3.2. Giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính tại Trung tâm Đào tạo
3.2.4. Giải pháp hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ
Trên cơ sở quy định hiện hành của Nhà nước, có tính đến những đặc điểm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung tâm Đào tạo, có thể hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ ở một số nội dung cơ bản như sau:
* Đổi mới chi cho cán bộ, công chức, viên chức - Quỹ tiền lương:
Quỹ tiền lương hằng năm cần được tính trong thời gian tới theo công thức sau:
Quỹ tiền lương năm = mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định x (Hệ số lương theo ngạch bậc bình quân + hệ số phụ cấp chức vụ + hệ số phụ cấp đặc biệt khác của ngành + hệ số phụ cấp khác) x biên chế và lao động hợp đồng từ một năm trở lên x 12 tháng.
Với cơ chế tự chủ tài chính hiện nay, Trung tâm Đào tạo ngày một đổi mới cách trả lương cho cán bộ, công chức, viện chức. Trung tâm Đào tạo có thể trả lương một lần một tháng, thời gian trả lương tháng thực hiện ngay từ đầu tháng hoặc có thể trả lương một tháng hai lần vào đầu và giữa tháng. Việc chi trả lương cần phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chi trả lương và đơn vị quản lý cán bộ để tránh tình trạng những cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu, thuyên chuyển công tác, đi học dài hạn trong và ngoài nước… vẫn chi trả lương, sau đó phải thu hồi sẽ rất phức tạp
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng từ một năm trở lên không được hưởng phụ cấp đặc biệt của ngành, nên tính thêm khoản phụ cấp nhằm giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập giữa giảng viên và cán bộ quản lý, phục vụ.
- Chi trả thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên.
Cách tính thu nhập tăng thêm để chi cho cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng từ một năm trở lên theo công thức:
Tổng số tiền thu nhập tăng thêm một năm = Số tiền chênh lệch thu lớn hơn chi – số tiền trích lập các quỹ (của năm tính thu nhập tăng thêm)
Trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn một lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm, Thủ trưởng sẽ quyết định sử dụng: trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; trích lập các quỹ: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (mức trích tuỳ tình hình thực tế); Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi (mức tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm bình quân trong năm); Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
Phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tập trung khuyến khích những người có thành tích xuất sắc, có hiệu suất công tác cao, thực hiện tốt tiết kiệm, chống lãng phí, khai thác tốt các nguồn thu cho đơn vị. Tuy nhiên, cần có quy chế phân loại, đánh giá cán bộ rất cụ thể, tránh hình thức, mất công bằng dẫn đến sự bất ổn, mất đoàn kết nội bộ. Việc phân loại cán bộ có thể phân theo nhiều loại A, B, C, D… khác nhau, mỗi loại sẽ có một mức chi trả thu nhập tăng thêm tương ứng.
- Về phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ
Các đơn vị chủ động sắp xếp, bố trí nhân lực hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Trường hợp phải làm thêm giờ, thủ trưởng đơn vị sử dụng lao động phải bố trí cho cán bộ được nghỉ bù, trường hợp không thể nghỉ bù được thì sẽ được thanh toán phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ theo quy định của nhà nước.
Đối với một số công việc phải trực đêm sẽ được thanh toán theo ca trực như bảo vệ, y tế. Mức thanh toán ca trực đêm, được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Đào tạo và nên lấy cơ sở vận dụng là một tỷ lệ nhất định trên mức tiền lương tối thiểu của nhà nước.
- Chi quản lý hành chính
Để thực hiện chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả, việc đầu tiên Trung tâm Đào tạo cần phải thực hiện là sắp xếp lại bộ máy tinh gọn và chất lượng, thứ
hai là Trung tâm Đào tạo cần phải thực hiện chi tiêu công khai. Khuyến khích và xây dựng các định mức khoán chi hành chính giúp các cán bộ tiết kiệm và có trách nhiệm trong công tác.
- Các tiêu chuẩn, định mức và mức chi Trung tâm Đào tạo phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước:
1. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; 2. Tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc;
3. Tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động;
4. Chế độ công tác phí nước ngoài;
5. Chế độ sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;
6. Chế độ, chính sách tinh giản biên chế;
7. Chế độ quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Trích lập các quỹ từ kết quả hoạt động tài chính
Tỷ trọng trích lập các quỹ để phát huy hiệu quả cần được xem xét qua các giai đoạn phát triển của Trung tâm Đào tạo và hoàn toàn chủ động. Tuy nhiên, một trong những quỹ quan trọng, gắn liền với chất lượng là quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và quỹ thu nhập tăng thêm cho viên chức. Hai quỹ này cần được ưu tiên lớn nhất nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển sự nghiệp, giúp củng cố, xây dựng sự nghiệp vững mạnh trong Trung tâm Đào tạo đồng thời hỗ trợ thu nhập cho cán bộ công nhân viên có thêm thu nhập yên tâm tập trung chuyên môn.
Ngoài ra, Nhà nước nên tạo quyền chủ động hơn nữa, bỏ khống chế, quy định về tỷ lệ trích lập các quỹ nhằm tạo chủ động cho Trung tâm Đào
tạo trong việ trích lập bởi chỉ Trung tâm Đào tạo mới hiểu rõ nhu cầu, khả năng, sự cần thiết của từng quỹ trong từng giai đoạn phát triển.