Hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) giải pháp giảm nghèo tại huyện đắk mil, tỉnh đắk nông (Trang 88 - 90)

7. Bố cục đề tài

3.3.3.Hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo

Cần coi việc cho vay vốn để hỗ trợ cho người nghèo sản xuất kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng của chương trình giảm nghèo. Hơn nữa, huyện cần mở rộng và đa dạng hóa hình thức huy động các nguồn vốn tín dụng cho người nghèo như khuyến khích các quỹ hỗ trợ khác nhau, kêu gọi các nguồn tài trợ, tổ chức các hình thức bảo lãnh… Ngoài ra, cần gắn kết hoạt động cấp vốn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội với các kênh tín dụng và các nguồn quỹ khác như Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Quỹ xóa đói, giảm nghèo của huyện và của các tổ chức đoàn thể, tổ chức Phi chính phủ, để đảm bảo cơ bản số hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn làm ăn được trợ vốn, vay vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời phải giám sát được đối tượng vay vốn, thiết lập cơ chế để người tham gia tiết kiệm vốn làm ăn có hiệu quả.

Cần thực hiện đa dạng hóa các phương thức hỗ trợ, cho vay vốn gắn với các giải pháp khác; gắn kết tín dụng với các hoạt động nâng cao năng lực, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo; hỗ trợ vốn cho hộ nghèo có nhu cầu về vốn để chủ động làm ăn sinh sống đi đôi với việc tổ chức hướng

dẫn cách làm ăn sinh lợi. Tạo điều kiện về vốn cho những cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các chủ trang trại làm ăn có hiệu quả trên địa bàn huyện để họ mở rộng quy mô sử dụng lao động của các hộ nghèo và hỗ trợ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo.

Đẩy mạnh các biện pháp tạo nguồn vốn và khả năng đầu tư vốn phục vụ cho chương trình giảm nghèo các cấp bằng các biện pháp như: tổ chức vận động hộ nhân dân và doanh nghiệp (trong nước, liên doanh và nước ngoài) trên địa bàn huyện đóng góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Mở rộng quy mô tín dụng của Chi nhánh ngân hàng chính sách – xã hội huyện phục vụ cho vay vốn đối với hộ nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, huyện nên tiếp tục khuyến kích hộ nghèo kết hợp sử dụng nguồn vốn tự có, tự vận động của các tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh…) với vốn vay kinh doanh hiệu quả hơn.

Ngoài các nguồn vốn, nguồn quỹ nói trên phục vụ cho chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện, cần huy động nhiều nguồn vốn của các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội khác của huyện cũng như cần lồng ghép mục tiêu giảm nghèo trong các chương trình hợp tác với các tổ chức Quốc tế, các tổ chức Phi chính phủ. Các nguồn vốn này phải được xác định cụ thể, có sự kiểm tra, chỉ đạo và phối hợp thực hiện chặt chẽ theo hợp đồng trách nhiệm và phải được thống nhất ký kết giữa các ngành chức năng hoặc tổ chức đơn vị là chủ quản đầu tư trực tiếp các chương trình, dự án này với Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo của huyện nhằm đảm bảo cho nguồn vốn sử dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

Thực hiện đúng, nghiêm túc quy trình tín dụng từ khâu xét duyệt, giải ngân và thu nợ, thu lãi có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội. Nó tạo điều kiện thực hiện chế độ tín dụng

công khai, dân chủ trong cộng đồng nhân dân và người nghèo, đồng thời cung ứng vốn đúng đối tượng, kịp thời. Thực tế thời gian qua địa phương chưa xác định rõ được đối tượng vay vốn nên đã đưa cả những hộ nghèo tuy có sức lao động nhưng do đặc thù nghề nghiệp không có nhu cầu vay vốn hoặc những hộ tuy là hộ nghèo nhưng chủ yếu là những người già cả, neo đơn, không có sức lao động vào danh sách vay vốn. Điều nay dẫn đến quan điểm sai lầm coi tín dụng đối với hộ nghèo là hình thực cấp phát, mang tính trợ cấp xã hội, làm cho hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp. Như vậy, khi cho hộ nghèo vay cần phải chọn người vay có nhu cầu, điều kiện sử dụng vốn, có điều kiện hoàn trả, tránh biến họ thành nợ không có khả năng trả nợ. Đồng thời, cần xác định mức cho vay, kỳ hạn phù hợp với từng đối tượng vay, mục đích vay.

Cần rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn tại các khu dân cư. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn thông qua việc tập huấn về chuyên môn cho tổ trưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ trưởng vay vốn trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Tăng cường kiểm tra, đối chiếu dư nợ để tránh tình trạng tổ trưởng xâm tiêu chiếm dụng nguồn vốn.

Cần nâng cao chất lượng nguồn lực của Ngân hàng chính sách xã hội, tăng cường số lượng và chất lượng tác nghiệp của cán bộ nhân viên ngân hàng. Đồng thời cũng cần chú trọng giáo dục ý thức đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên để có sự đồng cảm, quan tâm chia sẻ với hoàn cảnh của người nghèo, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) giải pháp giảm nghèo tại huyện đắk mil, tỉnh đắk nông (Trang 88 - 90)