7. Bố cục đề tài
1.4.3. Tỉnh Thanh Hóa
Trong 4 năm qua công tác giảm nghèo tại 7 huyện nghèo đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo; nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, vùng nghèo thực hiện đạt hiệu quả chưa cao; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn; đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được
nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Thu nhập bình quân của hộ nghèo mới đạt 310.000 đồng/người/tháng. Điều kiện sinh hoạt của các hộ nghèo ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Thanh Hóa đã có các chủ trương, giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo tại 7 huyện nghèo như sau:
- Đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính tự chủ và thay đổi tập quán sản xuất gắn với thị trường. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở các trang chuyên mục trên báo, đài phát thanh và truyền hình hoặc sân khấu hóa nhằm thông tin đến các cấp, các ngành các tầng lớp nhân dân và người nghèo các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo.
- Rà soát, điều chỉnh lại định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, xác định cơ cấu kinh tế của từng huyện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư gắn với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư thuộc các chương trình giảm nghèo; ưu tiên đầu tư để hoàn thiện đường giao thông liên xã và hệ thống giao thông nông thôn...; tập trung cải tạo nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có theo phương châm mức đầu tư thấp hiệu quả kinh tế cao, tận dụng nguồn nước tự chảy....
- Đổi mới phương thức tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng trực tiếp cho người lao động gắn với xây dựng mô hình "cầm tay chỉ việc".
- Rà soát đánh giá lại các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo và đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình thực tế.
- Tập trung nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các hoạt động văn hóa, thể thao, phát thanh và truyền hình.
- Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; đưa mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Từ năm 2009-2011, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã hỗ trợ tỉnh Thanh Hoá gần 200 tỷ đồng. Trong đó một số doanh nghiệp hỗ trợ lớn như: Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam 61 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) trên 40 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 32 tỷ đồng... để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, giáo dục và y tế...
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 30a, với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, sự lồng ghép các chương trình, hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước và các nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm. Sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh cùng với sự cố gắng của các cấp, các ngành và sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân 7 huyện nghèo trên địa bàn Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho nhân dân các huyện nghèo cải thiện một phần điều kiện sản xuất, nâng cao trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng được cải thiện thay đổi bộ mặt của các huyện nghèo, giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 56,04% đầu năm 2008 xuống còn 40,63% vào cuối năm 2010 (giảm 15,41%). Năm 2011 theo chuẩn nghèo mới được quy định tại Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 7 huyện là 50,67% đã giảm xuống còn 36,65% cuối năm 2012 (giảm 14,02%). Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình
quân đầu người đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng, lương thực bình quân đầu người đạt 350 kg/năm.
Có thể khẳng định rằng, với những chính sách đúng đắn, thiết thực; sự hỗ trợ và chỉ đạo nhiệt tình, tận tụy của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, các nhà tài trợ và nhân dân các dân tộc anh em tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết 30a của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tăng thu nhập của người dân và công tác giảm nghèo có hiệu quả hơn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Nghèo và xóa đói giảm nghèo là phạm trù lịch sử, đặc trưng nghèo và xóa đói giảm nghèo ở mỗi xã hội là rất khác nhau, phụ thuộc vào bản chất, trình độ phát triển của xã hội. Đói nghèo là vấn đề toàn cầu, đã và đang diễn ra trên khắp các châu lục với những mức độ khác nhau và trở thành một thách thức lớn đối với sự phát triển của từng quốc gia, dân tộc, từng địa phương.
Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước ta, nền kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là công tác giảm nghèo luôn được quan tâm và đạt được những kết quả tốt.
Trong chương 1, luận văn trình bày các lý luận chung về nghèo và giảm nghèo, về chuẩn nghèo của Thế giới, của Việt Nam. Luận văn đã đưa ra các tiêu chí xác định chuẩn nghèo, nêu được nội dung giảm nghèo, sự cần thiết phải giảm nghèo trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO