Vân Canh là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km, dựa lưng vào những khối đá núi kết tinh đồ sộ của cao nguyên Gia Lai – KonTum.
Vân Canh có vị trí địa lý thuận lợi. Nam giáp huyện Đồng Xuân (Phú Yên), Bắc giáp hai huyện An Nhơn và Tây Sơn, Tây giáp huyện Kông Chơro (Gia Lai), và phía Đông là huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Do vậy, Vân Canh cùng với Vĩnh Thạnh, tựa như một hành lang lớn giữa Bắc Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ án ngữ đèo An Khê.
Vân Canh cách không xa Quốc lộ 1A, gần ga Diêu Trì. Từ Vân Canh, xuống Cảng Quy Nhơn, hoặc ngược lên đường 19, đến vùng đất Tây Nguyên đều rất thuận tiện. Đặc biệt, từ thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) lên Vân Canh có thể đi thẳng tới tỉnh Phú Yên. Hàng hóa từ Vân Canh ra Bắc, vào Nam, hay ngược lên Tây Nguyên đều thuận lợi và ngược lại.
Trong công cuộc đổi mới, Vân Canh có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển; sản xuất nông nghiệp được mùa; công nghiệp, thương mại - dịch vụ tiếp tục có bước tăng trưởng khá; các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá xã hội tiếp tục có tiến bộ; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Hệ thống quản lý hành chính nhà nước từng bước được xây dựng vững mạnh, đáp ứng tốt các nhu cầu của tổ chức và nhân dân.
Với diện tích đất tự nhiên 79.797 ha, Vân Canh hiện có 6 xã (Canh Vinh; Canh Hiển; Canh Hiệp; Canh Thuận; Canh Hoà; và Canh Liên) và 1 thị trấn là thị trấn Vân Canh. Thị trấn Vân Canh được thành lập theo Nghị định số 46/2002/NĐ-CP được ban hành vào ngày 19/04/2002 của Chính phủ. Theo đó, thị trấn Vân Canh được thành lập dựa trên cơ sở 1.396,61 ha diện tích tự nhiên và 2.861 nhân khẩu của xã Canh Thuận; và 599,26 ha diện tích tự nhiên và 2.334 nhân khẩu của xã Canh Hiệp. Như vậy, thị trấn Vân Canh có 1.995,87 ha diện tích tự nhiên và 5.195 nhân khẩu. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 62%. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông, sản xuất nguồn nước dựa vào thiên nhiên là chính. Địa giới hành chính thị trấn Vân Canh: Đông, Bắc giáp xã Canh Hiệp; Tây, Nam giáp xã Canh Thuận. Kể từ khi thành lập, với vai trò là tâm điểm của huyện Vân Canh, thị trấn Vân Canh đã có sự phát triển vượt bậc và đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.
Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thị trấn, giai đoạn 2015-2020 tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế ước tăng bình quân hàng năm 11,1%. Trong đó, tính đến năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với nông-lâm nghiệp: 56,8%, công nghiệp-xây dựng: 14,5%, thương mại-dịch vụ: 28,7%. Nếu so với năm 2015 thì tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp giảm 12,1%, công nghiệp-xây dựng tăng 3%, thương mại-dịch vụ tăng 8,1%. Thu ngân sách Nhà nước tăng trên địa bàn vào năm 2020 ước đạt 4,8 tỷ đồng tăng bình quân là 28,8%/năm. Bên cạnh có sự phát triển vượt bậc về hoạt động kinh tế, Thị trấn cũng đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện đời sống người dân cả về mặt văn hoá và tinh thần. Ngày 19/06/2017 UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2176/QĐ-UBND về việc công nhận thị trấn Vân Canh là đô thị loại V. Quyết định này đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong quá trình phát triển của Thị trấn cũng như đánh giá thành quả quản lý tốt của UBND thị trấn trong thời gian qua.
3.1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBND thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định