Hoàn thiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã trên địa bàn thành phố rạch giá, tỉnh kiên giang (Trang 72 - 83)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.1. Hoàn thiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã

Đào tạo, bồi dưỡng là một khâu quan trọng của công tác cán bộ. Nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã, vấn đề đầu tiên cần phải quan tâm chính là phải làm tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Để làm tốt công tác này, trước hết là phải có sự phối hợp của nhiều ngành, cơ quan, đơn vị, như: Tỉnh ủy giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch, Sở Tài chính xây dựng phương án sử dụng kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã trong từng giai đoạn nhất định. Trường chính trị tỉnh thực hiện việc mở lớp và thực hiện liên kết mở lớp, kiểm tra thực hiện nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, bồi dưỡng công chức cấp xã theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nội vụ rà soát các chức danh công chức cấp xã thuộc chuyên môn của Sở, ngành quản lý để xây dựng kế

hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm với các chức danh công chức xã theo tiêu chuẩn quy định và cập nhật kiến thức mới; Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát thực trạng đội ngũ công chức báo cáo với ủy ban nhân dân huyện, thành phố và tạo điều kiện cho công chức cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng... Tất cả các cơ quan, ban, ngành này phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã tạo thành một guồng máy hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng, có tính chất quyết định đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã, từ đó đào tạo ra những công chức cấp xã tương lai với trình độ, kiến thức vững chắc có thể đảm bảo cho nhu cầu phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương.

Lập quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã cần quan tâm những nội dung sau:

Một là, thống nhất giữa các cấp, cơ quan, ban, ngành là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức đồng thời để chuẩn hóa các chức danh công chức, đây là một thực tế đặt ra mà nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải quan tâm.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng trước hết cần tăng cường công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Bởi vì công tác này quyết định đến quy mô, chất lượng của đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã tỉnh Kiên Giang nói chung và công chức cấp xã ở thành phố Rạch Giá nói riêng. Nếu việc xây dựng kế hoạch, việc bố trí, sử dụng công chức không khoa học sẽ không tạo được tiền đề, cơ sở vững chắc cho việc đào tạo, bổ sung công chức tốt. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức cấp xã chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng lập kế hoạch đào tạo những công chức cấp xã có phẩm chất về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa các thời

kỳ. Để lập kế hoạch, quy hoạch đào tạo. bồi dưỡng có hiệu quả, cần phải điều tra khảo sát, đánh giá, phân tích thực trạng tình hình đội ngũ công chức hiện tại, trên cơ sở đó phân tích số lượng đội ngũ công chức cấp xã hiện có mang tính khách quan và đúng quan điểm của Đảng nhằm dự báo chính xác nhu cầu số lượng, chất lượng công chức cấp xã cho tương lai.

Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải mang tính đồng bộ, phát triển trong quy hoạch và theo tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã hiện nay, ở tỉnh Kiên Giang có một thực trạng là chính quyền địa phương chưa chú trọng, sáng tạo, bồi dưỡng chưa xác định rõ đối tượng nào cần được đào tạo, bồi dưỡng. Chính quyền cấp xã đưa công chức đi đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu dựa vào chỉ tiêu từ trên đưa xuống chứ không dựa vào nhu cầu thực tế của đơn vị. Thực tế cho thấy, nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng của công chức là rất lớn, nhưng chính quyền cấp xã lại không có kế hoạch cụ thể dẫn đến tình trạng công chức tự đào tạo mà không dựa vào kinh phí của địa phương. Đây là việc làm rất cần thiết đối với công chức xã tự học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, việc làm đó cũng có nhiều mặt trái như: công chức đi học một mặt là nâng cao trình độ để chuẩn hóa chức danh, mặt khác là để định hướng những chế độ chính sách cao hơn do vậy đôi khi việc học không đạt chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Bên cạnh đó, không phải công chức nào cũng muốn đi học và có nhu cầu đi học. Do vậy, trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, cần phải xác định rõ nhu cầu của từng đối tượng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý.

Đào tạo, bồi dưỡng một mặt để công chức có đủ chuẩn theo quy định, mặt khác cần mang đến một kết quả thiết thực là nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cho công chức. Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải tạo điều kiện cho công chức học tập ở những ngành nghề phù hợp với công việc và môi trường hợp lý. Khi đã xác định được nhu cầu và số lượng công chức cần được đào

tạo, bồi dưỡng, chính quyền địa phương cần phải phân loại nhu cầu, phân loại công chức, đánh giá tiềm năng và triển vọng của công chức. Trong phân loại nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cần chia ra nhu cầu trước mắt cần đáp ứng ngay, nhu cầu lâu dài có thể đáp ứng về sau.

