Sự cần thiết của quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp ở tỉnh quảng trị (Trang 26 - 28)

Thứ nhất, xuất phát từ tác động tiêu cực của thất nghiệp. Thất nghiệp là vấn đề kinh tế - xã hội phổ biến đối với hầu hết các quốc gia và Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Thất nghiệp đang trở thành một vấn đề quan tâm của xã hội. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao một phần xuất phát từ việc thị trường lao động được bổ sung thêm nhiều nhân lực trong khi nền kinh tế chưa đạt tới tốc độ tăng trưởng phù hợp để đáp ứng nhu cầu việc làm đó.

Thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tác động và gây nhiều vấn đề bất cập như: Tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, tỷ lệ lạm phát ngày càng cao, tỷ lệ phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, … Thất nghiệp ở mức cao dẫn đến sản xuất sút kém, tài nguyên không được sử dụng hết, thu nhập của dân cư giảm xuống kéo theo tổng giá trị sản phẩm

quốc dân cũng giảm. Chính vì thế, thất nghiệp luôn là nỗi lo cho toàn xã hội. Và BHTN đã thể hiện là một trong những giải pháp quan trọng nhất giải quyết thấu đáo tình trạng trên.

Thứ hai, xuất phát từ đòi hỏi của sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với thách thức, khó khăn về kinh tế, phát triển kinh tế thị trường cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức không kém phần quan trọng về mặt xã hội. Kể từ khi hội nhập, nền kinh tế Việt Nam trở nên năng động hơn, các thành phần kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ và việc cạnh tranh giữa chúng có phần quyết liệt hơn. Chính sự cạnh tranh đó đã làm cho nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị phá sản, tăng thêm đội ngũ những người không có việc làm hoặc có việc làm không đầy đủ, nhất là ở thành thị. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo. Đương nhiên, quy luật đào thải lao động luôn tồn tại trong nền kinh tế thị trường dẫn đến tình trạng thất nghiệp của một bộ phận NLĐ không còn khả năng bám trụ. Nhà nước ta đã thể hiện vai trò quản lý của mình thông qua những chính sách hỗ trợ việc làm, thông qua chính sách BHTN trên nguyên tắc đảm bảo việc quản lý, kiểm soát các hoạt động BHTN nhưng không làm hạn chế sự phát triển của kinh tế xã hội.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được đặt ra rất cấp bách. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm mục tiêu đạt kết quả quan trọng thông qua hoạt động QLNN của các cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động QLNN về BHTN cũng không phải là ngoại lệ, đây cũng là một trong những

nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta đã đề ra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ mới.

Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nước ta thực hiện chính sách BHTN. Toàn cầu hoá là một xu thế khách quan, bởi toàn cầu hoá là động lực phát triển của lực lượng sản xuất; lực lượng sản xuất thì không ngừng lớn mạnh đó là quy luật chung nhất cho mọi thời đại, mọi chế độ xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực cũng tồn tại không ít những tác động tiêu cực dẫn đến tình trạng mất việc làm tăng cao. Để hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, Nhà nước ngày càng chú trọng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nói chung, trong đó hoàn thiện cơ chế QLNN về BHTN là một trong số những nhiệm vụ cấp thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp ở tỉnh quảng trị (Trang 26 - 28)