Công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) chuyển dịch cơ cấu cây trồng huyện đức cơ, tỉnh gia lai (Trang 29 - 32)

7. Tổng quan tài liệu

1.4.3. Công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ

Thị trường là nơi người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Mỗi thị trường tiêu dùng có nhu cầu về số lượng, chất lượng và loại hàng hóa khác nhau; để đáp ứng được nhu cầu này, các ngành sẽ có cơ cấu cho phù hợp ở mỗi thị trường.

Hệ thống chế biến và thị trường tiêu thụ bảo đảm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây trồng trong nông nghiệp nói riêng. Đồng thời, đây cũng là điều kiện cho phép nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất cây trồng.

Cây công nghiệp dài ngày là loại cây mà sản phẩm của nó chủ yếu cung cấp cho công nghiệp chế biến nguyên liệu cho các công nghiệp hay xuất khẩu,

với chu kỳ kinh doanh dài và đầu tư lớn. Nếu chỉ dựa vào thị trường thế giới và xuất khẩu thô, thì sẽ có nhiều khó khăn để phát triển cây công nghiệp lâu năm này. Cụ thể, (1) Biến động về cầu khá lớn của thị trường thế giới khiến giá cả dao động mạnh, gây khó khăn cho người sản xuất; (2) Giá trị gia tăng thấp, do chỉ đảm bảo khâu sản xuất ban đầu ra sản phẩm thô để bán, nên trình độ công nghệ thấp.

Sự phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp lâu năm không chỉ giúp gia tăng đáng kể giá trị của nông sản này, mà còn giúp chủ động hơn trong đàm phán cung cấp hàng hóa. Hiện tại nông sản của Việt Nam nói chung và sản phẩm cây công nghiệp lâu năm mà nước ta xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô hay mới sơ chế, do đó giá trị thấp, tiềm năng để tăng giá trị khá lớn và nằm ở tất cả các khâu của thu hoạch chế biến. Chỉ riêng trong khâu thu hoạch, thì mức hao hụt và giảm chất lượng do công nghệ thấp đã làm giá trị sản phẩm cây trồng thấp hơn khoảng 10-15%. Sản phẩm sơ chế với công nghệ thấp, chất lượng thấp, thường bán với giá thấp và bị chèn ép, nên hiệu quả thấp. Việc áp dụng công nghệ chế biến cao ngay từ những khâu sơ chế sẽ giúp tăng đáng kể giá trị của cây công nghiệp lâu năm. Sự phát triển công nghiệp chế biến từ sơ chế tới chế biến sâu là điều kiện quyết định tăng giá trị và chủ động trong sản xuất cây trồng này.

Các nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng, nhu cầu, thị hiếu và cơ cấu tiêu dùng sẽ quyết định cơ cấu sản xuất. Đối với sản phẩm nông nghiệp, thì tính chất quyết định của thị trường càng mạnh; đồng thời tính cạnh tranh của thi trường cũng rất lớn. Do đó, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp phải xem xét, đánh giá đầy đủ tác động của yếu tố này và chỉ khi đánh giá đúng, đầy đủ thì mới đảm bảo định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường và tránh được những rủi ro trong sản xuất cây trồng nông nghiệp.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Những trình bày trên đây là hình thành khung lý thuyết cơ bản cho việc phân tích tình hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho một địa phương.

Sự phát triển nông nghiệp gắn liền với những điều chỉnh thay đổi trong cơ cấu của ngành sản xuất này. Cơ cấu cây trồng trong ngành trồng trọt sẽ quyết định sự phát triển của ngành này gắn liền với điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội của mỗi vùng.

Khái quát từ lý luận và các công trình nghiên cứu liên quan cho thấy, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp là sự thay đổi cơ cấu này theo thời gian, từ trạng thái và trình độ này sang trạng thái và trình độ khác. Đây là quá trình biến đổi cả về số lượng, chất lượng và mối quan hệ trong nội bộ cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp được thể hiện ở các nội dung sau: (i) chuyển dịch cơ cấu theo đầu ra (giá trị sản lượng nông nghiệp); (ii) chuyển dịch cơ cấu theo diện tích cây trồng; (iii) chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo vùng.

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng sẽ phụ thuộc vào nhiều nhân tố, đó là điều kiện tự nhiên, điều kiện nguồn lực, điều kiện thị trường, cơ chế chính sách…

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG HUYỆN ĐỨC CƠ

2.1. THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG CỦA HUYỆN

Phần này tập trung phân tích chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện. Thực chất cơ cấu này là cơ cấu ngành trồng trọt. Việc phân tích này rất quan trọng, vì trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện, tỷ trọng của ngành trồng trọt hiện vẫn chiếm khoảng 97% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn huyện.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) chuyển dịch cơ cấu cây trồng huyện đức cơ, tỉnh gia lai (Trang 29 - 32)