Trong phân loại công chức cần phân loại theo sự ảnh hưởng của từng công chức đến hoạt động của chính quyền cấp xã để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp. Đối với những công chức trẻ (dưới 35 tuổi) nên chọn hình thức đào tạo chính quy tập trung và miễn công tác trong thời gian học tập. Đối với công chức từ 35 tuổi đến dưới 40 tuổi có thể chọn hình thức tập trung, vừa học, vừa làm. Đối với công chức trên 45 tuổi mà chưa đạt chuẩn về chuyên môn mà còn khả năng phát triển, có thể khuyến khích họ tự học tập để đạt chuẩn theo quy định.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn chặt với quy hoạch sử dụng công chức, đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn cho công chức cấp xã, quan tâm nhiều đến những nhân tố nổi bật trong các hoạt động phong trào của chính quyền cấp xã, để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng làm người kế cận trong tương lai. Vì vậy, cần xác định rõ đối tượng nào sẽ đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực chuyên môn gì, để sau khi học xong sẽ bố trí vào chức danh nào trong hệ thống công chức xã. Đây là vấn đề mà chính quyền cấp xã cần phải giải quyết để đảm bảo nguồn nhân lực tương lai.

Khi xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã, chính quyền cấp xã cần phải quan tâm đến ba đối tượng. Đối tượng thứ nhất là những công chức chưa đủ chuẩn. Đây là là đối tượng cần quan tâm, cần phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng đối với đối tượng này. Đối tượng thứ hai là những công chức đã đủ chuẩn nhưng có nhu cầu được đào tạo ở trình độ cao hơn hay có nhu cầu được bồi dưỡng để có thêm những kiến thức mới đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội hiện nay. Chính quyền cấp xã, các

cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tạo điều kiện mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho những đối tượng này vào một thời gian hợp lý nhất. Đối tượng thứ ba, những người chưa đủ chuẩn nhưng chưa có nhu cầu được đào tạo (vì nhiều lý do khác nhau: kinh tế, tuổi...) chính quyền cần quan tâm xem xét, khuyến khích họ học tập để có thể xây dựng được đội ngũ công chức vừa đủ chuẩn theo quy định vừa có năng lực thực tế có thể thích ứng với những nhiệm vụ được giao.

Ba là, có kế hoạch đào tạo nguồn cho công chức cấp xã. Bên cạnh việc lập kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, vấn đề đào tạo nguồn cho công chức cấp xã cũng cần được quan tâm. Hiện nay, thực trạng đào tạo, bồi dưỡng công chức nói chung và đào tạo, bồi dưỡng công chức xã ở thành phố Rạch Giá nói riêng chỉ là quá trình “có sẵn”, chỉ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức hiện tại, chưa quan tâm đến hoạt động tạo nguồn, cần thấy rằng, xây dựng được đội ngũ công chức cấp xã dồi dào, đảm bảo đủ các chức danh công chức chuyên môn là một trong những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã ở địa phương.

Qua phân tích thực trạng công chức cấp xã ở thành phố Rạch Giá cho thấy, số lượng công chức cấp xã hiện nay còn thiếu nhiều (kể cả công chức chuẩn bị về hưu), nhiều chức danh chưa có đủ nguồn nhân lực để bố trí hoặc một chức danh chỉ có một người đảm nhận dẫn đến tình trạng một người phải phụ trách nhiều mảng công việc. Nhu cầu cần được đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã là rất lớn nhưng chính quyền địa phương do thiếu người đảm nhiệm công việc, lại phải đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ dẫn đến tình trạng không có lực lượng giải quyết công việc làm cho hoạt động của chính quyên địa phương bị ùn tắc. Chính vì vậy, chính quyền cấp xã cần có kế hoạch tạo nguồn, xây dựng lực lượng công chức đủ đáp ứng nhu cầu công việc, đảm nhận từng chức danh cụ thể.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng, về mặt vật chất, tinh thần trong suốt quá trình học tập cho đến khi tốt nghiệp ra trường, sau khi tốt nghiệp những sinh viên này có nghĩa vụ về địa phương công tác theo sự phân công của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có kế hoạch quan tâm, động viên, khuyến khích, hỗ trợ con em gia đình chính sách, con em gia đình có công với cách mạng, con cán bộ, công chức, con gia đình lao động trên địa bàn xã, phường tham gia đào tạo các lớp tạo nguồn nhằm xây dựng đội ngũ công chức tại chỗ.

