2.3. Đánh giá thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại Trung tâm Đào tạo
2.3.2.1. Những tồn tại, hạn chế
a. Quản lý thu
Mặc dù, kết quả đạt được rất đáng khích lệ, cơ chế quản lý thu vẫn chưa thể hiện rõ tính trách nhiệm của các chủ thể tham gia. Cơ chế phân bổ NSNN chưa thể hiện được tính hiệu quả và công bằng rõ nét khi phân bổ dàn trải cho mọi đối tượng, chưa khuyến khích sự cạnh tranh trong hoạt động khoa học công nghệ.
- Về cơ chế phân bổ NSNN: Các nguồn lực tài chính chủ yếu được phân bổ theo các đề xuất từ dưới lên. Cách thức phân bổ nguồn lực tài chính này mặc dù trong một số trường hợp phát huy được tính sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học nhưng trong nhiều trường hợp cũng khiến cho các đề tài nghiên cứu bị phân tán, dàn trải, không có tính bổ sung cho nhau và cản trở việc thực hiện các dự án nghiên cứu lớn có tầm chiến lược, mang tính nền tảng hoặc định hướng lâu dài, tức là dẫn đến sự lãng phí và kém hiệu quả.
Cơ chế phân bổ NSNN cho sự nghiệp KHCN còn chồng chéo, không rõ ràng. Vì vậy, việc phân chia trách nhiệm rất khó khăn. Như các đề tài NCKH cấp Nhà nước do Bộ KHCN quản lý nhưng lại giao kinh phí qua các bộ ngành gây mất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà ảnh hưởng đến thời gian thực hiện đề tài.
- Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Đào tạo chưa đa dạng và chưa được khai thác triệt để:
Qua phân tích cho thấy nguồn thu của Trung tâm Đào tạo chưa đa dạng, một phần nguồn thu từ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án Nhà nước, nguồn thu này phụ thuộc vào số lượng dự án và quy mô dự án. Phần lớn nguồn thu của Trung tâm Đào tạo là từ hoạt động sự nghiệp, tuy nhiên nguồn thu này còn bị bó hẹp trong phạm vi hoạt động, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh hiện có dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và không tạo ra cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Trung tâm Đào tạo phát huy tinh thần năng động, tự chủ trước sự nghiệp đổi mới của đất nước.
b. Quản lý hoạt động chi:
Mặc dù, về cơ bản hoạt động quản lý chi trong Trung tâm Đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cơ chế quản lý trong hoạt động này vẫn tồn tại nhiều bất cập làm suy giảm hiệu quả chi tại Trung tâm Đào tạo.
- Việc thực hiện chi đã được quản lý chi tiết theo từng mục chi, tuy nhiên vẫn còn tình trạng không phản ảnh đầy đủ trong các báo cáo gây khó khăn cho hoạt động quản lý tài chính.
- Cơ cấu về nội dung chi của Trung tâm Đào tạo còn nhiều bất cập, chưa tạo được cơ sở tiết kiệm và tăng hiệu quả công việc. Ví dụ, trong quy chế chi tiêu nội bộ có những điều khoản về tiền lương chưa bám sát thực tế và hiệu quả công việc của cán bộ công nhân viên mà chế độ trả lương còn mang nặng tính bình quân, trả theo thâm niên công tác nên chưa có tác động khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn cũng như chưa có động lực làm tăng năng suất lao động. Mặc dù cơ chế tài chính theo Nghị định 115, Nghị định 54 cho phép đơn vị được xây dựng định mức chi cao hơn mức quy định của nhà nước cho từng nội dung hoạt động trong phạm vi nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị, tất cả các định mức chi này đều phải được thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Đào tạo.
- Đối với quy chế chi tiêu nội bộ, mặc dù Nghị định quy định việc tham gia lấy ý kiến của người lao động, tuy nhiên, đóng góp ý kiến của người lao động không thực sự có giá trị. Điều này một phần là do hạn chế nguồn thu không đủ để đáp ứng các mong muốn, yêu cầu của cán bộ viên chức trong Trung tâm Đào tạo, làm hạn chế tham gia dân chủ trong phân phối kết quả lao động;
- Mặc dù thực hiện tự chủ, tuy nhiên bộ máy quản lý của Trung tâm Đào tạo còn cồng kềnh và hoạt động chưa hiệu quả. Trung tâm Đào tạo chưa định biên được số lượng biên chế của từng phòng nên có hiện tượng một số phòng Trung tâm Đào tạo thiếu biện chế trong khi một số phòng khác lại thừa nên dẫn đến tình trạng bộ số bộ phận công việc làm không hết trong khi một số đơn vị khác không có việc làm. Hoạt động ở một số bộ phận, đơn vị giúp việc chưa đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của lãnh đạo và hiệu quả làm việc còn hạn chế.
Quyền tự chủ về tài chính của Trung tâm Đào tạo hiện nay vẫn còn hạn hẹp. Tinh thần của quy định mới về tự chủ tài chính cho thấy khả năng tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng cao thì quyền tự chủ trong sử dụng tài chính và phân phối kết quả tài chính càng lớn. Tuy nhiên, Trung tâm Đào tạo vẫn bị ràng buộc khá nhiều trong việc sử dụng và phân phối tài chính, nhất là việc chi trả lương vẫn phải theo thang bảng lương của nhà nước; thuê nhà khoa học và thuê chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, mời chuyên gia nước ngoài vào làm việc vẫn bị phụ thuộc quy định của nhà nước; khống chế mức trích lập các quỹ … chưa được quyền chủ động thanh lý, chuyển nhượng tài sản do đơn vị mua sắm từ nguồn vốn tự có của đơn vị vì vậy chưa phát huy hiệu quả vòng quay vốn trên tổng giá trị tài sản. Bên cạnh đó còn phát sinh các chi phí và lãng phí không cần thiết về nguồn lực để lưu giữ những tài sản đã hết giá trị sử dụng hoặc hư hỏng cần phải loại bỏ, thay thế.
Việc phân cấp trong đầu tư phát triển còn nhiều bất cập như các tổ chức khoa học và công nghệ không được quyền chủ động quyết định đầu tư phát triển từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị như việc mua sắm tài sản và sửa chữa xây dựng có giá trị dưới 100 triệu đồng mới được tự thực hiện, nếu có giá trị trên 100 triệu đồng thì phải báo cáo, xin ý kiến của Tổng cục; việc đầu tư xây dựng cơ bản có giá trị trên 1 tỷ phải báo cáo Tổng cục để Tổng cục xin chủ trương đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ…
c. Quản lý phân phối kết quả hoạt động tài chính:
Việc xác định kinh phí tiết kiệm được chưa sát thực tế. Mức phân bổ cho quỹ đầu tư phát triển hoạt động quá cao dẫn đến Trung tâm Đào tạo có ít nguồn để trích lập quỹ thu nhập tăng thêm, quỹ khen thưởng phúc lợi làm hạn chế mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động. Nguyên nhân là cơ chế tạo lập các quỹ còn chung chung, chưa quy định cụ thể rõ ràng cho các loại hình đơn vị, dẫn đến thực hiện rập khuôn máy móc.
Ngoài ra, cơ chế quản lý còn chưa thích ứng với cơ chế mới, bộ máy tài chính kế toán của đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến việc triển khai còn lúng túng trong việc chi trả tiền lương tăng thêm và trích lập các quỹ.