó, thành phố cũng vận động tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ (N.G.O.) để thực hiện chương trình Giảm nghèo trên nhiều lĩnh vực như: hỗ trợ nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vùng nông nghiệp và an sinh xã hội...