Khi đội ngũ công chức cấp xã đảm bảo về số lượng, chính quyền cấp xã sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức luân phiên nhau, vừa xây dựng được đội ngũ công chức vững mạnh vừa đảm bảo được công việc chuyên môn hằng ngày.

Để tạo nguồn công chức cấp xã, có thể đưa người vào vị trí chức danh của một công chức đang đảm nhận gần đến tuổi hưu theo quy định Sau đó đào tạo người mới này trong khoảng thời gian hai năm về kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế. Khi công chức đang đảm nhiệm công việc nghỉ hưu, chính quyền địa phương đã có một công chức đủ tiêu chuẩn về chuyên môn vừa đủ kinh nghiệm đáp ứng công việc theo vị trí chức danh của mình. Như vậy, chính quyền địa phương đã tạo được một nguồn công chức vững mạnh về chuyên môn và kinh nghiệm thực tế.

Bốn là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã do các cơ quan quản lý nhà nước đã đặt ra. Kiểm tra, giám sát là để xem xét các kế hoạch, quy hoạch của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện như thế nào, từ đó có thể thấy được điểm mạnh cũng như điểm yếu, những bất cập trong quá trình thực

hiện và có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Kiểm tra, giám sát còn bao gồm cả việc kiểm tra, giám sát đối với ngân sách của nhà nước chi cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Hàng năm, chính phủ, chính quyền địa phương đã đầu tư một khoản chi phí không nhỏ từ ngân sách nhà nước cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, công chức cấp xã nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn kinh phí này hầu như không mang lại hiệu quả cao, công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhiều nhưng hiệu quả, chất lượng không cao. Hiện tượng đào tạo, bồi dưỡng rồi không dùng đến, các đơn vị cử người đi học không đúng đối tượng, người cần học thì không được đi, người không có nhu cầu học lại phải đi học, các khóa học không có chất lượng, nội dung đào tạo, bồi dưỡng không cần thiết... đây là những hiện tượng vẫn còn xảy ra.

Do đó, cần phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát để báo cáo địa phương sử dụng nguồn ngân sách như là một công cụ quản lý mang lại hiệu quả trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng.

3.2.2. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng công chức cấp xã

Xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với đối tượng cần được đào tạo, bồi dưỡng là một yêu cầu cấp thiết và quan trọng, là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo, bồi dưỡng công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng là đào tạo nghề, kỹ năng giải quyết công việc chuyên môn, do đó chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải hướng đến khả năng thực thi công vụ của công chức.

Hiện nay, nhu cầu của công chức cấp xã là được đào tạo, bồi dưỡng để có thể trang bị và nâng cao năng lực chuyên môn trở thành người hoạt động chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể. Do vậy, chương trình đào tạo, bồi

dưỡng cần phải được đổi mới cho phù hợp, có thể đáp ứng được nhu cầu đảm nhận công việc của công chức cấp xã. Muốn thực hiện được điều này, cần phải thay đổi nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Nhu cầu của người học là giúp họ có kiến thức, kỹ năng phù hợp với vị trí công việc đảm nhiệm nhằm thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao.

Như mục tiêu mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề ra là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trang bị trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước và trình độ chuyên môn cho từng chức danh công chức đạt chuẩn theo quy định đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho công chức cấp xã được thể hiện ở những nội dung như sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, chương trình lý luận chính trị, nội dung chương trình, giáo trình phải đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tuởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chương trình này phải gắn chặt với đối tượng người học là công chức cấp xã (trình độ không đồng đều, còn hạn chế về nhận thức). Do vậy, nội dung chương trình không thể chỉ bao gồm lý luận suông mà còn phải thể hiện những kiến thức thực tiễn liên quan đến công việc chuyên môn của công chức cấp xã, có như thế người học mới có thể dễ dàng trong việc tiếp thu và vận dụng vào điều kiện thực tiễn.

Tuy nhiên, nội dung chương trình lý luận chính trị thay đổi như thế nào cũng phải bao gồm 3 nội dung cơ bản chủ yếu, đó là: tri thức lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để hình thành thế giới quan, phương pháp luận và quan điểm, lập trường của Đảng; tri thức khoa học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã trên địa bàn thành phố rạch giá, tỉnh kiên giang (Trang 72 - 83)